Vạ… Facebook
(Baonghean.vn) - Vạ… Facebook, cũng như vạ miệng ngoài đời thực, rồi thì sau những ồn ào náo động, tất cả cũng sẽ chìm khuất, qua đi. Song, dù chìm dù qua, thì những gì lỡ “vạ” đều là bài học nhớ đời với mỗi cá nhân, nhắc nhở họ hành xử cẩn trọng, có trách nhiệm với phát ngôn của mình.
Facebook tuần qua rầm rộ chia sẻ status của một nam nhân viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) về việc phục vụ hành khách đi xe lăn với những từ ngữ thiếu chuẩn mực, thậm chí gợi cảm giác kỳ thị, thiếu tôn trọng người khuyết tật. Nam nhân viên này, sau một ngày làm việc mệt mỏi, đã gõ dòng trạng thái đăng công khai trên Facebook cá nhân: “Ủa nay có đại hội xe lăn hay sao mà sáng giờ chuyến nào cũng 4-5 khách xe lăn, phục vụ mún t*ột quần, ko kịp đi t*ilet lun á…”(dẫn nguyên văn - PV).
Dòng trạng thái phản cảm của nam nhân viên đăng trên trang Facebook cá nhân bị nhiều người lên án (ảnh chụp màn hình). |
Ngay sau khi đăng tải, một làn sóng phẫn nộ và chỉ trích ùa vào Facebook cá nhân của nam nhân viên này. Phần lớn cư dân mạng bày tỏ phản cảm và lên án sự thiếu chuyên nghiệp trong hành xử với công việc của nam nhân viên: “Chẳng hiểu nổi bạn nghĩ gì mà lại viết thế. Bạn vừa vô cảm, vừa thiếu suy nghĩ”; “Người ta đã khuyết tật là tội lắm rồi, bạn còn mỉa mai như thế thật không chấp nhận được”; “Chắc dư tiền rồi nên viết giật gân để tự huỷ sự nghiệp đây mà”; “Người ta đi xe lăn thì cũng bỏ tiền để mua dịch vụ chứ không xin ai đồng nào”… Hốt hoảng trước phản ứng dữ dội của cư dân mạng, nam nhân viên này đã khoá vội Facebook, song status ấy vẫn bị chia sẻ trên khắp các hội, nhóm. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) đã vào cuộc xác minh và có văn bản đình chỉ công việc đối với nam nhân viên này.
Xưa, tục ngữ có câu: “Vạ tay không tày vạ miệng” nhằm chỉ việc nói năng thiếu thận trọng, không biết giữ gìn, nghĩ trước tính sau, dẫn đến tai vạ cho bản thân. Nay, cư dân mạng thường mỉa mai cái tật vạ… Facebook, ám chỉ những status, bình luận thiếu cân nhắc trên mạng xã hội mang lại những hậu quả khó lường. Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung là không gian ảo, song cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, không gian ấy nhanh chóng chiếm lĩnh một phần không nhỏ đời sống thực; qua đó, những người dùng Facebook không còn là người dùng ẩn danh sau bàn phím, mà từ biểu hiện trên Facebook đã thể hiện quan điểm, chính kiến của một con người ngoài đời thực. Chẳng thế mà cư dân mạng có câu: Hãy cho tôi biết Facebook của bạn, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai! Trên mạng xã hội, ai cũng có quyền bày tỏ tâm tư, tình cảm, chia sẻ chuyện đời tư, khẳng định cái tôi cá nhân với cả thế giới; vì vậy, mỗi status, bình luận, bức ảnh đăng tải đều phải trải qua “màng lọc” xét duyệt 9 người 10 ý của cộng đồng. Người bình thường còn đỡ, chứ nếu là người nổi tiếng thì cái sự “xét duyệt” ấy lại càng khắt khe hơn gấp bội.
Vạ miệng thì có thể lời nói gió bay, chứ vạ… Facebook thì dẫu có nhanh tay xoá bỏ đến đâu vẫn truy vết được. Ảnh minh hoạ. |
Lật lại các vụ vạ… Facebook trong những năm qua thì thấy, không ít người nổi tiếng dính phốt lỡ… bàn phím khiến sự nghiệp lao đao. NSƯT Đức Hải chẳng hạn, năm 2021, tài khoản có dấu tick xanh (xác nhận tài khoản chính chủ) của anh đăng bài viết công kích cá nhân với một số từ ngữ chua ngoa, phản cảm khiến người hâm mộ rất ức chế. Ngay sau đó, nghệ sĩ Đức Hải bị miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Hay như mới đây, trên tài khoản Facebook của nghệ sĩ Xuân Bắc đăng câu chuyện ngụ ngôn “Cái tát của mẹ”, khiến nhiều người đọc liên tưởng nghệ sĩ “nói xoáy” việc khán giả chê bai chất lượng Táo quân, dẫn đến làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội. Nghệ sĩ Xuân Bắc sau đó không lâu đã gửi lời xin lỗi chân thành tới khán giả vì khiến họ “hiểu nhầm”.
Vạ… Facebook, cũng như vạ miệng ngoài đời thực, rồi thì sau những ồn ào náo động, tất cả cũng sẽ chìm khuất, qua đi. Song, dù chìm dù qua, thì những gì lỡ “vạ” đều là bài học nhớ đời với mỗi cá nhân, nhắc nhở họ hành xử cẩn trọng, có trách nhiệm với phát ngôn của mình. Vạ miệng thì có thể lời nói gió bay, chứ vạ… Facebook thì dẫu có nhanh tay xoá bỏ đến đâu vẫn truy vết được. Nhất là với người nổi tiếng có đông người hâm mộ, trong đó có lứa tuổi vị thành niên, thanh niên rất dễ bị tác động tâm trí, thường bắt chước, đu trend hành vi, ứng xử, lời nói của người nổi tiếng. Khi đó, những cuộc khẩu chiến trên mạng có thể lan ra đời thực, trở thành làn sóng công kích, bạo lực nóng của người hâm mộ nhân danh thần tượng. Với các nghệ sĩ, nổi tiếng thường đi liền với tai tiếng, họ có thể mất nhiều năm miệt mài tạo dựng hình tượng song chỉ cần vài cú click chuột đã có thể sụp đổ tất thảy, ảnh hưởng đến cả sự nghiệp, bị các nhãn hàng tẩy chay và chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung là không gian kết nối và giải trí. Để tránh vạ… Faebook, chẳng ai bảo bạn phải tô hồng, làm màu bản thân mà hãy cứ sống theo đúng chuẩn mực cư xử ngoài đời thực: không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; thể hiện văn minh, lịch sự trong giao tiếp; không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi tham gia các hoạt động xã hội; không tham gia, xúi giục,kích động, tiếp tay hoặc bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người khác… Luật An ninh mạng và bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành sẽ là cơ sở để xử lý những hành xử, ứng xử lệch chuẩn.