Trẻ em độ tuổi nhà trẻ còn nhiều thiệt thòi

01/12/2011 15:35

(Baonghean) - Trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được xem là thời kỳ "vàng", song thực tế, các cháu đang chịu nhiều thiệt thòi từ cơ hội được tới trường cho đến chế độ miễn giảm học phí ...

Năm học 2011-2012, tỉnh Nghệ An có 508 trường mầm non, trong đó có 21.072 cháu nhà trẻ và 114.164 cháu mẫu giáo. Điều lệ Trường mầm non quy định trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi được nhận vào nhóm trẻ và từ 3 tuổi đến 6 tuổi được nhận vào lớp mẫu giáo. Song hiện nay, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ nhận trẻ từ 2 tuổi đến 3 tuổi vào các nhóm trẻ, nhưng với số lượng rất ít. Sở dĩ các trường mầm non không nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi vì nhiều lẽ: nhu cầu đưa trẻ trong độ tuổi này đến trường chưa nhiều; quy mô thực tế của từng trường còn hạn chế; số lượng trẻ mỗi nhóm ít (từ 15 đến 20 trẻ/nhóm) nên biên chế của trường phải tăng lên, trong khi mức thu học phí không được phép tăng; việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong độ tuổi này hết sức vất vả;... Đặc biệt, từ năm học 2011-2012, các địa phương phải thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nên không những trẻ dưới 2 tuổi mà ở nhiều nơi, trẻ dưới 5 tuổi cũng bị đẩy "ra rìa".



Cô và trò Trường mầm non Hà Huy Tập (TP.Vinh). Ảnh: S.M

Ngay ở Thành phố Vinh, năm học 2011-2012 có 42 trường mầm non, trong đó có 28 trường công lập, 5 trường dân lập và 9 trường tư thục. Theo số liệu của phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Vinh, năm nay thành phố có 4.102 cháu 2 tuổi, nhưng kế hoạch của 42 trường mầm non chỉ nhận 1.772 cháu, như vậy sẽ còn trên 2.300 cháu không có chỗ học. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, UBND Thành phố Vinh đã chỉ đạo các trường nhận tất cả 4.257 cháu 5 tuổi. Vì vậy, trong số 10.500 chỗ học cho trẻ mẫu giáo chỉ còn trên 6.200 chỗ cho trẻ 3, 4 tuổi. Trong khi ở độ tuổi này, toàn thành phố có gần 9.000 trẻ. Như vậy, còn trên 2.600 trẻ không được đến trường.

Khi trường công lập và trường ngoài công lập không nhận, buộc người dân phải tìm đến những nhóm trẻ gia đình để gửi con. Chị Trần Thị Hiền, công nhân thuộc Khu công nghiệp Bắc Vinh cho biết, thu nhập bình quân một tháng của chị chỉ khoảng 2 triệu đồng, cộng thêm thu nhập của chồng cũng chỉ ở mức 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, ngoài việc trả tiền thuê nhà và chi phí thường ngày, chị không thể thuê người giúp việc để trông con mà buộc phải tìm đến nhóm trẻ tự phát để gửi con hơn 1 tuổi. Chị nói: "Trước đây, tôi phải nhờ mẹ xuống giữ cháu, nhưng bà cũng đau yếu luôn, tôi đã phải xin nghỉ không lương 2 tháng để trông con, nhưng không thể nghỉ nhiều hơn được, nếu không sẽ mất việc. Cháu mới hơn 1 tuổi, không trường nào nhận, tôi phải dò hỏi mãi mới tìm được nhóm trẻ tự phát, dù biết rằng không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, về vệ sinh".

Theo tiến sĩ Phạm Mai Chi, Viện Nghiên cứu phát triển trẻ thông minh sớm (VICER): "Đây chính là một hạn chế lớn của giáo dục mầm non, chúng ta đã bỏ qua thời kỳ "vàng" trong phát triển tư duy và trí thông minh của trẻ. Hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường giáo dục là tình trạng trẻ em chậm nói, chậm phát triển, tự kỷ... ngày càng gia tăng". Không có chỗ học đã là một thiệt thòi, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ còn không được hưởng một chế độ ưu đãi nào như trẻ mẫu giáo khi may mắn được đến trường.

Thiết nghĩ, các ngành liên quan, nhất là ngành giáo dục và đào tạo nên chủ trì, nghiên cứu những điều bất cập nêu trên để đề nghị các Bộ, ngành ở Trung ương kiến nghị với Chính phủ, cho phép trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ khi đi học cũng được miễn, giảm học phí và được hỗ trợ chi phí học tập như trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo.


Thảo Nhi

Mới nhất

x
Trẻ em độ tuổi nhà trẻ còn nhiều thiệt thòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO