Triệt hạ gỗ nghiến vài trăm tuổi làm thớt… bán qua biên giới
Những cây gỗ nghiến hàng trăm, hàng nghìn tuổi trong vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Quang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đang bị những nhóm lâm tặc xẻ thịt, biến thành gỗ nghiến dạng thớt vận chuyển buôn bán qua bên kia biên giới.
Rừng đặc dụng Phong Quang, huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang với nhiều tập đoàn cây gỗ quý như nghiến, trai và nhiều loại gỗ quý thuộc nhóm 2A có tuổi đời từ 100 năm đến 1.000 năm tuổi, cần được bảo vệ để duy trì nguồn gien quý và hệ sinh thái. Thế nhưng, những cây gỗ nghiến hàng trăm, hàng nghìn tuổi trong vùng lõi của rừng đặc dụng đang bị những nhóm lâm tặc xẻ thịt, biến thành gỗ nghiến dạng thớt vận chuyển buôn bán qua bên kia biên giới.
Cây nghiến hàng trăm năm tuổi chỉ còn trơ gốc
Theo Tổ công tác liên ngành gồm Kiểm lâm Hạt quản lý rừng đặc dụng Phong Quang, Bộ đội Biên phòng Thanh Thủy, Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Từ đường mòn của thôn Phìn Sảng, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên ngược lên dãy núi Răng Cưa chúng tôi tới vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Quang để tận mắt thấy được sự tàn phá của lâm tặc đối với những cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi.
Nhìn những hình ảnh cây gỗ nghiến nghìn tuổi bị đốn hạ không ai không xót xa, khi máu rừng đang chảy. Những cây gỗ nghiến trơ gốc, thân cây bị lâm tặc cắt thành từng khúc hình thớt rồi từ đây chúng vận chuyển qua đường mòn vượt núi để mang bán sang bên kia biên giới. Từ vùng lõi của rừng đặc dụng, lâm tặc hình thành thành con đường vận chuyển thớt gỗ nghiến đi khắp ngả để trốn sự kiểm tra, kiểm soát của các tổ liên ngành và dùng nhiều hình thức như gùi hàng, dùng xe máy vận chuyển xuyên đêm tuồn gỗ sang biên giới.
Với địa hình phức tạp, rừng đặc dụng Phong Quang nằm trên địa bàn 4 xã gồm Minh Tân, Phong Quang, Thuận Hòa, Thanh Thủy và một phần tổ 9 phường Quang Trung. Rừng đặc dụng Phong Quang luôn là điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ nghiến dạng thớt sang kia biên giới. Các đối tượng lâm tặc có nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi và liều lĩnh, coi thường pháp luật, chống trả quyết liệt khi phát hiện lực lượng chức năng, khiến máu rừng đang chảy và máu của các chiến sỹ biên phòng, cán bộ kiểm lâm đã đổ để bảo vệ cánh rừng này.
Với giá trị từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/gỗ nghiến dạng thớt 40 x 40cm là số tiền làm mờ mắt những kẻ hám lợi, đang tâm triệt hạ những cây cổ thụ giữa vùng lõi của rừng đặc dụng. Tận thấy 24 cây nghiến cổ thụ bị đốn hạ giữa rừng, lực lượng tổ công tác liên ngành đã hết sức cố gắng trấn áp, những do lực lượng quá mỏng nên chưa thể kiểm soát hết được các con đường. Ông Sái Minh Phương, Tổ trưởng tổ liên ngành - Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cho hay: Các đối tượng lâm tặc hoạt động rất manh động, luôn chống trả quyết liệt lực lượng thi hành công vụ khi bị lực lượng kiểm lâm và liên ngành trấn áp.
Hàng trăm khối gỗ nghiến lâm tặc bỏ lại khi bị lực lượng chức năng truy quét
Có mặt tại trụ sở Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, nơi đang thu giữ trên 200 khối gỗ nghiến dạng thớt của đối tượng lâm tặc, ông Nguyễn Việt Hưng – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang cho biết: "Hiện nay vùng lõi của rừng đặc dụng Phong Quang bị xâm hại nghiêm trọng, các đối tượng phá rừng bất chấp mọi thủ đoạn sẵn sàng triệt hạ những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi đã chốt chặn nhiều điểm nóng, tuy nhiên do lực lượng quá mỏng nên lâm tặc hoạt động sâu trong rừng già vẫn chưa ngăn chặn được. Hiện nay, do được tăng cường lực lượng từ công an, biên phòng nên tình trạng chặt phá rừng đã tạm lắng".
Xác định đây là sự sống còn của rừng đặc dụng Phong Quang trước nguy cơ tàn phá của lâm tặc, tháng 3-2012 huyện Vị Xuyên đã thành lập 4 Tổ công tác liên ngành gồm các lực lượng kiểm lâm, công an, biên phòng, dân quân xã chốt chặn ở các điểm nóng 24/24 giờ, như điểm Mã Hoàng Phìn, Hoàng Lỳ Pả, Giang Nam... thuộc xã Minh Tân, Phong Quang, Thanh Thủy để cắt đứt con đường vận chuyển thớt nghiến của lâm tặc từ vùng rừng đặc dụng sang bên kia biên giới. Thế nhưng, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm di chuyển và chặt phá rừng, chúng dùng nhiều thủ đoạn để tiếp tục đưa thớt nghiến sáng bên kia biên giới Việt – Trung. Những biện pháp hiện tại, chỉ là giải pháp kiềm chế các điểm nóng về khai thác vận chuyển thớt nghiến. Về lâu về dài không thể duy trì nếu không có sự tăng cường về lực lượng, cũng như những giải pháp căn cơ của chính quyền trong việc việc xử lý các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ quý trái phép. Sự bình yên chỉ tạm lắng ở rừng đặc dụng Phong Quang. Máu rừng, máu của các chiến sỹ, cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng có thể sẽ lại tiếp tục đổ, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền, đoàn thể, các lực lượng chức năng và ý thức bảo vệ rừng của mỗi người dân trong và ngoài vùng rừng đặc dụng.
Theo Anninhthudo-M