Tránh dàn trải trong trùng tu di tích

23/12/2014 11:12

(Baonghean) - Di tích hư hỏng, xuống cấp đang là bài toán khó đối với công tác bảo tồn tôn tạo di tích hiện nay. Để có nguồn vốn phục vụ công tác trùng tu và trùng tu có hiệu quả, cần đẩy mạnh xã hội hóa và tránh đầu tư dàn trải...

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên đường Tuệ Tĩnh thuộc khối Yên Sơn phường Hà Huy Tập (TP Vinh) là một địa chỉ “đỏ” cách mạng trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là nhà của ông Nguyễn Trung Hộ, một trong những địa điểm hoạt động bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ và là nơi che chở cho nhiều chiến sỹ cách mạng, trong đó có nguyên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông Nguyễn Trung Thành, cháu đích tôn của ông Nguyễn Trung Hộ, cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, ngôi nhà này còn nguyên vẹn và là một ngôi nhà ba gian, hai chái khá rộng rãi. Tuy nhiên, vì quá lâu nên nhà đã xuống cấp trầm trọng và chỉ còn lại một cái chái nhỏ, bốn bề trống không, mái nhà bị nghiêng hẳn về một bên. Các vật dụng trong nhà cũng đã hư hỏng hết”.

Nói về căn nhà của ông Nguyễn Trung Hồ, ông Ngô Xuân Nam, Phó Chủ tịch phường Hà Huy Tập, tiếc nuối: Đây là một di tích rất có ý nghĩa, nằm trong cụm di tích của Làng Đỏ (Hưng Dũng) trước kia. Riêng tại phường Hà Huy Tập đây là di tích cách mạng duy nhất còn sót lại, nên nguyện vọng của gia đình và người dân trong phường là sớm tu bổ lại di tích để nơi đây trở thành một địa chỉ giáo dục truyền thống. Thời gian qua, phường đã tiến hành làm thủ tục công nhận ngôi nhà là di tích văn hóa cấp quốc gia, đồng thời lập hồ sơ tôn tạo lại di tích. Tuy vậy, nhiều lý do khác nhau nên từ năm 2011 đến nay việc trùng tu vẫn chưa thể triển khai…

Đình Đức Nậm (Vân Diên - Nam Đàn) xuống cấp nghiêm trọng.
Đình Đức Nậm (Vân Diên - Nam Đàn) xuống cấp nghiêm trọng.

Bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời đã để lại cho Nam Đàn hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú. Hiện trên địa bàn huyện có 167 di tích, danh thắng, trong đó có 162 di tích lịch sử văn hóa và có 37 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và tỉnh. Đền thờ Mai Hắc Đế ở xã Vân Diên là ngôi đền uy nghi, linh thiêng nổi tiếng và đã được xếp hạng từ năm 1996. Nơi đền tọa lạc xưa kia là tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Gần mười năm trước, đền cũng được tu sửa một lần, nhưng hiện tại đa phần những hạng mục bằng gỗ mới được thay thế trong khu nhà hạ điện đã bị mối ăn, làm hư hại. Lo sợ cho tính mạng của người dân, Ban quản lý đền đã phải kêu gọi một doanh nghiệp trong vùng ủng hộ kinh phí mua thép, cột mét về chằng lại toàn bộ khu nhà.

Ông Nguyễn Thanh Tài, thành viên Ban Quản lý di tích cho biết thêm: 3 tháng trở lại đây, do công trình bị hư hại nghiêm trọng nên mọi việc lễ ở nhà hạ điện đều phải đình chỉ. Cụm di tích Bắc Sơn (Vân Diên) gồm có 4 công trình, trong đó có 2 công trình đã được xếp hạng nhưng nhiều năm nay hầu như không sửa chữa, tu bổ. Riêng đình Đức Nậm đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là phần ngói, phần cột đình và khu vực tường bao quanh khu vực đền. Đáng tiếc nhất là đình Hoành Sơn, ngôi đền được xây dựng cách đây 250 năm, là công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ và giá trị nghệ thuật vào bậc nhất miền Trung. Thế nhưng trải qua những thăng trầm biến cố, di sản văn hoá cấp quốc gia này đã xuống cấp nghiêm trọng, một số chi tiết trong đình đã bị mục nát, không còn nguyên vẹn...

Còn tại huyện Diễn Châu, có 140 di tích, trong đó có 38 di tích đã được xếp hạng nhưng 1/4 trong số này đã bị xuống cấp nghiêm trọng…

So với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng di tích lớn với 1.395 di tích, trong đó có 316 di tích đã được xếp hạng, 134 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Tuy vậy, cùng với thời gian và tác động của thiên tai, chiến tranh và ý thức giữ gìn của người dân nên rất nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo tồn, trùng tu các di tích, lâu nay nguồn vốn chủ yếu dựa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa của Chính phủ và Chương trình Chống xuống cấp thường xuyên của UBND tỉnh. Tuy nhiên, nguồn vốn này rất hạn chế, trong năm 2014, nguồn vốn chống xuống cấp thường xuyên của tỉnh chỉ có 450 triệu đồng; mỗi di tích chỉ được hỗ trợ từ 20 - 30 triệu đồng, chỉ sửa chữa được một số hư hỏng tạm thời. Năm 2014, qua khảo sát, theo thống kê của Ban Quản lý di tích có 47 di tích lịch sử được công nhận đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy UBND tỉnh đã trích khẩn cấp hơn 1,3 tỷ đồng, hỗ trợ trùng tu 7 công trình, gồm: đình Trung Kiên, đình Lương Sơn, nhà cụ Hoàng Viện, đình Trung, đền Rậm…

Thiếu vốn cũng khiến cho nhiều công trình khác dù phê duyệt đã lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai được. Đó là đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành (Yên Thành), phê duyệt từ năm 2010; đền Rậm (Hưng Nguyên) phê duyệt từ năm 2010… Bên cạnh đó, một số di tích đã được phê duyệt và triển khai nhưng vì thiếu vốn nên đang dở dang. Ví như, dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền thờ Trạng nguyên Bạch Liêu, có tổng vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng nhưng hiện mới được cấp 1, 3 tỷ đồng. Di tích Phùng Chí Kiên có tổng vốn 25 tỷ đồng nhưng mới được cấp hơn 7 tỷ (trong đó có gần 4 tỷ đồng là từ nguồn xã hội hóa). Theo ông Nguyễn Đình Hoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án xây dựng các công trình văn hóa - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Trùng tu tôn tạo các di tích khác với xây dựng các công trình khác.

Nếu đã hạ giải (tháo dỡ các công trình), không triển khai thì sẽ ảnh hưởng đến di tích, ảnh hưởng đến cấu kiện trong di tích. Một khó khăn khác trong công tác bảo tồn tôn tạo di tích đó là thủ tục. Theo Nghị định 18 của Chính phủ về tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thì đơn vị có đủ điều kiện để tu bổ phục hồi di tích cần phải có chứng chỉ công nhận của Cục Di sản văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế ở tỉnh ta hiện nay chưa một đơn vị thi công nào đủ điều kiện để thực hiện. Vì vậy, trong quá trình triển khai có nhiều di tích dù đã huy động được nguồn xã hội hóa nhưng vẫn bế tắc vì khó khăn trong việc lập hồ sơ, xin phê duyệt. Thời gian qua, vì vướng các thủ tục này nên ít nhất có 2 công trình là đình Hoành Sơn (Nam Đàn), đình Lương Sơn (Đô Lương) dù đã được Trung ương bố trí vốn nhưng không thể triển khai được, vì không thể hoàn thành các thủ tục theo như quy định của Cục Di sản. Công tác tôn tạo di tích cũng đang gặp nhiều khó khăn với những di tích lịch sử cách mạng vì đây là những di tích khó huy động nguồn vốn xã hội hóa, trong khi nguồn từ các địa phương hầu như không có.

Thực tế cho thấy công tác trùng tu tôn tạo các di tích hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Giải pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm khó khăn về vốn đó là huy động nguồn xã hội hóa và trên thực tế mỗi năm các địa phương đã huy động được hàng chục tỷ đồng để tôn tạo các di tích, đặc biệt là di tích nhà thờ của các dòng họ và một số công trình gắn với các sự kiện lịch sử, các danh nhân của vùng. Để giải quyết phần nào khó khăn này, tỉnh cũng đã ban hành quy định tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử, văn hóa. Nhờ vậy, ở một số di tích (đặc biệt là các đình, chùa) hàng năm đã được trích 65% từ nguồn đóng góp công đức để sửa chữa, tôn tạo. Ngoài ra, để việc trùng tu có hiệu quả cần tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cũng như phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án. Không đầu tư dàn trải, tập trung vào những di tích đã xuống cấp trầm trọng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di tích…

Mỹ Hà

Mới nhất

x
Tránh dàn trải trong trùng tu di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO