Trên quê hương Cách mạng tháng Mười
Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp cử sang nước Nga để học tập và rèn luyện. Ngày 10/10/1923, tại Đại hội Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được tham dự với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương và được mời lên phát biểu trước Hội nghị.
Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Pháp cử sang nước Nga để học tập và rèn luyện. Ngày 10/10/1923, tại Đại hội Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được tham dự với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương và được mời lên phát biểu trước Hội nghị.
Trong bài tham luận của mình, Người nói lên tình cảnh của nông dân Đông Dương và trình bày quan điểm về cách tổ chức, vận động và giác ngộ đấu tranh đối với giai cấp nông dân. Sau đó, Người viết nhiều bài báo đăng trên Tạp chí Quốc tế nông dân, từ đó khẳng định, muốn xóa bỏ áp bức, bất công của nông dân thuộc địa không có con đường nào khác là phải đấu tranh thực hiện thành công khẩu hiệu: "Tất cả ruộng đất về tay nông dân".
Năm 1924, Quốc tế Cộng sản thành lập Trường Đại học Phương Đông để đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước châu Á, Nguyễn Ái Quốc được giới thiệu vào tham gia học một lớp ngắn hạn. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lấn thứ V. Ảnh tư liệu
Tại đây, Người được trang bị về nguyên lý đấu tranh giai cấp và phương pháp tiến hành đấu tranh cách mạng. Người ra sức học tập tri thức lý luận, đồng thời tập hợp tư liệu của các bạn học viên người Trung Quốc để viết sách "Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc", sau này trở thành cuốn sách tiêu biểu của Thành đoàn Matxccơva.
Một lần, nhà thơ Liên Xô là Ôxíp Man-đen-xtam đến trường tìm gặp Nguyễn Ái Quốc. Hai người trò chuyện tâm tình và trao đổi về văn hóa Phương Đông, về các dân tộc thuộc địa và con đường đấu tranh cách mạng. Sau đó, nhà thơ Liên Xô có bài viết: "Thăm một chiến sỹ Quốc tế Cộng sản" đăng trên báo Ngọn lửa nhỏ.
Bài báo có đoạn: "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là văn hóa tương lai... Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương".
Khi hay tin Lê- nin từ trần, vượt qua nỗi tiếc thương vô hạn, vượt qua giá rét khắc nghiệt, Người thức trọn đêm viết bài "Lê nin và các dân tộc thuộc địa" đăng trên báo Pravđa, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô đúng vào ngày tang lễ. Bài báo ca ngợi Lê-nin là lãnh tụ của toàn thế giới, là người thắp sáng ngọn lửa soi rọi con đường đi tới tương lai...
Tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc được bố trí làm việc tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Người thường được mời nói chuyện trong các buổi mít tinh, được cấp Giấy đặc biệt tự do ra vào Quảng Trường Đỏ.
Tại Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản (7/1924), Người đã phát biểu nhấn mạnh mối quan hệ giữa vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đế quốc, thực dân và giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa và việc cần phải có tinh thần đoàn kết quốc tế trong việc đấu tranh với kẻ thù chung. Quan điểm này còn được Người tiếp tục khẳng định tại Đại hội lần thứ III của Quốc tế Công hội đỏ.
Sinh sống, học tập và hoạt động trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Nguyễn Ái Quốc luôn tin tưởng đất nước và con người Xô Viết là chỗ dựa, là thành trì vững chắc của các dân tộc thuộc địa trên con đường đấu tranh giành quyền sống và tương lai...
Công Kiên (St&bs)