Trang trọng lễ tưởng niệm lần thứ 230 ngày mất của Hoàng đế Quang Trung

Minh Quân 26/08/2022 12:02

(Baonghean.vn) - Lễ tưởng niệm nhằm tôn vinh công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ; đồng thời duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Sáng 26/8, tại đền Quang Trung thuộc quần thể Di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia Núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô, thành phố Vinh long trọng tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 230.

Dự lễ có các đồng chí: Thiếu tướng Phan Văn Sỹ - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4; Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh; Bùi Đình Long – Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Vinh, đại diện lãnh đạo các phường, xã thành phố Vinh và đông đảo du khách gần xa.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố Vinh và ngành Văn hóa - Thể thao cùng đông đảo du khách tham dự buổi lễ. Ảnh: Minh Quân

Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) tại ấp Kiên Thành, phủ Tuy Viễn, huyện Quy Nhơn (nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tổ tiên của Nguyễn Huệ vốn là người họ Hồ, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, sau khi vào Quy Nhơn, Bình Định đổi sang họ Nguyễn.

Trong bối cảnh hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn phân tranh, Bắc - Nam chia cắt, dân tình cơ cực, đất nước điêu tàn, năm 1771, Nguyễn Huệ cùng với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, ba anh em phất cờ khởi nghĩa tại đất Tây Sơn. Với tầm thao lược quân sự thiên tài và được nhân dân khắp mọi nơi đồng tình ủng hộ, Nguyễn Huệ đã chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn đánh đổ chúa Nguyễn Đàng Trong, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, tạo điều kiện cho hai miền Nam - Bắc thống nhất.

Năm 1785, Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm sang can thiệp, Nguyễn Huệ đã chỉ huy quân Tây Sơn tiêu diệt 5 vạn tên xâm lược tại Rạch Gầm, Xoài Mút (Mỹ Tho). Khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh sang xâm lược nước ta, năm 1789, Hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy quân và dân ta đánh tan 29 vạn quân Thanh giải phóng thành Thăng Long. Trận quyết chiến lừng danh trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đã được các nhà chiến lược quân sự hàng đầu trên thế giới dày công nghiên cứu và quan tâm.

Chương trình nghệ thuật tái hiện chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða lịch sử, tôn vinh Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa. Ảnh: Minh Quân

Sau Đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng và củng cố đất nước. Việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất chính là chọn đất đóng đô cho vương triều mới, sau nhiều lần ghé chân qua Nghệ An thì Nguyễn Huệ cho xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở đất Yên Trường, huyện Chân Lộc xưa (nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

Các đại biểu dâng hoa tại Điện thờ Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Minh Quân

Giữa lúc đất nước đang trên đà phát triển, thái bình và hưng thịnh thì ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức ngày 16/9/1792), Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà ở tuổi 39, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người dân xứ Nghệ và nhân dân cả nước.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung được xây dựng trên núi Dũng Quyết, phường Trung Đô, thành phố Vinh. Ảnh: Thành Cường.

Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung nhằm tôn vinh công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ; duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, văn hóa; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại quần thể Di tích danh thắng cấp quốc gia Núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô, đền thờ Hoàng đế Quang Trung.

Mới nhất

x
Trang trọng lễ tưởng niệm lần thứ 230 ngày mất của Hoàng đế Quang Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO