Triển khai đồng bộ các giải pháp

28/04/2014 22:34

(Baonghean) - Ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt - vệ sinh môi trường nông thôn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V: Nước sạch - VSMT nông thôn là lĩnh vực được người dân rất quan tâm. Vậy thời gian qua, các cấp, ngành chức năng đã triển khai như thế nào?

Ông Phan Bùi Mỹ: Thực hiện Chương trình MTQG nước sạch & VSMT nông thôn ở Nghệ An có rất nhiều thuận lợi, đó là Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG nước sạch & VSMT nông thôn giai đoạn 2012-2015 và quy hoạch cấp nước và vệ sinh vùng nông thôn đến năm 2015, có tính đến 2020 đã được UBND tỉnh Nghê An phê duyệt. Cùng với đó, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cấp uỷ đảng, chính quyền. Đặc biệt là nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh nông thôn của người dân ngày càng được nâng cao, đồng thời, tại Nghệ An có nhiều mô hình công nghệ, kỹ thuật về cấp nước và vệ sinh nông thôn và nhiều mô hình quản lý, khai thác công trình rất hiệu quả.

Sinh viên, học sinh ở TP. Vinh mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch  và VSMT nông thôn.
Sinh viên, học sinh ở TP. Vinh mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn.

Để thực hiện tốt Chương trình MTQG nước sạch & VSMT nông thôn, Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình nước sạch - VSMT nông thôn gồm các ngành Nông nghiệp & PTNT, Y tế, Giáo dục - Đào tạo... Sau khi phê duyệt "Đề án chương trình nước sạch - VSMT nông thôn Nghệ An", UBND tỉnh đã có kế hoạch, ưu tiên nguồn vốn đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực cấp nước - VSMT nông thôn. Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ngân hàng, quỹ tín dụng quay vòng của Hội Phụ nữ và của người dân hưởng lợi đóng góp, thì lĩnh vực này cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức ở trong và ngoài nước như: Tổ chức UNICEF, DANIDA (Đan Mạch), Ngân hàng Thế Giới - WB, Ngân hàng phát triển Châu Á - ADB… Năm 2013 tổng nguồn kinh phí đầu tư vào Chương trình nước sạch - VSMT nông thôn là 213 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư đó, hàng trăm nghìn người vùng nông thôn được sử dụng nước sạch và các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Ban chỉ đạo chương trình nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh đã triển khai và giám sát chặt chẽ các hoạt động thuộc lĩnh vực này, xây dựng được những chương trình, hành động cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt chương trình. Lĩnh vực thuộc ngành Nông nghiệp & PTNT thực hiện đã tạo được sự chuyển biến tích cực, đó là nâng cao tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo Quyết định 51/2008/QĐ-BNN từ 66,5% lên 68,5%, trong đó sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT tăng từ 27% lên 29,2%; Tỷ lệ số chuồng trại chăn nuôi có xử lý chất thải hợp vệ sinh tăng từ 34% lên 36,5% . Ngành Y tế cũng đã tăng nhanh được số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo TC08/BYT tăng từ 43,5% lên 45,2% và tỷ lệ trạm y tế xã có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) tăng từ 85% lên 87%. Ngành Giáo dục & Đào tạo, tỷ lệ trường học nông thôn có công trình cấp nước và nhà tiêu HVS tăng từ 54,75% lên 56,72% .

Đặc biệt, với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB, tại Nghệ An đang triển khai đúng tiến độ dự án cấp nước và tiểu dự án thí điểm ở Diễn Yên (Diễn Châu). Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch và sẽ tổ chức khánh thành nhà máy đúng vào “Tuần lễ quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn", đồng thời tiến hành đồng bộ gói thầu giám sát thi công công trình cấp nước - nhà vệ sinh đạt chuẩn và đẩy mạnh các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông và vận động cộng đồng thực hiện đúng theo kế hoạch được phê duyệt. Cùng với tiểu dự án cấp nước - vệ sinh ở Diễn Yên, hiện đang xúc tiến dự án đợt 2 ở liên xã Long Thành, Khánh Thành, Vinh Thành, Trung Thành huyện Yên Thành và đã được ADB chấp thuận địa điểm, cùng với đó đã hoàn thành khảo sát nền, đánh giá thực trạng kinh tế, xã hội và nhu cầu sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường tại các xã (do Tư vấn quốc tế trực tiếp thực hiện).

P.V: Chương trình cấp nước - VSMT nông thôn ở Nghệ An đạt được kết quả khả quan, nhưng trong thời gian tới lĩnh vực sẽ gặp khó khăn do hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Vậy xin ông cho biết kế hoạch, biện pháp trong thời gian tới?

Ông Phan Bùi Mỹ: Năm 2014, mục tiêu đặt ra là số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt HVS tăng từ 68,5% lên 73% (vào cuối năm 2014), Tỷ lệ số chuồng trại chăn nuôi có xử lý chất thải HVS tăng từ 36,5% lên 45% vào cuối năm 2014, đạt mức tăng 8,5%. Số hộ nông thôn có nhà tiêu HVS theo tiêu chí 08/BYT tăng từ 45,2% lên 50%; Tỷ lệ số trạm y tế có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu HVS tăng từ 87% lên 90,4% và tỷ lệ trường học có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu HVS tăng từ 56,72% lên 58,76%. Để đạt được mục tiêu đó, dự kiến tổng nhu cầu vốn cần huy động là hơn 300 tỷ đồng, trong đó, đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 25 tỷ đồng, còn lại là huy động các cấp, ngành, người dân hưởng lợi. Kế hoạch là vậy, nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước luôn bị cắt giảm, nên sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là về nguồn vốn đối ứng cho dự án của ADB.

Trước thực tế đó, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp, đó là tăng cường công tác giáo dục truyền thông. Tập trung truyền thông giới thiệu các công nghệ cung cấp sử dụng nước, giới thiệu các mô hình cấp nước và vệ sinh môi trường. Thường xuyên tập huấn hướng dẫn quản lý vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là các công trình cấp nước tự chảy ở miền núi. Song song với đó, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, như thực hiện xã hội hoá cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Quyết định 131/2009/QĐ-TTg ngày 2/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Sử dụng 1 phần vốn sự nghiệp hỗ trợ công tác quản lý vận hành sau xây dựng (đối với công trình đưa vào sử dụng chưa quá 3 năm)...

Trong quá trình tổ chức thực hiện cũng cần ưu tiên hỗ trợ vốn cho các công trình đấu nối, mở rộng các dự án từ nhà máy nước hiện có để giảm chi phí đầu nguồn, xây dựng nhanh, chất lượng nước đảm bảo và tận dụng tối đa công suất các nhà máy nước đã xây dựng. Chú trọng đầu tư các dự án cấp nước quy mô lớn, liên xã, hạn chế đầu tư manh mún nhằm giảm thiểu diện tích đất xây dựng, dễ kiểm soát chất lượng nước, giảm chi phí quản lý vận hành... Công tác quản lý, khai thác sau đầu tư cần được chú trọng hơn, để quản lý sử dụng, vận hành bảo dưỡng bền vững các công trình cấp nước tập trung cần hình thành tổ chức quản lý công trình trước khi đầu tư để đào tạo nâng cao năng lực và tham gia giám sát trong quá trình đầu tư.

Một vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện đầu tư dự án nước sạch ở tỉnh ta là một số công trình cấp nước tập trung dở dang kéo dài không hoàn thành, nguồn vốn đóng góp của người hưởng lợi thấp, không kịp thời. Nguyên nhân do nguồn vốn hỗ trợ không đáp ứng kế hoạch, nhu cầu của dự án, trong khi đó khó huy động được nguồn vốn của người dân... Tại các công trình cấp nước tập trung (hệ tự chảy) nhanh xuống cấp, hư hỏng nhiều, hiệu quả sử dụng chưa cao, thiếu bền vững. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần có kế hoạch đầu tư nguồn vốn kịp thời để hoàn thành các dự án và tu sửa, nâng cấp các công trình hư hỏng, xuống cấp đưa vào vận hành phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Trong thời gian tới, chương trình cấp nước cần phối hợp chặt chẽ với các Chương trình 134, 135, Chương trình xoá đói giảm nghèo... và nhất là với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Vĩnh (thực hiện)

Mới nhất
x
Triển khai đồng bộ các giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO