Trị bệnh "chân vuông"
(Baonghean) - Mới đây, tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Chính phủ với doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016, khi đề cập tới một số yêu cầu, quy định phi lý của ngành thuế, hải quan đối với doanh nghiệp, một vị lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã đánh giá đó là hệ lụy tất yếu của căn bệnh “chân vuông”.
Nghe rất mới, rất lạ, nhưng thật ra đó chính là thói làm việc quan liêu, bàn giấy, xa rời thực tế và chỉ thích ôm lấy chân bàn trong phòng lạnh của không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền nói chung và trong lĩnh vực thuế, hải quan nói riêng. Nên người ta mới giễu nhại là bệnh “chân vuông”. Hậu quả của căn bệnh này là cho ra đời những chủ trương, chính sách rất không phù hợp với thực tế. Và đôi khi, biến những thông tư, quy định, quyết định rất nghiêm túc của các địa phương, bộ, ngành thành những trò cười cho thiên hạ đàm tiếu. Đơn cử như năm ngoái Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; Con của người hoạt động cách mạng từ 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945” sẽ được cộng điểm ưu tiên trong các kỳ thi tuyển sinh THPT.
Ui chao, con của những người đó ở thời điểm quy định có hiệu lực cũng đã đều ngót nghét tuổi về hưu thì còn ai đi học THPT nữa mà ưu tiên. Quy định thế, chẳng khác gì lỡm người ta…học dốt. Trước đó 1 năm, cũng ngành Giáo dục đã khiến dư luận cả nước được một phen nghiêng ngửa với quy định “Mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm khi thi đại học”. Ở tuổi cổ lai hy sống được là may mắn lắm rồi còn hơi sức đâu mà đi thi thố, xét tuyển. Ưu tiên kiểu đó thì khác gì thách thức các mẹ. Và cho đến nay, lúc “trà dư, tửu hậu”, người ta vẫn còn nhắc đến những quy định kiểu như: viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; cấm bán bia vỉa hè, bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C; xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức đổ rác không đúng nơi quy định, bán hàng rong phải có đủ sức khỏe...
Tranh Lê viết Phúc |
Dĩ nhiên, nguyên nhân dẫn đến những thông tư, quy định thuộc diện trên trời không chỉ do bệnh “chân vuông” mà theo ý kiến của ông Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thì việc ban hành văn bản sai có nhiều lý do, từ nhận thức, trình độ, thái độ trách nhiệm cho đến cách thức, cơ chế còn nhiều bất cập, kẽ hở. Trong đó, có yếu tố cán bộ nắm thực tiễn chưa chắc chắn, còn mơ hồ, tầm hiểu biết hạn chế, không đầy đủ thấu đáo dẫn đến lúng túng trong hoạch định chính sách. Thực tiễn xã hội luôn sống động, đa dạng và phức tạp, việc nắm bắt được thực tiễn của yêu cầu quản lý để hoạch định chính sách và “phản ánh” nó trong văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, nhưng đây lại đang là khâu yếu nhất. Dẫn đến những văn bản vừa mới ban hành đã “chết yểu”, hoặc khi đưa vào áp dụng thì chẳng khác nào đánh đố người dân và tạo cơ hội cho sự nhũng nhiễu.
Tuy nhiên, hệ lụy của bệnh “chân vuông” không dừng lại ở đó. Thói quan liêu, bàn giấy, không chịu đi sâu và thực tế cuộc sống khiến người ta không nắm bắt kịp thời và thấu hiểu sâu sắc, đến nơi, đến chốn những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong đời sống người dân. Không nắm chắc, không thấu hiểu, dĩ nhiên là sẽ không thể giải quyết được thấu đáo những vấn đề cần bức xúc trong dân. Dẫn tới e ngại gặp dân, tiếp xúc với dân. Nói như vậy không phải là suy luận, võ đoán mà có cơ sở từ thực tế. Như kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đa số chủ tịch các quận, huyện tiếp dân chưa thường xuyên. Kiểm tra 11 quận, huyện thì thấy có vị chủ tịch quận tiếp dân chỉ đạt 3% theo quy định. Những nơi khá hơn cũng chỉ đạt từ 6 đến 7% số ngày phải tiếp dân theo quy định. Cũng thông tin từ Thanh tra Chính phủ, ở một số tỉnh, thành phố khác, việc tiếp dân cũng ở tình trạng tương tự. Và như nhận định của lãnh đạo ngành thanh tra thì “Việc triển khai Luật tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; vẫn còn một số địa phương, bộ, ngành lãnh đạo chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác tiếp công dân”.
Liệt kê ra như thế để đi đến thống nhất một quan điểm là: cần phải có giải pháp hữu hiệu để trị bệnh “chân vuông” thật triệt để.
Bụt Sơn