Trẩy hội mùa Xuân

04/03/2015 09:33

(Baonghean) - Nếu như mùa Xuân được xem là thời điểm khởi đầu cho những gì tươi mới và may mắn, thì những lễ hội đầu Xuân là điểm nhấn văn hóa đặc sắc, mở ra nhịp sống nô nức, rộn rã, kỳ diệu cho một năm dài phía trước. Với 17 lễ hội lớn, nhỏ trên khắp các vùng, miền xứ Nghệ dịp đầu Xuân, để du khách gần xa chọn cho mình một chuyến điền dã thú vị, để đắm vào không khí hội hè và nền văn hóa giàu bản sắc cùng cư dân bản địa, khởi đầu năm mới với khí thế, vận hội mới...

Trò chơi bịt mắt đập niêu tại Lễ hội Làng Vạc 2014. Ảnh: S.M
Trò chơi bịt mắt đập niêu tại Lễ hội Làng Vạc 2014. Ảnh: S.M

Nhiều người quen với lễ hội miền đồng bằng hay sơn cước, thì đầu Xuân này, hãy thử dong một chuyến về miệt biển để thấm thía nét khơi xa đằm địa, bao dung mà rộn rã đến nhường nào. Cữ này, hẳn về phía biển, miệt Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), cờ hoa hội vui đã reo mừng khắp làng trên, xóm dưới, trống cả đã được khuân, đội bộ lễ tươm tất sẵn sàng áo the, khăn đóng… Khoảng thời gian trước lễ cũng đã làm nên nét háo hức thú vị riêng, lúc bấy giờ, bạn dường như không còn là người ngoài cuộc, mà cũng rộn lắm trong lòng những khấp khởi đợi chờ, những toan lo tròn vẹn… Lễ hội ở Quỳnh Nghĩa tổ chức nhằm ngày 11 tháng Giêng năm Ất Mùi, tục gọi là Lễ hội Đền Thượng. Phải may mắn lắm mới về Quỳnh Nghĩa trúng dịp lễ trọng này, bởi lệ làng 10 năm mới tổ chức một lần, nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa, tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập làng, bảo quốc hộ dân.

Lễ hội Đền Thượng bên cạnh phần nghi lễ trọng vọng, trang nghiêm thì còn nhiều lắm những trò vui, đặc biệt là Trò Lề, tạo ấn tượng độc đáo cho những người chứng kiến. Trò Lề là hình thức nghệ thuật diễn xướng của cư dân vùng chân sóng mặn mòi. Trò có từ những năm cuối thời Hậu Lê, là vở hoạt kịch tái hiện lại “chiến công” của người khai ấp, lập làng Quân Quản Trương Đắc Phủ trong việc dẹp loạn phiến quân làng Hóp (tỉnh Nam Định). Nếu như trước đây Trò Lề theo lối hát tuồng, hát chèo, cải lương thì nay trong nhiều phân đoạn, nhiều nhân vật sẽ được thể hiện bằng những điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh. Trò Lề năm nay diễn trong 3 ngày, được chuẫn bị kỹ càng và diễn rất sôi nổi với đầy đủ trang phục, đạo cụ như voi chiến, ngựa chiến. Một điều rất lý thú ở Trò Lề là khi trận đánh kết thúc, những người tham dự sẽ xông vào xé quần áo của người diễn trò hay vải, giấy để làm các chú voi, ngựa chiến. Tương truyền rằng: Nếu ai xé được mảnh vải hay giấy đó thì sẽ gặp may mắn suốt năm. Những miếng vải đó được may thành “bùa” cho trẻ em phòng tránh bệnh tật. Hay những người phụ nữ hiếm muôn, nếu luồn qua được bụng con voi chiến (được làm bằng giấy bìa) thì sẽ có tin vui.

Sẽ thú vị biết mấy nếu bạn có mặt ở Lễ hội Đền Thượng năm nay, mà giả như lỡ chuyến hành trình, thì Lễ hội Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai) đang chờ đợi bạn trải nghiệm. Lễ hội gắn liền với đền Cờn, được xây dựng từ năm 1235, là 1 trong 4 di tích nổi tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ. Lễ hội được tổ chức thường niên, mang đậm sắc thái trầm tích vùng cửa biển ngàn năm. Nô nức lắm, những đoàn thuyền du Xuân mở đầu lễ hội, rực rỡ muôn màu cờ, hoa, rộn vang tiếng trống, tiếng chiêng dội âm âm trong lồng ngực háo hức đợi chờ. Lễ hội Đền Cờn sẽ “đãi” khách gần xa bằng trò diễn trận thuỷ chiến ly kỳ, gắn với truyền thuyết dựng đền, có quân xanh, quân đỏ, giao chiến trên một dải núi non hiểm trở từ làng Ói về đền Cờn. Trận thuỷ chiến quy mô đến thế, nên dẫu lễ hội thường niên, nhưng trò thủy chiến 3 năm mới tổ chức một lần. Rồi cơ man nào phong tục, tập quán, hội hè dân gian vẫn được cư dân địa phương bảo lưu, như tục chạy Ói, trò đu tiên, đấu vật, cờ người, hát tuồng, chèo…

Lễ hội mùa Xuân thường gắn liền với truyền thuyết, huyền sử, với ý chí anh hùng của người dân xứ Nghệ, tiêu biểu như Lễ hội Đền Vua Mai, Lễ hội Đền Quả Sơn, Lễ hội Đền Cuông... Ấn tượng và lan tỏa nhất vẫn là Lễ hội Đền Vua Mai, nhằm tưởng nhớ tới Mai Hắc Đế - người anh hùng của dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân nhà Đường tàn bạo, giành lại 10 năm độc lập cho người dân Giao Chỉ. Khai hội Đền Vua Mai, miền quê ví, giặm tưng bừng náo nức.

Phải đến lễ hội thật sớm, hòa vào bầu không khí rộn ràng ấy mới thấm hết ý nghĩa của ngày lễ hội trọng đại này. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã nhộn nhịp trước chính lễ mấy ngày, còn cữ sát lễ, nhà nhà đều chuẩn bị mâm cỗ tươm tất để dâng lên Vua Mai và các nghĩa quân. Năm nay về với Lễ hội Đền Vua Mai, người dân sẽ được chứng kiến một số nội dung lễ hội truyền thống được phục hồi như lễ rước nước từ bến Sa Nam về đền thờ Vua Mai. Đồng thời sẽ được thưởng thức vở cải lương “Mai Hắc Đế” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (nay là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) do Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn. Phần lễ và phần hội, truyền thống và đương đại hòa vào nhau, sáng lên tinh thần mùa Xuân tươi mới, tin yêu trong lòng mỗi người tham dự.

Hòa vào không khí lễ hội đầu Xuân xứ Nghệ, bạn gần xa xin hãy nhớ về truyền ngôn dân gian “Nhất Cờn, Nhì Quả, Tam Bạch Mã, Tứ Chiêu Trưng” mà định cho mình những điểm du ngoạn lý tưởng. Năm nay, quãng 19-20 tháng Giêng âm lịch, về với xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, đắm đuối trong linh thiêng Lễ hội Đền Quả Sơn. Hay là xuôi về Diễn An (Diễn Châu), thưởng cái đặc sắc Lễ hội Đền Cuông diễn ra vào ngày 14-15 tháng 2 âm Lịch? Còn băn khoăn muốn dong một chuyến dài ngày, thì hấp dẫn hơn cả là Lễ hội Làng Vạc diễn ra từ ngày 7-9 tháng hai âm lịch tại Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa. Một vùng văn hóa đằm địa, gắn với các di tích của người Việt cổ, thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, được định danh là 1 trong 2 vùng “đất tổ của xứ Nghệ”. Đất cổ rạng rỡ mùa Xuân đang chờ bạn ở phía trước…

Nào miệt biển mặn mòi, nào vùng đồng bằng rộng lớn, còn phải kể đến cả vùng văn hóa khoáng đạt, với nét độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ. Những Lễ hội Xên mường (Cúng mường), Xên bản (Cúng bản), Xên hươn (Cúng nhà/ Cúng tổ tiên), Kin chiêng (Tết năm mới), Lễ hội Thằm Bua (Quỳ Châu), Lễ hội Pựn Pang (Quỳ Hợp), Lễ hội Đền Choọng (Quỳ Hợp), Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào (Tương Dương), Lễ hội Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn), Lễ hội mừng tiếng sấm mùa Xuân, Lễ hội mừng mùa hoa nở… tưng bừng cùng sắc thắm hoa đào, sắc trắng nõn tinh khôi hoa ban. Trong tư duy người sơn cước, mùa Xuân là mùa tình yêu, là mùa vui chơi nên phần hội ở các lễ hội này luôn rất đậm đà. Bạn đã bao giờ thử khắc luống cùng đồng bào dân tộc Thái, hay đã thả hồn cùng những bàn đu tiên? Đôi mắt người phương xa đã bao giờ được ngắm những tấm thổ cẩm đa màu, quyến rũ, những nụ cười trái đào ửng hồng trên đôi má thiếu nữ miền xa? Những lễ hội miền Tây xứ Nghệ có tất thảy những điều đặc sắc ấy.

Được tổ chức sớm nhất là Lễ hội Hang Bua, được tổ chức vào từ ngày 21 đến ngày 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đến với Hang Bua, du khách không chỉ được thưởng ngoạn những cảnh đẹp thơ mộng Hang Bua được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là “Di tích thắng cảnh cấp quốc gia” mà còn thực sự được sống cùng những thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa độc đáo của cư dân đã và đang sinh sống ở vùng đất này. Kế đến là Lễ hội Đền Chín Gian, được tổ chức vào ngày 14-16 tháng hai Âm lịch, ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Lễ hội đền Chín Gian là dịp để người dân 9 Mường xưa cùng hành hương về đây để tế lễ cầu trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội cũng là dịp người dân địa phương trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm, mây tre đan, trưng bày giới thiệu văn hoá ẩm thực. Cũng tại lễ hội này, người dân của các bản mường được Hội Đông y huyện cho phép mang những vị thuốc Nam quý của địa phương đến trưng bày, phục vụ nhu cầu của khách dự hội. Mùa Xuân đã về, nghe đâu đó trên Pú Chò Nhàng, miền đất của bản, mường tiếng hát mộc mạc, mê đắm của người con gái Thái gọi người về lễ hội "Khi dặc tắt láu hưn Phú quái á Mọc, dặc tan nắm Chú Mướng Nọc á xiểng” (Ước sao được hứng sương trên đền Trâu cho bông lau gặp gió, ước được làm vợ, làm chồng với người Mường Nọc đẹp nổi tiếng cả 9 mường)...

Thanh Sơn – Phước Anh

Mới nhất
x
Trẩy hội mùa Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO