Trao niềm tin, nụ cười
(Baonghean) - Hiện Nghệ An có 222.180 người khuyết tật và trẻ mồ côi. Với nỗ lực xóa bỏ rào cản ngăn cách họ hòa nhập cộng đồng, trao cho họ niềm tin vào bản thân, chương trình hỗ trợ sinh kế được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2011 đã bước đầu có hiệu quả.
Anh Đặng Tiến Hùng hoàn thiện các sản phẩm từ gỗ. |
Nam Đàn là một trong những địa phương được thụ hưởng chương trình sớm nhất, huyện này có hơn 7.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi. Xác định rõ mục đích mang đến cho người khuyết tật một “cần câu”- nghĩa là mang đến cho họ sinh kế phù hợp để chủ động vươn lên trong cuộc sống chính là ý nghĩa cao cả của chương trình hỗ trợ sinh kế, Nam Đàn đã nhanh chóng triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Cảnh Đoan (xóm 2, xã Xuân Hòa, Nam Đàn). Cùng với 11 hộ khác trong xã diện được hỗ trợ sinh kế, gia đình ông Đoan nhận được 1 con bò giống và một phần kinh phí làm mới, sửa chữa chuồng trại. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã yếu đi, nhưng điều làm ông Đoan lo lắng nhất không phải về bản thân mình mà chính là nỗi niềm đau đáu của người làm cha, làm ông khi chứng kiến những khiếm khuyết thể hình và trí não của con, cháu mình. Ông bà có 7 người con, thì 2 người con gái bị dị tật vận động bẩm sinh, thân hình nhỏ thó, gánh đủ thứ bệnh hiểm nghèo. Người con trai đầu của ông bà cũng yểu mệnh mà mất sớm, con dâu bỏ đi biệt xứ, để lại hai đứa cháu gái yếu ớt, chịu đựng đúng căn bệnh trớ trêu của hai người cô. Hai người già đã đi gần cuối con đường đời, nay phải dìu dắt 4 người khuyết tật với muôn vàn lo toan vật chất và tinh thần. Giọng ông nghẹn khi tâm sự: “Hoàn cảnh nhà tui khổ lắm, cả con, cả cháu đều khuyết tật vận động thể nặng, hạn chế đi lại, giao lưu bên ngoài, nên mấy đứa ni (2 con và 2 cháu gái của ông Đoan - PV) cũng mặc cảm, tự ti lắm, ít gặp gỡ trò chuyện với ai. Đến tháng 11/2013, gia đình được nhận bò giống của chương trình hỗ trợ sinh kế, có sự động viên khích lệ của xã hội, mấy đứa vui vẻ hẳn lên, rủ nhau đi ra đồng, ra bãi cắt cỏ chăm bò, từ đó sức khỏe của chúng cũng đã đỡ phần nào!”.
Nhỏ thó như đứa trẻ lên 10, nhưng chị Nguyễn Thị Kiều Trang - con gái thứ 5 của ông Đoan, nay đã 44 tuổi. Chị Trang nhẩm tính, chỉ cuối năm 2014 này thôi, bò sẽ sinh sản thêm bê, rồi sẽ là 2, và nhiều nữa… Chị hồn nhiên: “Ước gì một ngày nhà có hẳn một đàn bò, để chị em tui có thêm việc làm. Trước đây không ai tin là mình tàn tật ri mần chi được, giờ mới thấy mình “tàn” nhưng không thể “phế”! Cố gắng nuôi bò sinh sản, rồi bán lấy tiền thuốc thang, đỡ đần cho cha mẹ già, còn ít vốn liếng tiết kiệm phòng thân! Người lành nuôi bò thì bình thường, chứ người tật như chúng tôi có được công việc này là niềm hạnh phúc lớn đấy!”
Niềm hạnh phúc ấy của chị Trang cũng hiện hữu trên nét mặt của nhiều người khuyết tật và trẻ mồ côi khác của xã Xuân Hòa mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Anh Đặng Tiến Hùng (SN 1970) bị teo cơ bẩm sinh, với ý chí vượt lên số phận và sự giúp đỡ của cộng đồng, nay anh đã là chủ xưởng mộc dân dụng với 5 lao động ở xóm 1, xã Xuân Hòa. Năm 2013, anh được thụ hưởng 20 triệu đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa kiên cố hóa nhà ở từ chương trình hỗ trợ sinh kế. Khi chúng tôi đến thăm, đằng sau xưởng gỗ bề bộn là một ngôi nhà 3 gian đang dần thành hình. “Nhờ tiền hỗ trợ của chương trình, vợ chồng tôi mới mạnh dạn vay mượn thêm anh em họ hàng để làm nhà. Có nhà rồi, yên tâm làm ăn, tích cóp để ổn định cuộc sống. Phải tin rằng dù có khiếm khuyết nhưng mình sẽ vươn lên được!”- anh Hùng chia sẻ.
Được chọn làm xã điểm triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương cũng đã thu được kết quả khả quan. Ông Nguyễn Thế Nhâm - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi xã Thanh Lĩnh phấn khởi cho biết: “Triển khai từ tháng 11/2013 với tổng số vốn hơn 400 triệu đồng, trong đó bao gồm nguồn hỗ trợ của Tỉnh hội, Huyện hội, nguồn an sinh xã hội, ngân sách huyện, xã và nguồn xã hội hóa. Tính đến nay, có 13 gia đình được hỗ trợ mỗi gia đình 8 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, hỗ trợ 8 triệu đồng cho 4 gia đình để làm đường tiếp cận đường xe lăn cho người khuyết tật, 7 gia đình được hỗ trợ làm nhà tắm, nhà vệ sinh, 3 gia đình được hỗ trợ làm nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ làm nhà là 90 triệu đồng. Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khác của Đảng và Nhà nước, đến thời điểm này, hầu hết đối tượng thụ hưởng chương trình đều có cuộc sống ổn định, gia đình êm ấm, người khuyết tật và trẻ mồ côi có niềm tin và động lực vươn lên hòa nhập cộng đồng!”
Bò giống từ chương trình hỗ trợ sinh kế mang lại công việc và niềm vui cho chị em chị Nguyễn Thị Kiều Trang. |
Gia đình em Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Yến ở thôn Thủy, xã Thanh Lĩnh là một trong những đối tượng được thụ hưởng chương trình hỗ trợ sinh kế dành cho trẻ mồ côi nghèo. Thấm thía cảnh mồ côi cha từ nhỏ, hai chị em Thủy luôn nỗ lực, phấn đấu trong học tập và giúp đỡ mẹ trong công việc gia đình. Thế nhưng, trong các em vẫn luôn ẩn chứa những mặc cảm thiếu thốn tình phụ tử, những ngại ngần, e dè so với bạn bè cùng trang lứa. Cuối năm 2013, chị em Thủy nhận tin Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi xã tặng 20 triệu đồng hỗ trợ sửa chữa nhà ở, niềm vui và những ngỡ ngàng vỡ òa trong những câu chuyện kể nhiều ngày sau đó. Từ đó Thủy và Yến hiểu được rằng, dẫu cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng xã hội và cộng đồng luôn ở bên các em. Trong ngôi nhà mới chắc chắn, Thủy nhỏ nhẹ tâm sự: “Trước đây, ngôi nhà xuống cấp quá, lúc nào mẹ con cháu cũng lo lắng bất an, nhất là mùa mưa bão. Giờ thì yên tâm rồi. Chị em cháu quyết tâm tập trung học giỏi để sớm có công việc đỡ đần cho mẹ, có điều kiện để quay trở lại giúp đỡ cộng đồng đối với những người khó khăn hơn gia đình cháu!”.
Niềm tin vào cuộc sống và tương lai tốt đẹp của Thủy chính là thành công lớn nhất của chương trình hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi nghèo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Thanh - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An thì trong quá trình triển khai, thực hiện, chương trình vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Sự tiếp cận và ý chí nỗ lực phát huy nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình ở một số người khuyết tật còn thụ động, mang tính chất lệ thuộc, dẫn đến hiệu quả hạn chế. Mặt khác, không ít trường hợp người dân còn có tâm lý kỳ thị, coi thường khả năng lao động của người khuyết tật, khiến cộng đồng người khuyết tật sống thu hẹp lại, nghi ngờ chính năng lực của bản thân mình.
Ở cả hai trường hợp này, các cấp hội đều đề cao công tác tuyên truyền, phố biến Luật Người khuyết tật và gắn mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình với các tiêu chí xây dựng NTM của địa phương. Qua đó, khơi dậy tính nhân văn và khẳng định vị trí, vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội. Trước những kết quả đạt được, ông Nguyễn Hải Thanh phấn khởi cho biết: Chương trình đã góp phần củng cố niềm tin vào bản thân của những người tàn tật và trẻ mồ côi để họ tự lực vươn lên trong cuộc sống đúng như phương châm “Hãy tin họ, trao cho họ nụ cười, tạo điều kiện cho họ được sống là chính mình”.
Phương Chi