Triển khai Nghị định 67: Tín hiệu khả quan

09/10/2014 14:36

(Baonghean) - Nghị định 67/2014/NĐ-CP của chính phủ Về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) đã có hiệu lực từ 25/8/2014. Đến nay, việc triển khai Nghị định 67 vào thực tế đã có những tín hiệu khả quan, các thủ tục bình xét nhằm giúp ngư dân vay vốn đóng tàu đang được tiến hành khẩn trương; về phía các cơ sở đóng tàu cũng đã sẵn sàng.

Đóng tàu cá công suất lớn tại xã An Hoà (Quỳnh Lưu).
Đóng tàu cá công suất lớn tại xã An Hoà (Quỳnh Lưu).

Kiểm loại hồ sơ “phong trào”

Nghệ An là một trong những địa phương tổ chức sớm và chủ động từ tỉnh cho đến cơ sở trong việc triển khai Nghị định 67. Ngành Nông nghiệp đã tổ chức hội thảo, cùng với các đơn vị đóng tàu giới thiệu các mẫu tàu, hướng dẫn cho ngư dân đăng ký… trước khi Nghị định 67 ban hành. Số lượng phương tiện các địa phương có nhu cầu đăng ký vay vốn là 874 chiếc (trong đó tàu khai thác 844 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần 28 chiếc). Sau khi nghị định có hiệu lực, Bộ NN & PTNT trên cơ sở cân nhắc tình hình của các địa phương đã phân bổ cho Nghệ An 100 tàu (trong đó 95 tàu khai thác, 5 tàu dịch vụ). Căn cứ nhu cầu của các địa phương, ngành Nông nghiệp đã phân chia chỉ tiêu là: TX. Hoàng Mai: 20 tàu, Quỳnh Lưu 30 tàu, Diễn Châu 5 tàu, Nghi Lộc 10 tàu và TX. Cửa Lò 5 tàu. Như vậy, tổng số chỉ tiêu phân chia đợt 1 là 70 chiếc, số chỉ tiêu còn lại sẽ phân bổ cho những địa phương sử dụng có hiệu quả số tàu đã phân chia đợt 1. Theo ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết, trong quá trình phân chia chỉ tiêu, bên cạnh việc ưu tiên cho các địa phương có truyền thống khai thác xa bờ còn tính đến việc hình thành các tổ hợp tác liên kết trên biển vươn khơi để vừa khai thác vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với số lượng 20 - 30 tàu sẽ hình thành từ 2 - 3 tổ hợp tác mới trên biển giúp nhau bám biển dài ngày.

Số lượng đăng ký hơn 800 tàu so với chỉ tiêu được phân bổ 100 tàu là quá ít, dẫn đến việc lựa chọn đối tượng được vay gặp khó khăn. Để tháo gỡ vấn đề này, ngành Nông nghiệp đã ban hành bộ tiêu chí gồm 9 điểm. Đây là căn cứ cơ bản để các địa phương lựa chọn đối tượng được vay. Vì vậy, khi bộ tiêu chí này được ban hành, nhiều ngư dân thấy mình không đủ tiêu chuẩn đã rút tên khỏi danh sách. Ông Hồ Hồng Nghiệp - Chủ tịch Ủy ban xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: “Lúc đăng ký bà con thường theo tâm lý số đông, chưa hiểu hết mọi trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như điều kiện để được vay nên đăng ký đông. Thực chất, trong số đó chỉ có vài phần trăm đáp ứng được yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Toàn xã có 107 hộ đăng ký nên để việc xét chọn được thuận lợi, xã đã chỉ đạo cho chi bộ, các xóm tuyên truyền vận động các hộ không đủ tiêu chuẩn rút đơn”. Để đảm bảo việc lựa chọn chính xác, đúng đối tượng, ngành Nông nghiệp cũng đã hủy bỏ kết quả của phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai (được phân chỉ tiêu 5 phương tiện) do cách tổ chức sai quy trình. Hiện nay, các địa phương được phân bổ chỉ tiêu đang tiến hành các bước triển khai xét chọn những hộ đủ tiêu chuẩn vay để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huyện Quỳnh Lưu có số lượng đăng ký nhiều nhất tỉnh với 357 phương tiện. UBND huyện đã có công văn chỉ đạo cho các xã rà soát, niêm yết công khai danh sách đăng ký; ngày 20/10/2014 chốt danh sách gửi phòng Nông nghiệp thẩm định; sau đó trình ban chỉ đạo của huyện xét duyệt, tổng hợp gửi về tỉnh. Trên cơ sở danh sách của các huyện gửi về, tỉnh thành lập đoàn để thẩm định, từ đó trình UBND tỉnh ra quyết định.

Bên cạnh đó, tại các địa phương như TX. Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu, các hộ đăng ký phân vân về nguồn vốn đối ứng, liệu có được các ngân hàng cho vay hay không? (phần vốn đối ứng 30% đối với tàu vỏ gỗ, 10% đối với tàu vỏ sắt). Ví dụ, đóng một con tàu vỏ gỗ trị giá 4 tỷ đồng, ngư dân phải bỏ ra nguồn vốn đối ứng 1,2 tỷ đồng, đây là một số tiền không hề nhỏ. Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Công Đàm - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Năm 2014, chi nhánh đã cho ngư dân Quỳnh Lưu vay đóng mới 98 tàu công suất máy từ 400 CV trở lên, đã giải ngân 93 tàu, đang làm thủ tục giải ngân 5 tàu với số tiền hơn 273 tỷ đồng. Chi nhánh sẵn sàng đầu tư cho ngư dân số tiền đối ứng cần thiết với điều kiện người vay có đủ các điều kiện như tài sản thế chấp, cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với ngân hàng. Để chứng minh sự đầu tư có hiệu quả giúp ngư dân làm giàu, ông Đàm đưa ra một dẫn chứng, đó là trường hợp của chủ tàu Nguyễn Quốc Tiến, xóm Phong Thắng, xã Tiến Thủy. Cách đây 3 năm, anh cùng bạn nghề vay 3,6 tỷ đóng mới một tàu cá lắp máy 480 CV, sau 2 năm trả hết nợ. Nay anh lại vay tiếp 5,7 tỷ đồng đóng tàu lắp máy 750 CV, ngân hàng sẵn sàng đầu tư. Chuyến đầu tiên đi biển, anh đã thu về hơn 200 triệu đồng.

Khi nói về cho vay theo Nghị định 67, ông Đàm cho biết những băn khoăn của mình mà theo chúng tôi là cần phải có chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để các ngân hàng thương mại thực hiện. Theo ông Đàm, đối tượng được vay theo Nghị định 67 là tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu), nhưng khái niệm “chủ tàu” cần được làm rõ. Thực tế trên địa bàn Quỳnh Lưu, chưa có một chủ tàu nào bỏ tiền ra đầu tư đóng 1 con tàu, mặc dù năng lực tài chính họ có đủ khả năng. Vốn đóng tàu thường hình thành bởi các cổ đông vừa tránh rủi ro, vừa gắn trách nhiệm của từng thành viên với con tàu trong quá trình sử dụng. Khi vay vốn ngân hàng, các thành viên trên tàu là một khách hàng độc lập, mặc dầu con tàu là tài sản chung. Từng cá nhân phải làm khế ước vay vốn riêng, thực hiện nghĩa vụ riêng. Theo nguyên tắc của ngân hàng để tránh rủi ro phải phân nhỏ khối tài sản cho từng cá nhân để chịu trách nhiệm. Đối với cho vay theo Nghị định 67 cũng vậy, việc xác định “chủ tàu” chỉ là thủ tục hành chính. Khi vay vốn ngân hàng mọi thành viên trên tàu đều bình đẳng như nhau, mỗi thành viên là một khế ước, chịu trách nhiệm như nhau. Có đáp ứng được điều kiện này, ngân hàng mới cho vay vốn. Đây là điều kiện cần làm rõ khái niệm “chủ tàu” trong hướng dẫn cho vay vốn của hệ thống ngân hàng. Việc xác định vai trò chủ tàu cần có được những quy định cụ thể.

Như vậy, có thể thấy việc triển khai Nghị định 67 tại tỉnh ta đang được thực hiện một cách bài bản. Với cách làm này sẽ kiểm loại được những hồ sơ vay vốn theo “phong trào”, đảm bảo chỉ tiêu được phân bổ đúng đối tượng.

Cơ sở đóng tàu sẵn sàng

Nghệ An có khoảng hơn 60 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá, trong đó có 20 cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đủ điều kiện theo Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT “Quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá”. Trong 20 cơ sở này có 8 cơ sở đủ năng lực đóng tàu cá có tổng công suất máy chính trên 400 CV trở lên và 12 cơ sở đóng tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV. Như vậy năng lực đóng mới tàu cá công suất lớn của các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đóng mới tàu cá vươn khơi theo Nghị định 67. Trên thực tế, trong tỉnh có nhiều cơ sở đã từng đóng tàu cá từ 700 - 1.000 CV, tuy nhiên nhiều cơ sở không đủ điều kiện về diện tích mặt bằng, nhà xưởng theo quy định của Thông tư 26/2014/TT-BNNPTNT, nên không được công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng tàu theo Nghị định 67. Sở NN & PTNT Nghệ An đã xây dựng 7 mẫu tàu cá vỏ gỗ theo các nghề: chụp, mực, lưới rê, lưới vây và tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ để ngư dân lựa chọn. Ông Trần Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá, Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An cho biết: Năng lực đóng tàu của tất cả các cơ sở trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng được nhu cầu đóng mới tàu cá không chỉ cho ngư dân trong tỉnh mà còn đóng cho cả các tỉnh khác. Trong 8 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu theo Nghị định 67 có HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên với hàng chục cơ sở thành viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đóng tàu lâu năm. Đợt này, Nghệ An được phê duyệt vay vốn hỗ trợ đóng mới 100 tàu cá, dự kiến đóng trong vòng 1 năm là hoàn thành.

Mặc dù đang trong quá trình bình xét đối tượng được vay vốn theo Nghị định 67 nhưng hiện nay các cơ sở đóng tàu đã có những khâu chuẩn bị sẵn sàng đón đầu. Tại Công ty đóng tàu thuyền Hải Châu đã có nhiều khách hàng đặt lốt đóng tàu. Ông Trần Thanh Hải - Giám đốc công ty cho biết: Để tăng thêm nguồn nhân lực đóng tàu phục vụ nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân, công ty đã tuyển thêm 80 công nhân, nâng tổng nhân lực đóng tàu lên khoảng 200. Mỗi năm, công ty đóng mới khoảng 30 tàu cá cho khách hàng các tỉnh từ Thái Bình, Nam Định đến Kiên Giang. Hiện, nguồn nhân lực kỹ thuật và nguồn gỗ nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn sàng, chờ ngư dân vay được vốn hỗ trợ sẽ nhanh chóng triển khai đóng tàu theo nhu cầu của từng khách hàng.

Cơ sở đóng tàu thuyền Hồ Văn Ngò, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cũng là 1 trong 8 đơn vị đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá có công suất trên 400 CV. Hiện cơ sở của ông Ngò có trên 30 lao động đóng tàu lành nghề, trong đó có 1 kỹ sư vỏ tàu. Ông Hồ Văn Ngò cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay, cơ sở đã đóng mới và hạ thuỷ 12 chiếc tàu, trong đó có 6 chiếc công suất từ 380 - 400 CV và 6 chiếc 750 - 800 CV. Hiện tại, cơ sở đang đóng 3 chiếc, đồng thời có 3 chiếc vừa đặt hàng đóng mới. Cơ sở hoàn toàn chủ động mọi điều kiện về nguyên liệu, lao động, kỹ thuật, phương tiện đáp ứng các nhu cầu đóng tàu công suất lớn, hiện đại, đảm bảo chất lượng. Trước lúc hạ thuỷ, chúng tôi đều cẩn trọng kiểm soát tất cả mọi bộ phận, chi tiết nhỏ trên tàu. Tất yếu phải cho nước vào tàu để kiểm tra độ kín nước đảm bảo, độ bền, độ cứng của vỏ, đảm bảo các loại máy trên tàu hoạt động tốt. Sau đó cho tàu chạy thử ra biển, chạy đường ngắn, đường dài an toàn mới bàn giao cho khách hàng.

Như vậy, việc bình chọn và vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67 đang được triển khai hết sức khẩn trương, phía các cơ sở đóng tàu trong tỉnh cũng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, các địa phương cần phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức đào tạo đội ngũ thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng để đảm bảo đủ lao động cho nghề cá và đáp ứng được yêu cầu vận hành vươn khơi trên những con tàu có công suất lớn, hiện đại. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng nắm bắt những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn triển khai Nghị định 67 để có hướng giải quyết kịp thời.

Theo Nghị định 67, tàu đóng mới phải có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Hạn mức cho vay tùy từng loại tàu tối đa từ 70% - 95% tổng giá trị đầu tư, với lãi suất 7%/năm; ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1 - 3%/năm, phần còn lại ngân sách nhà nước cấp bù. Thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, Ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.

Anh Tuấn - Quỳnh Lan

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Triển khai Nghị định 67: Tín hiệu khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO