Triển vọng của Nhà máy chế biến gỗ MDF ở Phủ Quỳ
(Baonghean) - Ngày 19/2/2013, tại miền Tây Nghệ An, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF (tại huyện Nghĩa Đàn) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, và đây là nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á.
Hiện nay, phần lớn các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh ta là sử dụng công nghệ và dây chuyền không đồng bộ có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan nên làm tiêu hao nguyên liệu và gây ô nhiễm môi trường…Chính vì vậy, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm đã quyết định sử dụng dây chuyền, công nghệ đồng bộ và tiên tiến hàng đầu của thế giới để sản xuất ván sợi MDP và gỗ thanh.
Ông Christoph Ludaescher, Giám đốc Công ty cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm, chủ đầu tư dự án cho biết: “Tôi và nhóm chuyên gia quốc tế có niềm tin vững chắc vào thành công của dự án không chỉ bởi có công nghệ sản xuất hiện đại, mà còn nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành và người dân trong vùng dự án và đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Tôi và các cộng sự đều rất vui khi quyết định chọn Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF để làm việc”. Với phương châm sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới kết hợp với nguyên liệu sẵn có của Việt Nam, chủ đầu tư đã chọn đơn vị cung cấp thiết bị sản xuất ván sợi MDF là Công ty Diffenbacher của CHLB Đức, hiện là Công ty số một thế giới về thiết bị chế biến gỗ. Đơn vị thiết kế là công ty NewCC Nhật Bản và đơn vị quản lý dự án là Công ty Royal Haskoning Hà Lan.
Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD gồm: Nhà máy chế biến gỗ thanh với tổng mức đầu tư 150 triệu USD có công suất 8.800 m3/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng 6 tháng kể từ ngày khởi công; Nhà máy chế biến ván sợi MDF với tổng mức đầu tư 350 triệu USD, công suất 400.000 m3/năm được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: 130.000 m3/năm (mức đầu tư 100 triệu USD) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I năm 2014; giai đoạn 2 là: 270.000 m3/năm vào năm 2017. Điểm nổi bật của Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An là sự kết hợp giữa 2 công nghệ chế biến gỗ thanh và gỗ ván sợi MDF. Nhà máy chế biến gỗ thanh sử dụng nguyên liệu là những phần có giá trị nhất của cây gỗ và nhà máy ván sợi MDF sử dụng nguyên liệu là các phụ phẩm còn dư lại trong quá trình chế biến gỗ thanh để tạo thành các tấm ván sợi chất lượng cao. Phương pháp này cho phép sử dụng gần như tất cả các phần của cây gỗ, nhờ đó tối ưu hóa nguồn nguyên liệu.
Sử dụng công nghệ tiên tiến và sử dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ hiện đại có xuất xứ 100% từ châu Âu, như Công ty Dieffenbacher (CHLB Đức) cung cấp công nghệ tạo hình, nén liên hồi và trạng thái ván, Metso (Thụy Điển) công nghệ sản xuất sợi gỗ, Hombak/CMC (CHLB Đức) công nghệ băm dăm, làm sạch và kho chứa băm dăm… nên các sản phẩm gỗ của nhà máy sẽ có chất lượng tốt, có thể cạnh tranh ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và EU. Ngoài chất lượng vượt trội của sản phẩm, sự khác biệt của Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An là khả năng tiết kiệm năng lượng và mức độ xanh, sạch và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, bụi sản sinh trong quá trình sản xuất sẽ được thu gom, đóng thành bánh để đưa vào lò đốt nhằm tạo ra năng lượng bổ sung, đồng thời góp phần làm sạch môi trường. Nhiệt năng phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy cũng được thu gom để tái sử dụng. Nguồn nguyên liệu sử dụng cho quá trình xây dựng nhà máy cũng sẽ được sử dụng chủ yếu từ những nguồn địa phương, như các loại đá xây dựng từ Nghệ An và Thanh Hóa.
Ngoài việc ứng dụng công nghệ cao vào chế biến gỗ, nhà máy chú trọng phát triển vùng nguyên liệu vì đây là điều kiện quyết định thành công của dự án. Do đó, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm xây dựng dự án theo hướng chủ động nguồn nguyên liệu thông qua phát triển rừng bền vững. Dự án đã liên doanh liên kết với các nông, lâm trường trong địa bàn quy hoạch để đảm bảo 60% nguyên liệu cho dự án. 40% lượng nguyên liệu còn lại sẽ thu mua của người dân.
Với thiết bị, công nghệ và quy trình quản lý hiện đại, nhà máy sẽ là một mô hình điểm về phát triển kinh tế rừng bền vững kết hợp với việc bảo vệ và cải thiện môi trường, cũng như mang tới nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo môi trường sinh thái, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho người dân tại khu vực miền Tây Nghệ An.
Hoàng Vĩnh