Trở lại nơi "Bến chợ, bến buôn"

(Baonghean) - Đến thị trấn Mường Xén, thủ phủ huyện rẻo cao Kỳ Sơn đã nghe nhắc đến “Tà Cạ”.  "Tà" là bến, "Cạ" là chợ nghĩa là bến chợ, bến buôn. Nơi đây, từng là một thời sầm uất của  một thị thành phố núi…
Phố miền biên viễn  
Vào thập kỷ 80 thế kỷ trước, mỗi ngày chỉ một chuyến xe ca từ TP. Vinh lên Mường Xén, chen lấn mướt mồ hôi mới mua được tấm vé. Ngồi, nằm... chung với lợn, gà, cá mú... tối mịt mới lọ mọ lên đến Mường Xén, thủ phủ của huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn. Đến Mường Xén đã nghe người ta nhắc đến “Tà Cạ”. Thủ chỉ người Mông Vừ Chông Pao lúc đó đang là Chủ tịch huyện giải thích: "Tà" là bến, "Cạ" là chợ nghĩa là bến chợ, bến buôn, tóm lại mang yếu tố “thị” nhiều hơn...  
Gian hàng ở Chợ Mường Xén. 	Ảnh: Khuyên Vy
Gian hàng ở Chợ Mường Xén. Ảnh: Khuyên Vy
Gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi ngày đầu lấm lem bụi đất, lọ mọ ngồi trên xe ca lúc lắc, ngả nghiêng trên đường đèo quanh co khúc khuỷu từ T.P Vinh ngót 250 km để lên đây. Ông Cao Tiến Tấn, quê huyện Đô Lương là Bí thư Huyện ủy hồi đó đón tôi vào một căn phòng cấp 4, kê mấy chiếc giường đơn, chăn, chiếu ẩm mốc. Đêm xuống, mình tôi với cây đèn dầu, không có đèn pin nên không dám ra khỏi phòng, vì đi ra 100 mét đã là vực sông Nậm Mộ, ngược lên 50m đã ra tới Quốc lộ 7, sừng sững núi. Bên chiếc đèn dầu, khuya nghe tiếng chim “khó khăn khắc phục” trên núi vọng về. Ngồi trò chuyện,  ông Cao Tiến Tấn chỉ có 3 điều ước cho huyện Kỳ Sơn: Điều ước thứ nhất là giao thông; thứ hai giao thông và điều ước thứ ba cũng giao thông.  
Ba mươi năm sau trở lại Mường Xén, những điều ước của ông cựu Bí thư Huyện ủy đã hiện hữu một phần: Con đường ô tô lên tới các xã Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống... Điện lưới quốc gia thắp sáng lung linh như sao sa giữa đại ngàn phố núi miền biên ải...   
Bây giờ ngoài nhà nghỉ 2 tầng to nhất ở Mường Xén cột bằng gỗ đinh hương, ván thưng hoàn toàn bằng gỗ pơ mu thơm phức của “ài” (anh) Phanh là một loạt nhà ở, nhà nghỉ 2 tầng, nhà hàng ăn uống, cà phê, karaoke... của người Kinh, người Thái, người Mông, cả người Khơ Mú nữa chen chúc soi bóng xuống sông Nậm Mộ. Mường Xén đã hiện rõ dáng dấp của một phố núi. Cánh lái xe quá cảnh sang Lào luôn dừng lại ngủ đêm nên Mường Xén cũng bớt cô quạnh hơn xưa. Chợ Mường Xén xập xệ mấy lần bị hỏa thiêu nay được xây dựng lại khang trang hơn. Đặc sản người miền xuôi ưa chuộng ở chợ đó là rau cải Mông, khoai sọ, bí xanh và măng đắng... Tôi mân mê con dao mũi nhọn hoắt sáng loáng, cán bằng sừng trâu bọc đồng của người Mông trên Mường Lống mang xuống bán. Tôi gặp chàng trai người Mông làm nghề xe ôm Vừ Bá Tủa đang cùng mấy đồng nghiệp đón khách, chào mời đon đả: “Lên Mường Lống chơi rồi mua dao luôn, trên đó nhiều cái đẹp và rẻ hơn, đi nhé!” Tôi mỉm cười lắc đầu. Tủa nổ máy, lao vút đi đón một người khách bên đường đang vẫy. Thị trấn Mường Xén bé bằng bàn tay mà có hơn 100 chiếc xe ôm. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe ca chở khách ngược xuôi, sáng ở Vinh, trưa đã có mặt ở Mường Xén. “Nền” kinh tế ở đây chủ yếu là thương mại dịch vụ, chợ Mường Xén có đến 70% tư nhân từ dưới xuôi lên buôn bán…
Nỗi lo bên miệng “hà bá”
Đi bộ 30 phút hết gần 2 cây số từ đầu đến cuối thị trấn. Tiếng là miền núi đất rộng, vậy mà Mường Xén vẫn chưa có chỗ đổ rác hợp lý, phải đổ tạm ở cuối thị trấn để khi đổ mưa thì  trời… xử lý. Người dân Thị trấn Mường Xén vẫn chưa quên nỗi kinh hoàng của cơn lũ quét lịch sử xẩy ra vào ngày 24 và 25/6/2011. Năm đó, mưa lớn từ thượng nguồn, nước sông Nậm Mộ dâng nhanh cuồn cuộn đổ về làm ngập, cuốn trôi nhiều nhà dân, trường học, bưu điện ở Thị trấn Mường Xén. Anh Cao Xuân Thái, giáo viên Trường THPT dân tộc nội trú Kỳ Sơn nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng về cơn lũ quét: “Vào sáng 25/6 trời mưa không to, đến gần 12 giờ  bất ngờ thấy nước dồn dập đổ về, cuồn cuộn chạy xiết. Hai vợ chồng vội vàng gửi con trên cao, chạy xuống chỉ kịp vơ lấy được mấy bộ quần áo, một ít chăn màn. Đến gần tối nước dâng cao ngập nhà trôi hết, trắng tay không còn gì!”. 
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hải Thành nhớ lại, hôm đó lũ từ thượng nguồn đổ về quá bất ngờ, nhiều người dân chỉ kịp chạy thoát thân lên núi cao. Nước rút, toàn thị trấn phủ một lớp đất bùn dày đặc. Hơn 800 ngôi nhà dân nằm dọc sông Nậm Mộ  bị ngập và 10 trường học bị nước bùn bao phủ, nhiều cầu treo trên sông Nậm Mộ bị cuốn trôi và hư hỏng. Ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng... 
Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Hàng năm vào mùa mưa lũ, nhiều nhà dân ở dọc hai bên bờ sông Nậm Mộ, đoạn chảy qua khu vực Thị trấn Mường Xén và các bản ven sông thuộc xã Hữu Kiệm lại lo âu, thấp thỏm. Lo là lo vậy nhưng do độ dốc quá lớn, địa hình phức tạp không có mặt bằng ở cách xa sông nên đành liều làm nhà gần mép sông. Thị trấn Mường Xén nhỏ hẹp nằm dọc theo Quốc lộ 7, một bên giáp núi, một bên giáp sông Nậm Mộ. Phía giáp núi có độ dốc lớn, việc san ủi mở rộng mặt bằng cho dân cư không mấy dễ dàng; khu vực giáp sông Nậm Mộ rộng nhất ra đến mép sông chưa đầy 100m. Hiện ở khu vực khối 1, khối 4, khối 5 thị trấn và bản Khe Tỳ, vùng Bệnh viện, thuộc xã Hữu Kiệm có nhiều nhà nằm chênh vênh ngay mép sông.
Cuối thị trấn nhiều nhà nằm ngay trên nền đất mướn kè tạm bợ. Phía tả ngạn địa hình cũng rất dốc, chỉ đủ mở một con đường, mép ta luy dương cao ngất và một bên là vực thẳm. Huyện đã lập dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Nậm Mộ dài khoảng 4 km, đoạn Thị trấn Mường Xén và xã Hữu Kiệm đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2011. Nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để triển khai. Mùa mưa lũ đã đến, tính mạng và tài sản người dân ven sông luôn bị rình rập bởi những trận lũ quét. 
Đứng trên cầu Huồi Giảng nhìn lên đỉnh núi Pu Lon mây phủ trắng đục. Pu Lon cao 1.600m so với mặt biển có hàng nghìn mét khối gỗ pơ mu mà vẫn nghèo. Thì huyện Kỳ Sơn này lâu nay vẫn được xếp vào tốp huyện nghèo nhất nước. Mọi người đều ngẫm ra 2 nguyên nhân chính khiến Kỳ Sơn nghèo: Không có điểm xuất phát; mọi thu nhập hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế hộ mà kinh tế hộ còn luẩn quẩn khép kín… bằng phát nương làm rẫy; Một số chương trình đầu tư của Nhà nước chưa hiệu quả. 
Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy ra chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên trực tiếp giúp một hoặc nhiều hộ thoát nghèo, UBND tỉnh kêu gọi mỗi đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ một xã nghèo của huyện Kỳ Sơn.  Từ các chủ trương trên hy vọng sẽ là “cú hích” cho Kỳ Sơn từ chỗ hết nghèo vượt lên dẫn đầu tốp huyện rẻo cao của Nghệ An. Tôi mang theo niềm tin ấy về xuôi!... 
Ghi chép của Minh Thư

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.