Triệu phú trang trại ở Long Sơn (Anh Sơn)

03/09/2015 16:13

(Baonghean) - Vượt quãng đường khoảng 7 km từ Quốc lộ 7A, chúng tôi tìm đến trang trại của bà Trần Thị Trúc ở xóm 5, xã Long Sơn (Anh Sơn). Người dân địa phương thường gọi vợ chồng bà là “Triệu phú trang trại”. Bà cũng có niềm vinh dự là đại biểu Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.

Vợ chồng bà Trần Thị Trúc (SN 1956) có 4 người con, ông Trần Văn Lễ - chồng bà là cán bộ Văn phòng UBND xã, còn bà ở nhà sản xuất nông nghiệp. Gia đình đông con nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả, một thời kiếm đủ cái ăn hàng ngày là cả vấn đề lớn. Mỗi lần ông Lễ đem sách báo về nhà, bà Trúc đều tập trung tìm đọc các bài viết giới thiệu mô hình kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế. Từ đó, bà nhận thấy vùng đồi núi quê mình phù hợp với việc phát triển kinh tế trang trại, vừa trồng cây nguyên liệu, vừa phát triển chăn nuôi. Bàn bạc với ông Lễ, hai vợ chồng nhiều đêm thức trắng để tính chuyện làm ăn, cuối cùng ông bà quyết định đầu tư làm trang trại.

Bà Trần Thị Trúc chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.
Bà Trần Thị Trúc chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.

Năm 2003, bà Trúc vay vốn ngân hàng mua lại 30 ha đất lâm nghiệp để thực hiện kế hoạch làm ăn. Rừng cách nhà 7km, đường vào chỉ là một lối mòn nhỏ, cây giang và cây nứa chiếm đa phần. Nghĩa là ông bà phải khởi động từ việc thuê máy ủi làm đoạn đường hơn 3km, đắp đập giữ nước và sẻ phát rừng nghèo để trồng các loại cây thích hợp. Thời gian đầu, bà Trúc đầu tư trồng sắn nhưng bị thua lỗ nặng, vì giá sắn xuống quá thấp. Trồng cây gấc cũng bị thất bại, vì gấc không ra quả. Cũng có lúc nản chí, định buông xuôi nhưng rồi bà Trúc nghĩ siêng năng, cần cù đất sẽ không phụ người. Lại tiếp tục vay 100 triệu đồng, ở thời điểm ấy đó là một khoản rất lớn, không mấy người dám vay. Lần này, vợ chồng bà Trúc quyết định trồng keo nguyên liệu, mua bò, lợn để chăn thả và cải tạo ao để nuôi cá, rào vây thép gai toàn bộ diện tích. Ông làm công tác xã hội, bà ở nhà chăm lo trang trại, giai đoạn cao điểm thuê thêm nhân lực để trồng cây, làm cỏ cho kịp thời vụ. Kiên trì bám trụ, vừa tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật qua sách báo, bà Trúc từng bước xây dựng trang trại gia đình ngày càng bề thế. Đến năm 2011, lứa keo đầu tiên cho thu hoạch, giúp ông bà thanh toán hết các khoản nợ và cho thu nhập ngày càng ổn định, mỗi năm gia đình thu về hàng chục, rồi hàng trăm triệu đồng.

Thời điểm hiện nay, toàn bộ diện tích đất trang trại của bà Trần Thị Trúc gần như đã được phủ kín với 25 ha keo, 3 ao cá lớn, 40 con bò, 40 con lợn và khoảng 200 con gà, vịt và ngan. Các loại vật nuôi này đều nuôi theo hình thức chăn thả nên được các tư thương ưa chuộng, có từng nào bán hết từng đó. Chừng ấy giúp gia đình bà mang về một nguồn thu lớn, trừ chi phí mỗi năm “bỏ túi” khoảng 250 triệu đồng. Và số tiền này sẽ còn tăng theo hàng năm, vì càng làm càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc nên năng suất chắc chắn sẽ tăng lên. Vào mùa vụ sản xuất, bà Trúc thuê hàng chục nhân công với mức tiền công xấp xỉ 200.000 đồng/ngày. Hiện vẫn còn một ít diện tích đất trồng, bà dự tính sẽ trồng quýt, vì ở địa phương loại cây này chưa phát triển nhiều, giá thành lại cao.

Niềm vui của vợ chồng bà Trúc là con trai út Trần Văn Dương (SN 1985) vừa rời quân ngũ và quyết định trở về quê hương tiếp quản trang trại của bố mẹ. Bà Trúc lên kế hoạch phát triển thêm đàn dê, vì địa hình trang trại thuận lợi cho việc chăn thả, lại là mặt hàng đang được ưa chuộng. Khi Dương đã quen với công việc, ông Lễ- bà Trúc sẽ bàn giao trang trại cho anh, ông bà chỉ lo việc hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm cho con.

Tường Anh

Mới nhất
x
Triệu phú trang trại ở Long Sơn (Anh Sơn)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO