Trên quê hương Xô viết anh hùng

12/09/2014 10:16

(Baonghean) - Từ khí thế long trời lở đất của hàng nghìn nông dân theo Đảng “rũ bùn đứng dậy” đã làm nên “Dậy trời Thái Lão/ rung chuyển Hưng Nguyên”, đưa phong trào cách mạng 1930-1931 đạt đến đỉnh cao bằng Xô viết Nghệ Tĩnh. Hôm nay trên khắp các nẻo đường từ làng trên, xóm dưới, không khí mùa vàng bội thu đang hối hả trên những khuôn mặt rạng ngời, mỗi người dân Hưng Nguyên đang ra sức phấn đấu thi đua lao động và sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Cụ Trần Văn Diệu (SN 1924), cán bộ tiền khởi nghĩa, nhớ lại buổi trưa ngày 12/9/1930, cha cụ là ông Trần Khiếu (cán bộ lão thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Nông hội Đỏ xã Nghĩa Liệt) vừa chạy về nhà, vừa thở hổn hển cho biết người bác của ông bị bom giặc ném chết, trong làng còn có hai người nữa hy sinh anh dũng. Nhưng vụ thảm sát đoàn biểu tình ngày 12/9, cùng với hàng loạt cuộc “khủng bố trắng” hết sức man rợ sau đó, chẳng những không làm nhụt nhuệ khí của nhân dân quê hương Hưng Nguyên và khắp các vùng khác, mà còn mở ra thời kỳ người dân theo Đảng bước lên vũ đài chính trị trở thành lực lượng lượng cách mạng rộng lớn, đấu tranh đoạt lại các quyền lợi của giai cấp, của dân tộc. Ông Diệu hào hứng: “Tự hào lắm! Nhà báo đi mà xem, đất này đúng là đang chuyển từng ngày, rất xứng đáng với truyền thống đi đầu”.

Thu hoạch lúa hè thu ở Hưng Nguyên.Ảnh: Sỹ Minh
Thu hoạch lúa hè thu ở Hưng Nguyên. Ảnh: Sỹ Minh

Quả vậy, trong những ngày này, đi trên con đường 12/9 lịch sử, nơi đâu cũng bắt gặp khí thế khẩn trương sôi nổi. Từ con đường bê tông láng bóng dẫn đến xóm 6, xã Hưng Tân vào buổi trưa, khi cái nắng tháng 8 đang ở độ “rám quả bưởi” bà con đang hối hả cào mẻ rơm mới, lấy tay quệt mồ hôi, Xóm trưởng Hoàng Hải Âu, phấn khởi: “Nhà tui gặt được 2 sào rồi, cố gắng ngày bữa ni gặt xong nốt sào nữa. Mấy năm nay nhờ khí thế xây dựng nông thôn mới, nên nhà nhà thi đua lao động sản xuất, thi đua làm giàu trên đồng đất quê hương”. Xóm trưởng Âu dẫn tôi đi thăm nhà bác Ngô Văn Nam nổi tiếng là hộ làm giàu trên mảnh đất quê hương, nuôi 5 người con học hành đỗ đạt. Với 8 sào ruộng xấu mỗi năm chỉ canh tác được một vụ mùa thu nhập không đáng là bao, năm 2002 bác Nam đã mạnh dạn đào ao đắp bờ kè thả cá, tận dụng bờ ao trồng các loại rau màu thời vụ, mỗi năm cho thu nhập 20 triệu đồng, xây chuồng trại nuôi 20 lợn nái, lợn thịt mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng. Ở xóm 6 không chỉ có bác Nam là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn có trên 6 mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập mỗi năm trên dưới 200 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế trang trại, xóm 6, Hưng Tân còn nổi tiếng là địa bàn có nhiều tổ thầu xây dựng thu hút nhiều lao động trong xã, với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/tháng. Cùng với đó là việc biết tận dụng thời cơ để đầu tư XKLĐ, hiện trong xóm có hơn 10 lao động đang làm việc ở nước ngoài mỗi năm gửi về cho gia đình hàng tỷ đồng.

Mô hình gia trại cho thu nhập cao của ông Ngô Văn Nam xóm 6 - Hưng Tân (Hưng Nguyên).
Mô hình gia trại cho thu nhập cao của ông Ngô Văn Nam xóm 6 - Hưng Tân (Hưng Nguyên).

Là một trong những xã của huyện Hưng Nguyên có truyền thống cách mạng, văn hóa và bề dày lịch sử, ở Hưng Tân có rất nhiều đền, đình, chùa như: đền Phan Thôn; đền Dùng, đền thôn Đông, đền thôn Nam, chùa Hoàng Cần, chùa Làng Phan và nhà thờ Họ Nguyễn Trọng. Mảnh đất này đã từng đón tiếp, chở che, nuôi dưỡng cán bộ tỉnh, huyện về sơ tán, làm việc. Phát huy truyền thống đó, khắp 9 xóm thuộc xã Hưng Tân đều đang hưởng ứng khí thế sục sôi của những ngày mùa Thu cách mạng trên mảnh đất Xô viết anh hùng. Theo Bí thư Đảng ủy Hoàng Văn Lai thì: Hưng Tân là địa phương đi đầu trong phát triển thị trường XKLĐ, thực hiện hiệu quả các mô hình trang trại, gia trại, ương nuôi thủy, hải sản cho thu nhập cao. Các tổ nghề mộc, xây dựng cũng hoạt động có hiệu quả mang lại đời sống ổn định cho nhân dân. Tính đến nay Hưng Tân có 400 - 500 người lao động ở nước ngoài, có 20 trang trại, gia trại cho thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng mỗi năm.

Với xã Hưng Xá, nơi có các địa danh như Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang là nơi đã diễn ra cuộc họp để thành lập Chi bộ Tân Việt cách mạng đảng và là nơi tụ họp và in ấn tài liệu của Đảng bộ Hưng Nguyên, có cổng Tam Quan là nơi ghi dấu vết về cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, chính tại đây bà Nguyễn Thị Phịa, cán bộ lão thành cách mạng đã đọc diễn thuyết trước khi ra phủ Hưng Nguyên để biểu tình. Hưng Xá giờ đây là địa phương đi đầu dậy trước trong phong trào phát triển kinh tế trang trại, gia trại, và các làng nghề bún, bánh, … Nông dân Hưng Xá đã hoàn toàn cơ giới hóa nông nghiệp vào từng công đoạn canh tác, vận chuyển. Niềm vui liên tiếp đến với người dân xã nhà khi 6 tháng đầu năm 2014, xã đã tiến hành nghiệm thu và đưa vào sử dụng tuyến mương tưới từ cống đê 42 đến xóm 3, tuyến mương tiêu ở xóm 5, xây dựng mương tiêu hạ tầng khu vực quy hoạch đất ở tại xóm 2 và xóm 3... Hưng Xá cũng là địa phương thu hút được nguồn lực từ con em làm ăn xa để hoàn thiện các công trình hạ tầng về đường điện chiếu sáng, xây dựng Trung tâm thiết chế văn hóa, và các công trình đường giao thông nông thôn.

Nói về sự đổi thay trên vùng đất đã hình thành những đoàn người đầu tiên của phong trào nông dân tham gia cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, không thể không nói đến xã Hưng Tiến - mảnh đất có truyền thống hiếu học khoa cử, cũng đang gấp rút hoàn thành 2 tiêu chí còn lại để được công nhận nông thôn mới vào tháng 10 /2014. Để có được thành quả này ngoài sự phấn đấu nỗ lực từ các cấp chính quyền trong vận dụng “khơi trong hút ngoài” , Hưng Tiến còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục tiêu của nông thôn mới. Những năm qua, Hưng Tiến đã huy động được hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân, hàng ngàn ngày công để xây dựng 10 km đường giao thông liên xóm và nay đang gấp rút hoàn thiện xây dựng Trung tâm thể dục thể thao và Nhà Văn hóa xã với nguồn kinh phí được huy động từ nhân dân, sự hỗ trợ từ con em làm ăn xa.

Đến nay Hưng Nguyên có 8 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí về nông thôn mới, ngoài Hưng Tân hết năm nay Hưng Nguyên sẽ có thêm xã Hưng Tiến về đích. Năm 2015 dự kiến sẽ có thêm Hưng Xá, Hưng Tây, Hưng Thắng, Hưng Thông sẽ hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Hiện Hưng Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng 7,12%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Năm nay cũng là năm Hưng Nguyên gặt hái mùa vàng bội thu trên lĩnh vực văn hóa, xã hội. Ông Hoàng Văn Thụ - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện cho biết, vừa qua, huyện đã tuyên dương 4 em đạt học sinh giỏi quốc gia, 199 em đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh (24 giải Nhất, 28 giải Nhì, 46 giải Ba), 615 HSG huyện. Đến nay, Hưng Nguyên có 1 trường THPT, 4 trường THCS, 19 trường tiểu học đạt trường chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định cao. Từ truyền thống quê hương, con em Hưng Nguyên tiếp tục tham gia đóng góp cho đất nước, quê hương trên nhiều lĩnh vực, từ công tác lãnh đạo quản lý đến nghiên cứu khoa học, hoạt động quân sự, văn hóa nghệ thuật, báo chí, hoạt động dịch vụ thương mại...

Ông Phạm Quốc Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Hưng Nguyên đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững: Phát triển kinh tế, dịch vụ... gắn với việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh; Phát triển kinh tế, làm nông thôn mới gắn với gìn giữ cảnh quan, môi trường xanh - sạch đẹp, tạo nét đẹp thôn quê thanh bình bên cạnh những khu dân cư phố thị phát triển. Trong đó, hệ thống các di tích, di sản gắn với Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931 là cơ sở, là thế mạnh để Hưng Nguyên trở thành mắt xích trong chuỗi kết nối giá trị với vùng Cửa Lò – Vinh - Hưng Nguyên – Nam Đàn thành trục phát triển ngành Du lịch, dịch vụ. Truyền thống cách mạng và những giá trị lịch sử vẫn luôn hiện hữu, đồng hành, là nền tảng, động lực và mục tiêu để Hưng Nguyên không ngừng đổi thay, phát triển.

Thanh Nga - Đức Dương

Mới nhất

x
Trên quê hương Xô viết anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO