Trên 60% vụ việc khiếu nại, tố cáo sai

23/02/2016 09:15

(Baonghean)- Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo. Nhưng trong thời gian qua, còn nhiều vụ việc công dân khiếu nại, tố cáo sai gây ra những hệ lụy cho xã hội. Nguyên nhân cơ bản là một bộ phận người khiếu nại, tố cáo còn chưa hiểu biết đầy đủ về các quy định của pháp luật. Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp đã trao đổi với Báo Nghệ An xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Ông có thể cho biết về tình hình thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?

Ông Hoàng Quốc Hào: Trong thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn có chiều hướng gia tăng. Cụ thể năm 2015, các cơ quan liên quan của tỉnh đã tiếp 6.523 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh; tăng 15,8% so với cùng kỳ. Tiếp nhận 7.684 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai (tăng 4,4% so với năm 2014).

Đến nay, các cấp, các ngành đã giải quyết được 454/470 vụ việc khiếu nại, đạt tỷ lệ 96,6%; 206/213 vụ việc tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,7%. Qua giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho thấy: Số vụ việc khiếu nại đúng: 25/248 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 10,1%; Số vụ việc khiếu nại có đúng, có sai: 74/248 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 29,8%; Số vụ việc khiếu nại sai: 149/248 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 60,1%; Số vụ việc tố cáo đúng: 11/206 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 5,3%; Số vụ việc tố cáo có đúng, có sai: 65/206 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 31,6%; và số vụ việc tố cáo sai là 130/206 vụ việc, chiếm tỷ lệ: 63,1%.

Mặc dù công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo nhưng vẫn không sử dụng đúng quyền của mình theo quy định của hiến pháp và pháp luật; tình trạng khiếu nại, tố cáo sai vẫn còn phổ biến.

Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Quốc Hào: “Nguyên nhân cơ bản của việc khiếu nại tố cáo sai gia tăng là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật...”.
Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Quốc Hào: “Nguyên nhân cơ bản của việc khiếu nại tố cáo sai gia tăng là do sự thiếu hiểu biết về pháp luật...”.

Phóng viên: Như vậy, tỷ lệ công dân khiếu nại, tố cáo sai vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Hoàng Quốc Hào: Khoản 1, Điều 2, Luật Khiếu nại quy định : “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Điều 2, Luật Tố cáo quy định “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.

Có thể thấy, quyền khiếu nại của công dân được pháp luật quy định rất rõ ràng; và việc công dân tham gia khiếu nại, tố cáo sẽ góp phần vào việc làm trong sạch đời sống xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng đó là khiếu nại, tố cáo đúng. Còn khiếu nại, tố cáo sai thì ngược lại, làm mất thời gian của các cơ quan liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo và người khiếu nại tố cáo và các thành phần liên quan; thậm chí, gây nên những hệ lụy cho xã hội…

Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo sai là do người khiếu nại, tố cáo còn thiếu hiểu biết, hoặc không hiểu biết đầy đủ về các quy định của pháp luật. Ở đây không chỉ nói riêng về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo mà còn các luật khác liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo mà phổ biến hiện nay như Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Hình sự… người khiếu nại, tố cáo cũng cần phải hiểu biết một cách đầy đủ. Đó là chưa nói đến, đã khiếu nại tố cáo, người thực hiện cũng rất cần phải hiểu về trách nhiệm của mình.

“Hỏi đáp Luật khiếu nại, Luật tố cáo” – cuốn sách người tham gia khiếu nại, tố cáo cần nghiên cứu để có hiểu biết về pháp luật.
“Hỏi đáp Luật khiếu nại, Luật tố cáo” - cuốn sách người tham gia khiếu nại, tố cáo cần nghiên cứu để có hiểu biết về pháp luật.

Phóng viên: Thưa ông, để giảm thiểu vấn đề khiếu nại, tố cáo sai; đưa việc khiếu nại, tố cáo đi đúng quỹ đạo, góp phần phát triển KT-XH, với vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, cần tập trung những vấn đề gì?

Ông Hoàng Quốc Hào: Từ những nguyên nhân đã chỉ ra, chúng tôi xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) khiếu nại, tố cáo là hết sức quan trọng. Vào năm 2013, Trung ương đã ban hành Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác PBGDPL khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016” và tỉnh ta rất quan tâm, tập trung thực hiện đề án này.

Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2015, với sự chỉ đạo lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực sự có chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước đi vào chiều sâu, tạo dấu ấn trong việc tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của CB,CC,VC và nhân dân. Qua đó, hầu hết các thành phần trong xã hội đã nhận thức được những giá trị đích thực của pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, biết sử dụng pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của mọi người và bảo vệ lợi ích của xã hội; củng cố được mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật và vấn đề đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được công tác tuyên truyền PBGDPL nói chung, tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng vẫn còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, pháp luật đã đến với người dân nhưng chưa thật thường xuyên, nhiều nội dung pháp luật người dân chưa hiểu biết cụ thể nên dẫn đến hiểu sai và vận dụng sai trong thực tiễn thi hành. Cụ thể là tình trạng khiếu nại, tố cáo sai vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%).

Năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra nhiều sự kiện lớn, quan trọng của đất nước như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp; năm thứ ba triển khai thi hành Hiến pháp… Do vậy, Sở Tư pháp đã tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị và các tổ chức chính trị xã hội tập trung cho công tác PBGDPL.

Trong đó, tập trung phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tuyên truyền bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và bầu cử Quốc hội khóa XIV. Tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016; tập trung phổ biến các luật mới được Quốc hội ban hành, nhất là các luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi); các luật, bộ luật về tố tụng...; tổ chức giới thiệu, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm.

Cùng với đó, tại địa phương cơ sở, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Hòa giải; đổi mới phương thức và tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; củng cố đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên; thực hiện công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại các địa phương cơ sở một cách có hiệu quả...

Phóng viên: Xin cám ơn ông.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Trên 60% vụ việc khiếu nại, tố cáo sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO