"Trở thành cô giáo để trả nghĩa cuộc đời"

21/11/2013 17:31

(Baonghean) - Vượt cầu Cây Chanh sang địa bàn xóm 3, xã Thành Sơn (Anh Sơn) người đi đường sẽ bắt gặp một ngôi nhà nhỏ mới xây nằm nép mình bên dòng sông Con. Chủ nhân là cô giáo Lương Thị Lan, người đã phải vượt qua nhiều bất hạnh trong cuộc đời để đến được với nghề giáo.

Cô giáo Lương Thị Lan miệt mài bên trang giáo án.
Cô giáo Lương Thị Lan miệt mài bên trang giáo án.

Ngôi nhà nhỏ của cô giáo người dân tộc Thái ấy chỉ độ 24m2, nằm lọt thỏm giữa đồi mía bạt ngàn. Với từng ấy diện tích, chủ nhân chỉ bố trí được 1 phòng làm việc kiêm phòng khách, 1 góc kê chiếc giường và sau cùng là không gian dành cho bếp núc. Tiếp chuyện chúng tôi, cô giáo Lan chia sẻ: “Với nhiều người, ngôi nhà này có thể quá nhỏ. Với em, đây là mơ ước cả cuộc đời...”.

Sau một thoáng trầm ngâm, Lan kể về tuổi thơ bất hạnh của mình. Mẹ sinh Lan sinh vào đầu năm 1982, khi ấy cuộc sống thiếu thốn đủ bề, ai cũng tất bật mưu sinh mà cái ăn không bao giờ có đủ. Lan cất tiếng khóc chào đời được 2 tháng thì người bố được lệnh lên đường tòng quân nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Rồi 5 tháng sau, gia đình nhận được giấy báo tử, liệt sỹ Lương Văn Cương hy sinh anh dũng khi đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trước nỗi đau mất chồng, mẹ Lan gần như quỵ ngã. Sau khi tĩnh trí, mẹ đưa Lan về nương nhờ bà ngoại. Nhà bà ngoại lúc ấy cũng nghèo lắm, nhưng vì thương con, thương cháu nên bà vẫn dang rộng vòng tay để cưu mang. Cuộc sống nghèo khó, cơ cực, nỗi đau mất đi người bạn đời không chịu nguôi ngoai đã làm cho bệnh tình của mẹ Lan ngày một nặng. Khi Lan tròn 2 tuổi, người mẹ đột ngột từ giã cuộc đời, bỏ lại đứa con thơ sau một cơn đột quỵ. Lúc ấy, Lan còn quá nhỏ nên chưa thể cảm nhận được nỗi đau mất mẹ, mất đi chỗ dựa quan trọng của cuộc đời. Đến khi Lan ý thức được điều này thì mộ mẹ cỏ đã phủ xanh, bà ngoại đã lưng còng, tóc bạc. Dẫu thương đứa cháu côi cút đến đứt lòng nhưng bà Hà Thị Xinh (bà ngoại Lan) cũng không thể nào nuôi cháu có đủ ăn, đủ mặc. Với sức lực của tuổi già, bà chỉ kiếm được ngày hai bữa cơm độn sắn, khoai. Có những hôm, hai bà cháu phải luộc chuối xanh hoặc tìm củ cây chuối, cây khủa trên rừng thay cơm. Lên 10 tuổi mà Lan vẫn gầy đét, thân hình trông như đứa trẻ mới lên 5.

Bà ngoại ngày càng yếu, không còn đủ sức chăm lo cho cháu. Trước tình cảnh ấy, cậu mợ đã đưa Lan về nhà chăm sóc, nuôi nấng. Gia đình người cậu cũng rất nghèo, nguồn thu nhập không có gì khác hơn là nương lúa, rẫy ngô. Cậu mợ quanh năm suốt tháng bám trụ với nương rẫy ở chốn rừng xa, Lan ở nhà có nhiệm vụ chăm lo việc nhà và trông giữ mấy đứa em nhỏ. Hàng ngày, thấy những đứa bạn cùng trang lứa ríu rít, ý ới gọi nhau đến trường, Lan thấy thật tủi thân và mong có được niềm vui như chúng. Mỗi lúc khát vọng đến trường lại thổi bùng lên trong tâm hồn thơ trẻ, Lan chỉ biết sang nhà bạn bè mượn sách để xem hình ảnh, rồi cùng hát theo các bạn những bài hát được cô giáo tập cho ở trường. Thấy vậy, những người hàng xóm khuyên cậu mợ cho Lan được đến trường học chữ. Có được cái chữ rồi, may chăng cuộc đời Lan sau này sẽ bớt khổ. Nghe mọi người nói có lý, dù còn khó khăn mọi bề, cậu mợ Lan vẫn mua sắm sách vở, bút mực để đứa cháu côi cút được đến trường.

Năm 11 tuổi, Lan vào lớp 1. So với độ tuổi quy định, Lan chậm mất 4-5 năm. Đến bây giờ, Lan vẫn chưa quên được kỷ niệm ngày đầu tiên ấy... Lan cao lớn nhất lớp, vẫn lấm la lấm lét ngồi vào bàn cuối, mỗi khi cô giáo đưa mắt nhìn thi tim lại đập liên hồi. Nhưng rồi, nhận được sự động viên và dạy bảo tận tình của cô giáo, Lan ngày càng tự tin và khẳng định mình trong học tập. Một buổi đến trường, thời gian còn lại giúp đỡ cậu mợ việc nhà, cứ thế Lan đã theo hết chương trình THCS. Đến đây, có thể được xem là một bước ngoặt của cuộc đời. Bởi lẽ, nếu dừng lại, Lan sẽ trở về với núi rừng, nương rẫy và bãi mía dọc sông Con. Nếu học tiếp, phải vượt chặng đường khoảng 10 km, qua sông Lam sang Trường THPT Anh Sơn 3 trọ học. Như vậy sẽ là một gánh nặng cho gia đình cậu mợ, vì càng học lên chi phí càng nhiều, chưa kể đến việc phải thuê nhà ở trọ. Một lần nữa, cậu mợ Lan lại mở rộng tấm lòng bao dung, quyết tâm cho đứa cháu của mình được học hành đến nơi đến chốn. Ba năm THPT trôi qua qua trong tình yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ của gia đình cậu mợ, thầy cô giáo và cả bạn bè.

Học xong THPT, Lương Thị Lan được ưu tiên vào học Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (ngành Sư phạm tiếng Anh) theo diện cử tuyển. Ngày thu xếp hành lý để lên đường, Lan đã khóc rất nhiều vì phải rời xa gia đình cậu mợ, cũng vì lo lắng trước cảnh sống một mình nơi đất khách quê người. Ra thủ đô nhập học, dù đã gần 25 tuổi, Lan vẫn rụt rè, vẫn tự ti vì mình là dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi xa xôi. Nhưng rồi môi trường sư phạm đã giúp cô sống cởi mở, hòa đồng và chân tình, những mặc cảm, tự ti dần được xóa bỏ.

Là con liệt sỹ, thuộc đối tượng gia đình chính sách nên các khoản đóng góp Lan đều được ưu tiên miễn giảm, lại có thêm nguồn trợ cấp hàng tháng để yên tâm học hành. Nhưng cuộc sống ở Hà Nội vốn đắt đỏ, để đảm bảo việc chi tiêu hàng ngày và mua sắm sách vở, tài liệu, thiết bị học tập, Lan đã phải rửa bát thuê cho các quán ăn sinh viên. Những lúc rảnh rỗi, cô lại xin đi phát tờ rơi để thêm thu nhập. Ấy vậy mà vào những ngày cuối tháng, số tiền dành dụm được thường cạn hết, Lan phải ăn mì tôm ngày 3 bữa. Có hôm, các bạn thấy thương quá, mời Lan một bữa cơm nhưng cô từ chối, vì hầu hết các bạn sinh viên đều chung một cảnh nghèo. Rồi 5 năm của cuộc đời sinh viên cũng qua nhanh. Năm 2010, cô gái người dân tộc Thái ở xã Thành Sơn trở thành một cử nhân Sư phạm Ngoại ngữ.

Cầm tấm bằng đại học về quê, Lan đi “gõ cửa” một số nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc những lời hứa hẹn suông. Cuối cùng, cô tìm đến Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Anh Sơn. Dù ở đây giáo viên dôi dư còn lớn, nhưng do thuộc diện ưu tiên, lãnh đạo ngành vẫn quyết định tuyển dụng Lương Thị Lan theo diện hợp đồng. Cô được phân công về dạy tại Trường Tiểu học Thành Sơn- ngôi trường hơn 20 năm trước Lan đặt những bước chân bỡ ngỡ, rụt rè. Về quê nhận công tác, Lan không có nơi để tá túc. Trước hoàn cảnh đó, nhà trường đã dành cho cô một căn phòng nhỏ ở khu nội trú.

Biết cô giáo Lương Thị Lan là con liệt sỹ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, chính quyền địa phương quyết định cấp cho cô một lô đất nhỏ. Với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng như hiện nay chỉ mới giúp cô tạm đủ chi tiêu cuộc sống hàng ngày, việc làm nhà vì thế còn rất đỗi xa vời. May mắn đã đến khi Mặt trận huyện hỗ trợ cô 20 triệu đồng để dựng nhà. Căn nhà xây, lớp ngói, rộng 24m2 vừa mới hoàn thành, tổng chi phí lên tới 60 triệu đồng, Lan còn nợ 40 triệu đồng. Công đoàn Trường Tiểu học Thành Sơn hỗ trợ kinh phí giúp cô làm giếng và xây dựng công trình vệ sinh. Mọi thứ đều còn thiếu thốn nhưng giờ đây Lan đã có được ngôi nhà làm nơi tá túc và thờ phụng bố mẹ.

Ngôi nhà nhỏ của cô Lan vừa mới hoàn thành.
Ngôi nhà nhỏ của cô Lan vừa mới hoàn thành.

Chuyện tình cảm riêng tư, vợ chồng của cô giáo Lương Thị Lan cũng đang trải qua bao nỗi truân chuyên, xa cách. Hồi còn học ở Hà Nội, Lan quen biết rồi yêu thương Hà Văn Trung, một thanh niên người dân tộc Mường ở tận huyện Phù Yên (Sơn La). Hồi đó, Trung đang học cao đẳng, chuyên ngành Kế toán. Gia đình Trung cũng rất nghèo, bố mẹ lại già yếu nên không thể lo nổi công việc và hạnh phúc cho các con. Lan về quê nhận công tác, ít lâu sau 2 người tổ chức đám cưới. Hiện tại, Trung đang làm công nhận ở Phú Thọ, một mình Lan đang chuẩn bị cho kỳ vượt cạn vào cuối năm nay.

Trong lúc kể chuyện, có lúc khóe mắt Lan rưng rưng, rồi cô sụt sùi khóc vì buồn tủi. Có lúc cô nở nụ cười thật tươi, ánh mắt chợt sáng lên và chứa chan những tia hy vọng. Đó chính là những xúc cảm mà cuộc đời cô đã trải qua. Cô ôm chầm lấy bà ngoại, người đã cưu mang cô suốt những năm còn thơ bé, khi người mẹ thân yêu trút hơi thở cuối cùng. Giờ đây, bà đã bước qua tuổi 80, không còn đủ sức lên rẫy và đang cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của Lan. Ánh mắt Lan chợt buồn và chứa đựng bao nỗi lo âu, rồi cô chia sẻ: “Bây giờ, em chỉ mong công việc được ổn định, có được mức lương đảm bảo để nuôi con. Và mong một ngày nào đó sẽ có đủ tiền để đi tìm mộ bố... Nhiều đêm nằm khóc một mình vì thương bố mẹ, cả 2 người ra đi đều không để lại một tấm ảnh đặt lên ban thờ...”.

Chia tay, chúng tôi chỉ biết nói lời động viên cô giáo Lan tiếp tục cố gắng để vượt qua những khó khăn phía trước. Lan đáp lời: “Em biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để trả nghĩa những người đã cưu mang, giúp đỡ mình và trả nghĩa với cuộc đời...”. Tiễn khách xong, Lan lại trở về với những trang giáo án. Ở đó, cô tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của đời mình...

Công Kiên

Mới nhất
x
x
"Trở thành cô giáo để trả nghĩa cuộc đời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO