Trở lại Piêng Lâng
Đầu bản, dưới bóng cây đa đã hàng trăm năm tuổi, cô giáo Lê Thị Xoan, quê Hưng Hoà (TP Vinh) vừa ra trường đã được điều lên cắm bản, đang cùng các cháu học sinh chơi trò gieo hạt: "gieo hạt rồi hạt nảy mầm, cây ra lá rồi cây ra hoa kết quả...". Một góc bản mới Piêng Lâng
Lớp học của cô có 12 cháu được chia làm 2 nhóm. Nhóm từ 2- 4 tuổi và nhóm 5 tuổi. Cô đang tập cho các cháu làm quen dần với cách sinh hoạt tập thể. Lán bên cạnh thầy Lữ Văn Cảnh đang dạy tập đọc cho các em lớp 1. Lớp của thầy có 13 học sinh, cũng ghép từ 2 lớp: 6 cháu học lớp 4 và 7 cháu học lớp 1. Theo thầy Cảnh thì các cháu ở đây chăm học, không có hiện tượng bỏ học như ngoài điểm chính vì trường quá xa bản. Chuẩn bị Tết cho các em, ban giám hiệu nhà trường đã "tranh thủ" được cho mỗi em một bộ quần áo và một đôi dép. Thế là Tết này lũ học trò nhỏ đã có quần áo mới. Theo thầy Nguyễn Thế Cầm, phó hiệu trưởng thì để kịp khai giảng năm học mới nhà trường cùng với trưởng bản vận động bà con vào rừng chặt tre nứa dựng tạm trường học cho các cháu. Tuy đang là nhà tranh vách nứa, nhưng đã có điểm để các cháu học tập. Chứ chờ trường học của các dự án thì không biết đến bao giờ.
Vào bản, Bí thư bản Ngân văn Thơ dẫn tôi đi bản mới. Ông dẫn tôi vào từng nhà thăm nơi ăn chốn ở của bà con. Ông bảo đố nhà báo biết bản mới có gì khác. Tôi đang phân vân thì ông nói ngay: chuồng nuôi gia súc đã được đưa ra khỏi khu vực nhà ở. Đây là một điều khó mà không phải bản nào cũng làm được. Lúc đầu cũng khó vận động, nhưng chi bộ đề nghị đảng viên làm trước cho bà con học tập, cộng với sự đôn đốc thường xuyên của ban dự án. Từ một vài nhà làm, thấy tiện ích, cả bản đều làm theo. Chuồng trâu bò, lợn gà, nhà vệ sinh đã được quy hoạch tách khỏi nhà ở nên bản làng sạch sẽ, phong quang hơn. Rồi ông kể với tôi chuyện ban định canh hỗ trợ bà con dân bản một con trâu, một con lợn làm lễ cầu yên, từ đó đến nay mọi người đều yên cái bụng. Tinh thần phấn khởi, phong trào dễ dàng thực hiện hơn. Từ việc vào rừng lấy tre nứa về dựng trường học cho con trẻ, đến việc mở đường giao thông trong bản, hay là việc xây dựng chuồng trâu bò tách ra khỏi nhà ở, bà con rất tự giác chấp hành.
Người dân Piêng Lâng làm bếp kịp đón tết
Ghé nhà ông Ngân Củ Vinh, là người cao tuổi nhất bản. Ông Vinh cho chúng tôi biết gia đình ông lên đây từ tháng 3. Nơi ở mới phong quang mát mẻ nên ông rất thích. Năm nay nhà ông sản xuất được chừng 2 tấn lúa. Ngoài ra còn làm được khu vườn rừng rộng chừng 30a, trồng gừng, đu đủ, cỏ voi, sắn, ngô... Đây là vườn làm tạm chờ khi dự án chia đất xong ông sẽ làm vườn lớn hơn. Tết này ông ở trên này ăn Tết cùng bà con bản mới. Chiều Ba mươi về cúng ông bà ở bản cũ xong lại lên, vì cái bàn thờ tổ tiên đang để dưới đó, chưa chọn được ngày dời lên Piêng Lâng được. Ông còn khoe với chúng tôi Tết này không phải lo món cá cúng tổ tiên nữa, cá ao nhà đã có sẵn, dùng không hết còn sẻ chia cho bà con trong bản.
Buổi trưa tại nhà trưởng bản lâm thời (nói lâm thời vì chưa có Quyết định chính thức thành lập bản mới) là Lô Văn Thường, chủ nhà đãi chúng tôi món vịt bầu Quỳ mà con giống do dự án cấp cho mỗi nhà 25 con. Tuy vịt nuôi cạn thịt không mềm bằng ở ngoài Kim Sơn, nhưng hương vị đậm đà hơn. Không hiểu đó là hương vị của vịt hay là hương vị của một miền đất mới giàu tiềm năng đang được đánh thức.
Ông Ngân trao đổi với chúng tôi, qua hơn 1 năm thực hiện dự án 46 trong tổng số hơn 60 hộ phải di dời đã ổn định cuộc sống nơi bản mới. Bình quân năm vừa qua mỗi hộ sản xuất được hơn 1 tấn lúa. Toàn bản đã có 162 con trâu bò. Ngoài ra mỗi hộ còn nhận được 25 con vịt, một ít cây giống từ dự án. Số cây, con này đang phát triển tốt. Gần 50% số hộ đã có ao cá v.v... Về cơ sở hạ tầng tuy chưa có điện lưới, nhưng bà con đã tìm được nguồn nước, đặt máy phát nên đã có điện dùng trong sinh hoạt, bản đã có ti vi giúp bà con nắm thông tin. Được sự hỗ trợ của huyện, con đường từ bản Pục - Méo về đây đã được sửa sang, xe ô tô đã chạy vào được tới bản. Còn trạm xá thì chưa có, mỗi khi ốm đau bà con còn phải về trung tâm xã...
Khi nói đến chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, giọng trưởng bản Thường hồ hởi hẳn lên. Năm nay Tết ở bản sẽ to. Năm ngoái mới có 3 nhà, buồn lắm. Bà con đã góp sức làm được 2 chum rượu lớn đủ vui trong 3 ngày Tết. Ngoài ra bản đã có chương trình tập luyện thể thao, văn nghệ để mời số bà con ở bản cũ lên giao lưu.
Chia tay với Piêng Lâng dào lên cảm xúc mừng cho sự hồi sinh của bản làng. Mong rằng các hạng mục còn lại của dự án được mau chóng hoàn thành để tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho bà con. Anh Hiền- cán bộ ban định canh định cư huyện- người trực tiếp chỉ đạo dự án, tâm sự với chúng tôi: Chỉ mới hơn 800 triệu đồng trong một năm cho dự án mà hiệu quả đã thấy rõ. Rồi anh so sánh với một dự án khác cũng nhằm ổn định đời sống cho bà con bị lũ quét, đó là dự án 1 tỷ đồng cải tạo đồng ruộng bị cát vùi ở bản Pục, bản Méo. Dự án đã hoàn thành, cánh đồng rộng hàng chục ha vẫn là cánh đồng "chết". Giá như số tiền đó đầu tư vào việc di dời dân, khai hoang trên Piêng Lâng thì sẽ hiệu quả biết bao?
Công Sáng