Trang Hạ: Vì bạn còn có ngày mai
(Baonghean) - Chúng ta chưa học được cách sống tử tế nên cũng chẳng học được cách chết một cách tử tế?
1. Sáng Chủ nhật 22/5 bầu cử toàn quốc, có những người vĩnh viễn không bao giờ hoàn thành hành trình công dân của ngày hôm ấy. Lý do đơn giản: Họ đã chết cháy hoàn toàn tại Bình Thuận, vào lúc 4 giờ sáng, trên hai chuyến xe định mệnh. Một chuyến chạy về thành phố Hồ Chí Minh, và một chuyến vừa rời nơi đó vài tiếng.
Những cái chết bàng hoàng bỗng dưng mà đến. Báo chí nói, lỗi tại hai tên cẩu tặc trên chiếc xe máy gây thảm họa. Cũng có báo cho rằng, lỗi ở một tài xế xe khách vượt ẩu. Báo khác đưa tin, giá như có “con lươn” phân làn trên quốc lộ, vụ tai nạn sẽ không bao giờ xảy ra.
Những người ấy, sáng hôm ấy, sẽ bình yên đi bỏ phiếu bầu cử tại địa phương, nơi họ tới an toàn, đi đến nơi, về đến chốn. Những cái chết ấy thực ra cũng đã được dự báo ở con số thống kê hàng năm về an toàn giao thông. Việt Nam dải đất bình yên hay không bình yên, hãy xem ở số liệu này:
Nghỉ Tết thôi, mà 400 vụ tai nạn xe cộ, 300 người chết. Con số “khiêm tốn” ấy có đúng sự thực không, khi các bác sỹ lại báo rằng, họ phải đón gần 50.000 người bị tai nạn giao thông dịp Tết! Chỉ “chấn thương sọ não” đã hơn nửa vạn người!
Sự sống đã mong manh như thế nhưng chúng ta đã sống như thế nào?
Minh họa: Nam Phong |
2. Tôi bị ám ảnh bởi một bản tin ngắn trên báo, mấy năm trước thôi, một nữ sinh nghèo, sau khi cãi nhau với người yêu đi xe đạp ra cầu Bến Thủy, nhảy xuống sông Lam tự vẫn ở tuổi 19.
Anh người yêu vẫn rời cầu Bến Thủy đi về nhà, vẫn sống tiếp cuộc đời của một người đàn ông. Chắc sau này lấy vợ đẻ con, ảnh cưới của anh treo trong nhà đẹp lắm.
Cái chết của cô gái nghèo có phải chính là sự trừng phạt cho chính cô không? Hay là cho cuộc sống này, khi mà tai ương đã đủ nhiều, con người còn mang bao nhiêu tội tình khoác lên đời một người con gái, chưa biết có mấy lần vui đã có một lần buồn oan nghiệt?
Tuần nào cũng có những người tự chết. Ôm theo con chết, bắt vợ chết cùng, thậm chí ly hôn rồi còn quay lại ôm mìn tự sát.
Chúng ta đã đầu tư gì vào đời sống? Những cá tính nửa vời, những ước mộng thiếu hành động chỉ khiến cuộc sống hiện tại càng thê thảm, và những mối quan hệ vớ vẩn không nâng đỡ cuộc đời ta mà chỉ đẩy ta nhanh hơn xuống vực thẳm bóng tối?
Tôi nhớ câu chuyện một nhà văn Đài Loan đã kể về chiến tranh Việt Nam. Ông ấy nói, có một người mẹ Việt Nam, khi trúng đạn của lính Mỹ, đã ngã xuống. Nhưng vì bồng con trên tay, nên khi chết, người mẹ ấy đã ngã rất nhẹ. Và nhà văn Đài Loan đã khóc mỗi khi nhớ đến hình ảnh gợi về cái chết ấy.
Một người tử tế đọc xong một cuốn sách hay, có thể sẽ để nó lại nơi công cộng, hy vọng nhiều người vô tình khác cùng được đọc.
Một người tử tế nếu đang đi tàu hỏa mà đánh rơi một chiếc dép xuống đường, thay bằng chửi rủa sự vụng về của bản thân, thì sẽ ném nốt chiếc dép còn lại xuống đường. Vì hy vọng người đi đường lượm được sẽ có cả đôi để dùng tiếp!
Nhiều người tử tế dù còn trẻ đã ký đơn tình nguyện hiến xác, hiến tạng, để ngay cả mọi bất trắc trên đời đều khiến họ tiếp tục còn có ích cho nhân loại này, những người còn đang được sống!
Vì thế, phải chăng chúng ta chưa học được cách sống tử tế nên cũng chẳng học được cách chết một cách tử tế?
3. Năm 2014 tôi tư vấn truyền thông cho một công ty của nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam. Khách hàng của họ là hàng ngàn các anh tài xế taxi trên cả nước, hàng vạn các chị công nhân trong các khu công nghiệp. Họ nói với tôi:
- Kêu gọi dừng đèn đỏ, chẳng ai dừng nếu không thấy công an đứng đấy.
- Phổ biến về luật giao thông, nghe thì ai cũng biết nhưng rời cuộc tọa đàm ra bãi để xe, họ vẫn không chịu đội mũ bảo hiểm.
- Thuê các danh hài để làm truyền thông, hiệu quả rất ít. Nghe danh hài thì ai cũng đến dự, nhưng cười xong, chụp ảnh selfie xong, thay đổi nhận thức thì không!
- Đánh giá việc thực thi đảm bảo an toàn giao thông đưa vào lương thưởng, thì chính doanh nghiệp kêu khó!
Năm đó có chiến dịch tư vấn “Vì bạn còn có ngày mai…” ở các ngã tư đường phố, ở những nhà ăn công nhân, tại trạm đỗ xe taxi bụi, trên áo đẹp miễn phí, trên tay các cô hot-girl đi trên làn đường đi bộ mỗi khi đèn đỏ ngã tư… không biết có làm ai thay đổi thói quen đội mũ bảo hiểm, và tuân thủ an toàn giao thông?
Vì nói cho cùng, trên đường, chúng ta giao tiếp với nhau không phải là bằng tiếng người, mà là bằng còi và đèn xe!
Câu chuyện “sợ luật” không phải là chuyện pháp luật, mà là câu chuyện củng cố hành vi. Và sâu xa hơn là trân trọng cuộc sống! Một khi bạn tự coi cuộc sống của bạn không hề đáng giá một xu, bạn sẽ sống như thể không bao giờ có ngày mai! Bạn sẽ coi lấn làn được một mét vuông đường nhựa hoặc vượt trước ba giây đèn đỏ là mục đích sống hôm nay!
Nhưng nếu bạn tin, có biết bao nhiêu điều tuyệt vời cần làm vào ngày mai, sau cánh cửa gia đình là bao nhiêu người cần bạn sống, và quay trở về nhà?
4. Tôi nhớ lại tất cả những cảm xúc trên về sự sống và cái chết, khi hôm nay báo chí đầy tin xấu về tai nạn giao thông.
Những gì quý giá nhất mà ta có là sự sống, nhưng phải là một cuộc sống được trân trọng, có giá trị với gia đình và xã hội, chứ không phải chỉ là một sự sống đơn thuần có ăn ngon, mặc đẹp. Ăn ngon như thể bụng là một túi đựng cơm, và mặc đẹp sành điệu như một cái giá đắt tiền mắc áo. “Giá áo túi cơm” vẫn luôn là một câu mắng nặng nề cho những người sống vô ích với người khác.
Quản trị đời sống đâu chỉ là việc kiếm thật nhiều tiền, lên thật nhiều việc phải làm cho cả cuộc đời. Quản trị đời sống còn là quản trị cảm xúc, điều hòa những mối quan hệ xung đột, trang bị cho bản thân tinh thần lạc quan và thân thể lành mạnh, cũng dự tính được những khả năng trong đời, để lúc nào chúng ta cũng luôn chủ động và tự tại.
Không lẽ ta sống vội vã tới mức, không một giây phút nào dừng lại và tự hỏi: Trên mảnh đất này, những người đã sống và những người đã chết, họ đều là những bậc thầy vĩ đại về cuộc sống, họ dạy cho chúng ta trân trọng bản thân mình. Cho chúng ta trách nhiệm với gia đình và bản thân.
Nếu không, chẳng lẽ ngay cả những tin sửng sốt về thảm họa, bạn cũng chỉ đọc nó ngang với xem trò vui của showbiz?
Trang Hạ
TIN LIÊN QUAN |
---|