Trò chơi dân gian ngày Tết

06/01/2014 18:02

(Baonghean) - Mỗi một vùng quê, mỗi làng, một bản, mỗi xã nói chung đều có một trò chơi dân gian truyền thống. Có những nơi, trò chơi dân gian đã gắn liền với tên làng, tên xóm, gắn liền với bản tính riêng của nhân dân vùng đó.

Ở cái tuổi xấp xỉ 70 nhưng ông Phan Văn Quang - người có gần 20 năm làm trọng tài không giấu nổi niềm đam mê khi kể lại hội vật truyền thống của xã Vân Diên – Nam Đàn: Hội vật làng Vân Diên có từ thời Vua Mai Hắc Đế và được nhân dân gìn giữ cho đến ngày nay. Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào chiều mồng 2 Tết, hàng ngàn người dân lại náo nức kéo nhau về xã Vân Diên để xem các đô vật so tài cao thấp. Trong không khí đầu Xuân, trên khắp các ngả đường những dòng người nườm nượp đổ về dự hội. Dọc các con đường về làng rợp cờ đỏ làm tăng phần trang trọng cho nghi lễ truyền thống xưa. Hội vật kéo dài từ mùng 2 đến mùng 6 Tết.

Người dân trong vùng quan niệm rằng: Năm nào không tổ chức hội vật coi như năm đó sẽ bị mất mùa. Vì thế, đúng 14h chiều mùng 2 Tết Nguyên đán khi tiếng trống khai hội vật truyền thống đầu Xuân vang lên, nhà nào nhà nấy hò nhau đi xem hội. Tiếng trống rộn rã, tiếng hò reo vang cả một vùng. Bởi thế, đấu vật là một phần không thể thiếu trong ngày Tết, góp phần tạo nên sự trọn vẹn của hương sắc ngày Xuân ở Vân Diên. Những năm trước, hội vật Vân Diên chỉ tổ chức 1 – 2 ngày, nhưng những năm gần đây, do yêu cầu của nhân dân, phần nữa là các đô vật tham gia khá đông nên hội vật kéo dài 5 – 6 ngày mới kết thúc. Điều đáng mừng là hội vật ngày càng thu hút nhiều đô vật trẻ tham gia, kể cả các cháu thiếu niên.

Hội vật ở Nam Đàn.
Hội vật ở Nam Đàn.

Thị xã biển Cửa Lò có 7/7 phường, xã nhưng có tới quá nửa địa phương thường xuyên duy trì các trò chơi dân gian trong dịp Tết. Là dân ngư nghiệp, nên trò bơi thuyền là nét đẹp truyền thống có từ bao đời nay của Nghi Hải. Nhưng để tổ chức được giải đua thuyền truyền thống hàng năm, Nghi Hải chưa thể duy trì thường xuyên mà cứ 3 năm mới tổ chức được một lần. Năm 2005, Nghi Hải tổ chức giải đua thuyền vào đúng mùng 2 Tết, thu hút 100 vận động viên đến từ 11 khối tham gia. Có thể nói, cả một tháng liền không khí chuẩn bị cho giải đua thật sự náo nức, phấn khởi và tràn đầy hy vọng. Bởi người dân biển luôn quan niệm: Đây vừa là lễ hội đua thuyền vừa là buổi đầu tiên trong năm trai tráng trong làng ra biển, nếu đội nào thắng cũng chính năm đó chủ nhân của nó sẽ được mùa tôm, mùa cá. Vì thế, nhà nào có con trai, có chồng tham gia giải đua thuyền, nhà đó không thể không hy vọng, lo lắng.

Tết năm 2014 này, Nghi Hải không tổ chức đua thuyền truyền thống, mà vào đêm 30 Tết, tại đền Làng Hiếu (thờ bản cảnh Thành Hoàng của Nghi Hải), CLB Phục hồi di tích đền Làng Hiếu sẽ tổ chức hái thăm cầu may cho ngư dân. Theo bác Trần Văn Danh (năm nay 73 tuổi ở khối Hải Tân) thì đây là hoạt động được phát huy khoảng vài năm nay và rất được bà con ủng hộ. Cứ vào đêm giao thừa, nhân dân Nghi Hải có thói quen ra đền thắp hương, cầu may, hái lộc và CLB đã nghĩ ra làm những lá thăm đủ màu sắc, bên trong mỗi lá thăm là những câu đối, câu thơ có ý nghĩa chúc một năm mới tốt lành, làm ăn phát đạt, thịnh vượng ... để khi bà con đến cầu may, có thể hái những lá thăm tuỳ ý...

Còn ở phường Nghi Tân, không khí chuẩn bị cho ngày Tết đã thật sự đến với những gia đình năm nay có “vận động viên gà” đến tuổi thi đấu. Là địa phương có truyền thống chọi gà, cờ người, hằng năm, cứ vào Rằm tháng Giêng, Tết Nguyên đán hay Lễ hội Đền Vạn Lộc, Nghi Tân lại rầm rộ chuẩn bị cho các trò chơi mang nét đẹp riêng của vùng quê mình. Ông Phùng Bá Điểm – Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Nghi Tân phấn khởi cho biết: “Trò chơi cờ người có từ thời cha ông để lại đã được Nghi Tân khôi phục từ những năm 1980, đến nay đội cờ người của Nghi Tân đã trở thành đối thủ “nặng ký” của các phường, xã trên địa bàn Thị xã Cửa Lò. Và điều quan trọng là môn cờ người này rất được các cụ cao tuổi ưa thích”. Cụ Trần Nam Tiến (88 tuổi) người dân khối 6, phường Nghi Tân hãnh diện: “Nghi Tân có bộ cờ đẹp nhất thị xã, năm nào tôi cũng tham gia và từ lâu cờ người đã trở thành đẹp rất riêng của địa phương này”.

Ngoài trò chơi cờ người, Nghi Tân còn duy trì trò chơi chọi gà truyền thống. Không ai nhớ rõ hội chọi gà của Nghi Tân có từ bao giờ chỉ biết hiện nay ở Nghi Tân có hàng chục gia đình chuyên nuôi những chú gà chọi để chuẩn bị lực lượng cho ngày ra đấu trường đã hiện diện hàng chục năm nay như một nét đẹp, niềm đam mê của người dân vùng biển vốn quen ăn sóng, nói gió này.

Để tìm hiểu việc nuôi một chú gà chọi cho đến khi có thể ra đấu trường, chúng tôi đến nhà ông Đào Trọng Ủy – năm nay 66 tuổi ở khối 6 – là một trong những ông chủ nuôi gà chọi có tiếng ở vùng này. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu thú chơi gà chọi, ông phấn khởi lắm, bắt ngay con gà thiện chiến được ông quý nhất ra khoe, vì đã từng thắng các đối thủ đến từ TP Vinh, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn. Hiện trong chuồng ông đang có hơn chục chú gà chọi với nhiều độ tuổi khác nhau: con 3 tháng, 6 tháng, con 1 năm tuổi. Tuy nhiên muốn có một con gà chọi thiện chiến phải mất rất nhiều công sức. Đầu tiên là khâu chọn giống gà (chó giống cha, gà giống mẹ). Dân chơi gà chọi phải biết lý lịch gà bố, gà mẹ.

Bằng con mắt nhiều kinh nghiệm, người ta sẽ chọn những chú gà hội tụ các tiêu chuẩn: mắt vàng sáng, cứng mỏ, cứng cựa, mình như chim cốc, đầu như chim công. Khó khăn lắm mới chọn được một chú gà hội tụ đủ các yếu tố: Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai, diều dài, quản ngắn, cựa thòi lòi, đuôi xoè như phượng hoàng. Sau khi chọn được chú gà như ý, việc chăm sóc gà cũng rất quan trọng. Nhắc đến việc chăm gà, ông Ủy vừa cười vừa bảo với chúng tôi rằng: có khi vợ không được uống thuốc bổ chứ riêng thuốc bổ cho gà như tam thất, mật ong lúc nào cũng sẵn sàng.

Để chuẩn bị cho cuộc thi chọi gà vào 28, 29 Tết năm nay, cả gia đình ông Ủy suốt ngày tập trung quanh chuồng chú gà “nòi”. Lúc thì xem bóng điện sưởi cho gà đã đủ ấm chưa, lúc thì cho gà ăn lúa, và cứ một tuần lại thả gà ra cho đi dạo, tập đấu với các đối thủ, cách một tuần trước khi vào trận, chú gà của ông Ủy được tẩm bổ bằng cách cho ăn thịt, lươn, cá, rắn, tôm, tam thất, mật ong... và không quên nấu các loại cây lá thơm để om bóp, ngâm chân cho gà. Nhìn ông Ủy say sưa kể về các cuộc thi đấu của chú gà và thỉnh thoảng lại vuốt ve nó với đôi mắt đầy âu yếm, chúng tôi chợt nghĩ chính những con người như ông Ủy, như ông Điểm đang là cây cầu nối quan trọng để các thế hệ sau giữ gìn, phát triển các trò chơi dân gian không bị mai một.

Một năm mới nữa lại về, Tết này chúng ta không những được xem cờ thẻ, tổ tôm chiếu ở Lê Mao (TP Vinh); chọi gà, cờ người ở Nghi Tân (Thị xã Cửa Lò) mà có thể ngược ra Diễn Châu đến Diễn Bích xem nấu cơm thi, tham gia trò chơi đu dây, cầu Kiều ở Diễn Phú, Diễn An... Xuôi đường 46 về Vân Diên, Nam Anh (Nam Đàn) xem hội vật... Các địa phương đều có một mong ước làm sao tạo sân chơi bổ ích cho nhân dân trong dịp Tết, đồng thời giữ gìn nét đẹp văn hóa xưa giữa cái náo nhiệt của chốn thị thành.

Thanh Thuỷ

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Trò chơi dân gian ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO