Trở về
Truyện ngắn của Xuân Chuẩn
(Baonghean) - Bây giờ thì chị không còn gì để mất. Chị đã trắng tay! Ngôi nhà ba tầng, với đủ tiện nghi sang trọng, trước đây là ước mơ, khao khát của chị, bây giờ thành vô nghĩa. Mở cửa vào phòng cái cảm giác trống vắng, lạnh lẽo làm chị rợn người...
Những năm tháng mở đường Trường Sơn, ở lán ngủ sạp, có lúc sạp lát bằng cây lau cù, đêm nằm đau ê ẩm, chị chỉ ước có một tấm giường nan tre, và khao khát trong vòng tay một người đàn ông. Có đêm thức giấc, người nóng hầm hập, chị ôm chặt cái Lý, vật vã ôm chặt nó trên người. Lý kêu oai oái, tỉnh lại chị em ôm nhau khóc tức tưởi. May mà chiến tranh cũng kết thúc, chị em mỗi đứa một nơi, đứa về quê, đứa đi nông trường, chị là đảng viên, được về làm thủ kho cửa hàng bách hóa huyện này. Thời bấy giờ chỗ ấy là ước ao của bao người. Một mét vải, một chiếc lốp xe, một miếng xà phòng Liên Xô 72% phải đưa ra cuộc họp mà bình, có khi công đoàn phải tổ chức bắt thăm. Thế mà trong tay chị hàng trăm mét vải, ngàn lít dầu…Tháng nào phân dầu cũng thừa ra ít nhất bảy tám chục lít. Ngoài đồng lương, chị còn có quà cáp, còn đầu thừa đuôi thẹo, mỗi thứ một ít. Chẳng mấy năm chị thành giàu có, xa quê ở một mình, chị chẳng sắm sanh gì, chỉ mua vàng. Thời ấy trong tay có hơn chục cây vàng, không ai dám nghĩ đến. Cán bộ viên chức đến gạo chưa có mà ăn, biết tin kho có gạo người đem chiếu đến, nằm lăn lóc chực chồng sổ từ chập tối, ai dám nghĩ tới vàng.
Minh họa: Hồng Toại |
Bên cạnh kho có nhà bà Hậu, những đêm trăng sáng, ăn uống xong, chị thường đóng cửa sang chuyện vãn, lúc tấm phíp đen may quần, lúc bánh xà phòng, lúc chai dầu hỏa đem biếu bà, chị bảo tiêu chuẩn của chị không dùng hết, đem sang cho bà, dần dà thành thân quen, bà Hậu quý chị như con gái.
Bà Hậu chỉ có mình Hiền, học xong lớp 10 chưa đi được đâu. Hiền thua chị 3 tuổi. Khi nhà có bát cơm nếp mới, bát canh cá tươi, bà sai Hiền đưa sang cho chị. Lúc chị dúi vào tay Hiền hộp thuốc đánh răng, lúc miếng xà phòng chanh, lúc tấm vải, hai người thành thân thiết, thỉnh thoảng rỗi rãi Hiền cũng sang chị tâm sự. Hôm ấy trăng sáng, chị tắm xong chỉ mặc chiêc áo đông xuân mỏng, nằm thiu thiu trên giường, Hiền đẩy cửa vào, chị biết nhưng không dậy, giả ngủ. Hiền đứng cạnh giường ngây người trước tấm thân chắc lẳn, anh định quay ra để chị ngủ, chị vội quờ tay kéo Hiền lại, trái chân anh bổ nhào vào giường. Chị ghì chặt đầu Hiền vào ngực, người chị như bốc lửa, cháy rần rật, chị xé toạc chiếc áo trên người, chị đê mê trong niềm khao khát dồn nén, toàn thân như tan ra thành nước nhẹ tênh. Hiền ngủ say như đứa trẻ lần đầu được bú no, chị ôm anh vào lòng, úp mặt anh vào ngực nóng hổi phập phồng.
Thế là họ thành vợ chồng. Chị mua gạch, ngói xây ba gian nhà thay cho ngôi nhà lụp xụp. Với tuổi 27 dãi dầu, cơ thể chị như mảnh đất khô cằn, bỗng gặp mưa đất réo sôi tơi ra mầu mỡ, má chị hồng hào trở lại, ngực căng tròn, quyến rũ, chị sung sướng trước sự đổi thay ấy. Chị chợt lo lắng mỗi chiều từ cơ quan về lo cơm nước, chồng chị thất thểu vai vác cày tay dắt trâu, người bê bết bùn đất, anh chỉ kịp quẳng cày xuống đống rơm, dội ào vài gầu nước, lùa vội vài lưng cơm rồi vào giường lăn ra ngủ. Chị kéo chồng vào lòng, mùi khét từ tóc chồng làm chị xót xa, không thể để thế này được, phải giải thoát cho anh, để giữ hạnh phúc gia đình.
Một tháng chạy chọt, cầu cạnh, chị đã xin được một suất đi đại học nông nghiệp hệ địa phương gửi đi đào tạo. Ngày anh ra đi, chị chuẩn bị không còn thiếu gì: nào áo may ô quần lót vải phin, quần ka ki Trung Quốc, đồng hồ bốn đinh thủy quân lục chiến Mỹ, kính Americon…Toàn những của hiếm, chị nói với chồng:
- Thôi anh chịu khó xa em ít năm, chăm chỉ học hành thành đạt, em lại lo cho anh về đây công tác, vợ chồng lại được bên nhau, với lại cũng chẳng xa xôi gì lắm, ngày tết ngày lễ anh về với em vài ngày là được.
Hết một năm, hè anh về một tháng, chị gần như không nhận ra anh, trắng trẻo, trẻ hẳn ra, không còn là Hiền của bùn đất ruộng đồng nữa, mà đã là một thư sinh, đến giọng nói cũng đã pha trộn một vùng đất khác, một cảm giác là lạ, vừa như mừng như lo cứ day dứt chị, linh cảm người phụ nữ mách bảo chị. Anh đang xa dần cái vòng tay ôm ấp của chị, hè năm sau anh chỉ ở nhà một tuần, rồi lấy cớ phải đi thực tế xuống địa bàn. Một tháng sau chị xin nghỉ phép một mình ra trường đúng ngày chủ nhật, Chị giới thiệu là chị gái ra thăm Hiền, bạn bè cùng lớp anh mừng vui chuyện trò rôm rả.
- Hay quá! Chị ra lần này xem mặt em dâu cho cậu Hiền luôn thể.
- Tôi cũng nhận được thư em nó bảo ra có việc gấp, chắc là chuyện này đây.
- Ôi! Tốt quá chị ạ! Anh Hiền với chị Đào lên Hà Nội chơi từ chiều tối qua, chắc chỉ chiều là về thôi. Chị cố nén mà giọng cứ ứ nghẹn, run run như sắp òa khóc
- Chết thật, ở nhà công việc quá bận, thôi thì nhờ các cô, tôi gửi lại cho em nó ít quà, và nhắn hộ tuần tới Hiền về nhà có chút việc, nếu tiện thì xin cho cô Đào về luôn, ra mắt họ hàng càng tốt.
- Chị cố ở lại, thế nào chiều tối anh Hiền cũng về.
- Cảm ơn các cô, tôi còn chút việc bên Hà Nội, tôi sang đó, sáng mai kịp chuyến tầu, việc cơ quan không bỏ bê được. Nói rồi chị tất tả ra về, khỏi cổng trường, chân chị bủn rủn không bước nổi. Chị gọi xe về Hà Nội, tám giờ mới đến nơi, vào phố Cửa Nam thuê nhà trọ, suốt đêm lòng ứ nghẹn, nằm khóc tức tưởi, thế là hết. Biết làm sao bây giờ, lẽ nào bao công sức lo toan vun vén của chị là công cốc, là đổ sông đổ biển, hay chị đã lầm lẫn!
- Một tháng sau Hiền về, lạy lục xin chị tha thứ, anh bảo Đào đã biết anh có vợ, Đào bỏ anh rồi. Thôi thì ngậm bồ hoàn làm ngọt “xấu chàng hổ ai!”. Chị cắn răng chịu đựng, còn hơn một năm, chị sẽ lo kéo anh về. Chị biết ông Sinh phó chủ tịch huyện, là anh em họ xa của Hiền, lân la làm quen vợ Sinh, lúc tấm vải hoa, lúc can dầu, dần dà chị em thân nhau. Mấy lần chị đến vào bữa cơm, chị mua sẵn ít thức ăn chín, kèm chai rượu chanh, xin đươc ăn cơm cùng anh chị, dần dần Sinh coi chị như người nhà, qua chuyện trò, chị hở ra việc lo lắng muốn xin cho Hiền về huyện.
- Cô thì cứ lo xa, khi nào nó tốt nghiệp, việc đó anh lo, Phòng Nông nghiệp đang thiếu cán bộ có bằng cấp.
- Được thế thì vợ chồng em ơn anh suốt đời!
- Ơn huệ cái gì, anh em trong nhà phải lo cho nhau, cô yên tâm đi! À này công việc bên ấy có vất vả không? Lâu nay anh cũng không sang thăm cô được.
- Mời anh hôm nào rỗi sang em chơi, anh cần gì cứ bảo. Với lại thủ trưởng quan liêu vừa thôi, không chị em tôi phê bình cho đấy. Câu nói vui cũng là câu mời thân thiết, làm quan hệ đôi bên thêm gần gũi. Từ đó lúc đôi lốp, lúc vài chai rượu chanh, vài cân kẹo Hải Châu, tối tối Sinh rẽ vào kho, chị đã gói sẵn, buộc vào xe cho Sinh…
Hiền ra trường, và về huyện mọi việc êm thấm, cứ thế vài năm Hiền lên trưởng phòng, rồi sang làm giám đốc một lâm trường, đường công danh như diều gặp gió mà chị là người giật dây. Sinh về hưu. Mọi việc lặng lẽ, năm tháng trôi đi êm ả! Hai con đã lớn , tiền của cứ chảy vào nhà như nước. Dự án nọ, dự án kia, tiền bạc mỗi ngày một nhiều. Chị xin về hưu, an hưởng tuổi già. Đời mấy ai được thế, chồng danh giá, giàu có, con khỏe mạnh, chị chỉ còn ao ước con học giỏi, vì hai đứa đều cậy tiền bố mẹ lo hết nên chểnh mảng việc học...
Sau năm Liên Xô tan vỡ, một số lao động xuất khẩu mất việc, chẳng biết manh mối nào, một số đến tìm chị, nhờ chị xin vào cơ quan anh. Nào ngờ con Luyến quá lứa lỡ thì, tóc quăn, mỏ đỏ, váy ngắn váy dài, về làm văn thư đã cướp chồng chị. Mấy ngày Hiền không về, chị đã nghi, giữa trưa chị đạp xe vượt dốc lên cơ quan, cửa phòng khép hờ, lặng lẽ xô cửa, thì thấy hai người đang quấn vào nhau. Chị quay về, đau đớn, chết điếng. Thế là hết! Hiền về nem nép mở cửa, thấy vợ gần nằm giữa nhà, anh khẽ gọi: “Nưa! Nưa ơi!”, Chị nhìn thấy chồng, máu trong người lại sôi lên, từ sâu thẳm trong lòng, một sự đổ vỡ khủng khiếp. Nào chồng, nào con, đứa con mà chị hy vọng thì nay đang nằm trong trại cai nghiện, đứa thứ hai không đậu tốt nghiệp lêu lổng suốt ngày. Thế là hết! Hết thật rồi! Chị vùng dậy, hai tay đấm vào ngực, gào lên: “Còn vác xác về đây làm gì. Tiền của, chức tước ở đâu mà ra, có biết không? Ở cái thân già này đây! Chị lại đổ vật ra”.
... Chuyến tàu chiều nặng nhọc thở phì phì vào ga, giữa lác đác người trên sân ga hôm đó, có chị. Hơn một tỉ tiền bán nhà và mấy chục cây vàng, góp nhóp cả đời chị nhét vào tay nải để về quê. Con tầu rời ga, không một bóng người đưa tiễn, chị quay đầu nhìn qua cửa sổ, cây bàng rụng lá trơ cành ở sân ga cứ lùi dần lùi dần, hoàng hôn tím dần sau núi. Rồi trời đầy sao yên bình, gió thoang thoảng hương đồng nội! Bóng làng Nưa của chị hiện về chập chờn, chập chờn. Con tầu lắc lư đều đều như trôi trong mênh mang trời đất…/.