Tranh biện - món ăn tinh thần mới của giới trẻ thành Vinh

Chu Thanh 07/11/2018 11:02

(Baonghean) - Phát triển mạnh một thời gian dài tại nhiều quốc gia phát triển và mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng tranh biện (Debate) đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ Việt, trong đó có cả các bạn trẻ đang học tập ở thành phố Vinh.

Tranh biện không phải là tranh cãi

Ảnh: Chu Thanh
Vài năm trở lại đây, nhiều CLB tranh biện đã hình thành tại các trường THPT. Ảnh: Chu Thanh

Khoảng 7, 8 năm trở lại đây, phong trào tranh biện bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được các bạn trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đón nhận. Dù xuất hiện muộn hơn nhưng từ 3 năm qua, phong trào tranh biện ở thành phố Vinh đang dần trở thành món ăn tinh thần ưa thích của nhiều bạn trẻ.

Là câu lạc bộ tranh biện đầu tiên thành lập ở thành phố Vinh cách đây 3 năm, Phan Debate Club (PDC) hiện có gần 40 thành viên sinh hoạt thường xuyên 1, 2 buổi/tuần. Em Trần Hoài Thương - học sinh lớp chuyên Anh 11C5 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Chủ nhiệm PDC cho biết, tranh biện (Debate) là môn thể thao trí tuệ sử dụng quá trình tư duy và biểu đạt tư duy bằng cách thu thập, phân tích xử lý thông tin đến xây dựng, hệ thống sắp xếp các lập luận để ra quyết định.

Khái niệm về tranh biện được mọi người hiểu nhiều nhất là cuộc tranh luận, tranh biện mà có nhiều hơn 2 phe cùng đưa ra ý kiến về một vấn đề được giao. Các bên sẽ bảo vệ quan điểm của mình về vấn đề đó.

Debate được chia làm nhiều loại như Academic Debate (Tranh biện học thuật), Public Forum (Tranh biện mở), Presidential Debate (Tranh biện Tổng thống Mỹ), Informal Debate (Tranh biện không chính thức) và Debate trong MUN (Một dạng mô phỏng các hội nghị trong Liên hợp quốc). Hiện tại, chủ yếu các hoạt động tranh biện của giới trẻ thành phố Vinh xoay quanh loại Tranh biện học thuật.

Tìm hiểu và yêu thích tranh biện từ lớp 9, Hoài Thương chia sẻ, không ít người đánh đồng khái niệm tranh biện và tranh cãi với nhau nhưng thật ra điều này hoàn toàn không đúng. Đều là nói ra ý kiến của bản thân nhưng với tranh cãi, người nói có thể đưa ra ý kiến một cách tùy thích miễn sao ủng hộ quan điểm của mình dù cho thông tin đưa ra có thể đúng, có thể sai.

Trong khi với tranh biện, người nói nếu đưa ra ý kiến của mình thì phải giải thích cụ thể và đưa ra dẫn chứng rõ ràng, thông tin chính xác. Mục đích của tranh biện và tranh cãi cũng khác nhau. Nếu tranh cãi là để lấn át đối phương giành chiến thắng cho cá nhân thì tranh biện là nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất thuyết phục mọi người tin, làm theo vì lợi ích chung.

Là bộ môn trí tuệ phổ biến ở nhiều nước phát triển với các cuộc thi lớn nhỏ giao lưu giữa đội của các nước với nhau, tranh biện có hẳn bộ luật quy định về cách chơi, phân thắng bại. Khi đến với Việt Nam, luật thường được các bạn trẻ áp dụng trong các buổi tranh biện là luật AP.

Hoài Thương giải thích, trong một trận tranh biện sẽ có 3 bên gồm: ban giám khảo; 2 đội tham gia (mỗi đội có 3 người) chia làm đội ủng hộ và đội phản đối; khán giả. Khi bước vào trận đấu, mỗi đội có hai nhiệm vụ chính là trình bày quan điểm (3 quan điểm tương ứng với 3 lượt nói của 3 thành viên) và hỏi đáp thông tin giữa các lượt nói. Mỗi lượt trình bày chỉ kéo dài 7 phút. Sau khi kết thúc tranh biện, hai đội sẽ chờ ban giám khảo đưa ra kết quả cuối cùng. Trung bình một trận tranh biện kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút.

Lan tỏa trong giới trẻ

Ảnh: Chu Thanh
Một buổi tranh biện giữa các CLB tranh biện ở thành phố Vinh. Ảnh: Chu Thanh

Em Nguyễn Văn Bình, học sinh 12A3 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thành viên PDC cho biết, em tham gia CLB từ lớp 10. Ban đầu, Bình cũng chưa hiểu rõ về tranh biện nhưng khi càng tìm hiểu, em càng phát hiện nhiều điều hay của môn thể thao trí tuệ này.

“Điều mà em học được khi tham gia PDC là tăng tư duy một vấn đề từ nhiều phía; tăng khả năng thuyết phục người khác; tự tin nói trước đám đông… Đặc biệt, với bản thân em, em còn học được khả năng lắng nghe những ý kiến đối lập trong tranh biện”, Bình chia sẻ. Thế nên, tuy bận ôn thi cuối cấp nhưng Bình vẫn cố sắp xếp thời gian tham gia các buổi tranh biện cho dù không còn được thường xuyên như trước.

Nếu năm 2016, mới chỉ có duy nhất CLB tranh biện PDC của trường THPT chuyên Phan Bội Châu thì nay đã xuất hiện thêm các CLB tranh biện mới như Thunder Debate Club của trường THPT chuyên Đại học Vinh hay CLB tranh biện trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Em Hoàng Thị Hải An, lớp 11A8 trường THPT chuyên Đại học Vinh, Chủ nhiệm Thunder Debate Club cho biết, CLB mới được thành lập đầu tháng 8/2018 với 8 thành viên cốt cán là những bạn yêu thích bộ môn tranh biện và gần 20 thành viên mới. Do CLB mới thành lập nên chưa có nhiều bạn học sinh biết đến.

Dù vậy, Thunder Debate Club đã bắt đầu tổ chức buổi tranh biện đầu tiên cũng như luyện tập cho các thành viên các quy tắc, khái niệm về tranh biện. Thời gian tới, CLB dự định sẽ sinh hoạt 2 lần/1 tháng cũng như đẩy mạnh hơn việc tổ chức các buổi tranh biện giữa các thành viên, Hải An cho biết.

Nhìn chung, phong trào tranh biện đang ngày càng được phát triển, lan rộng ở Việt Nam thông qua các chương trình tranh biện như “Tôi lên tiếng”, “Trường Teen” phát sóng trên kênh VTV6. Tại thành phố Vinh, phong trào này tuy được bảo trợ trực tiếp từ đoàn trường nhưng chủ yếu các hoạt động đều do các em học sinh tự điều hành từ cách thành lập CLB cho đến tổ chức các cuộc tranh biện với nhau.

Do đó, dù tranh biện là hoạt động mang lại rất nhiều mặt tích cực cho học sinh song chất lượng và cả tính lâu dài của hoạt động này vẫn còn tùy thuộc rất nhiều vào các thành viên cốt cán của các CLB.

Có lẽ, đã đến lúc phong trào tranh biện cần được quan tâm nhiều hơn để hướng phát triển theo chiều chất, lượng và bền vững hơn. Từ đó giúp các bạn trẻ Nghệ An có thêm nhiều cơ hội rèn luyện tư duy suy nghĩ đa chiều, tư duy phản biện không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Mới nhất

x
Tranh biện - món ăn tinh thần mới của giới trẻ thành Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO