Trốn, nợ Bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp

25/03/2011 20:21

Bài 1: Thực trạng báo động

Vấn đề trốn, nợ BHXH của các DN trong tỉnh đã được nhắc đến khoảng 5 năm trở lại đây và đã trở thành một "vấn nạn"khó giải quyết. Đến tháng 2 năm 2011, BHXH tỉnh vẫn đang là "chủ nợ" với số tiền nợ lên đến hàng chục tỉ đồng...


Theo báo cáo của cơ quan BHXH tỉnh, hiện tại, tỉnh ta có gần 7 nghìn DN, với tổng số hơn 266 nghìn lao động, trong đó có 4.694 DN ngoài quốc doanh, 204 nghìn lao động. Tuy vậy, tính đến ngày 31/12/2010, chỉ có 2.302 DN (chiếm tỉ lệ hơn 32%) với hơn 74.300 lao động tham gia đóng BHXH, BHYT và BHTN, trong đó có 1.723 DN ngoài quốc doanh với hơn 43 nghìn lao động. Như vậy, trên địa bàn tỉnh có tới 68% DN với rất nhiều lao động đang làm việc nhưng chưa tham gia đóng BHXH. Ngoài những DN thực hiện cổ phần hóa, có sự chuyển đổi, sắp xếp lao động nên chậm đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ, những DN đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động hoặc đã giải thể... thì tính đến 25/2 còn đến 271 đơn vị nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ là 26,877 tỉ đồng, 48 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên với tổng số nợ là 20,210 tỉ đồng và 31 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với tổng số nợ 16,661 tỉ đồng. Ngành Xây dựng là nơi tập trung nhiều nhất DN nợ BHXH, tiếp đó là các ngành Giao thông - Vận tải, Khai thác khoáng sản, Thủy sản...


Lao động ngành Xây dựng là lĩnh vực vất vả nhưng quyền lợi người lao động chưa được một số doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
Ảnh: Đặng Đình Nhật

Trong số các DN điển hình nợ BHXH phải kể đến Công ty cổ phần công nghiệp ô tô Trường Sơn (thuộc Tổng Công ty ô tô Việt Nam Vinamotor). Công ty này có trụ sở ở Khu công nghiệp Bắc Vinh, ban đầu có hơn 200 lao động nhưng do làm ăn thua lỗ, công ty đã ngừng hoạt động từ tháng 4/2008 và đến nay chỉ còn 12 lao động. Thời gian nợ BHXH của Công ty hơn 13 năm và số tiền nợ là 1,282 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn phải kể đến Công ty nạo vét đường biển 2 có 179 lao động, nhưng đã hơn 30 tháng nay chưa đóng BHXH cho NLĐ; số nợ BHXH của Công ty nạo vét Đường biển 2 đã lên đến hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, trong danh sách của BHXH tỉnh còn có Công ty cổ phần xây dựng và tư vấn thiết kế cầu đường Nghệ An nợ 33,76 tháng với số tiền 3,086 tỉ đồng; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 24, nợ 2,298 tỉ đồng; Công ty cổ phần xây dựng 484 nợ 1,965 tỉ đồng; Công ty công trình giao thông miền Trung nợ 1,791 tỉ đồng; Công ty XNK Thủy sản Nghệ An nợ 1,402 tỉ đồng; Công ty cổ phần vận tải tàu thủy Nghệ An nợ 1,175 tỉ đồng... Điều đáng nói là bên cạnh những DN không trích tiền lương của NLĐ để nộp cho cơ quan BHXH thì có nhiều DN hàng tháng vẫn trích tiền đóng BHXH của NLĐ qua tiền lương nhưng lại sử dụng vào việc khác, điển hình là các đơn vị: Công ty Nạo vét đường biển 2, Công ty cổ phần Xây dựng và tư vấn thiết kế cầu đường Nghệ An, Công ty Công trình giao thông 473, Công ty cổ phần Xây dựng công trình 484...

Qua tìm hiểu, lý do "muôn thuở" mà DN đưa ra để giải thích cho việc vi phạm Bộ Luật Lao động, Luật BHXH là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hoặc do công trình xây dựng đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán tiền... Tuy vậy, trừ các doanh nghiệp thực sự khó khăn, làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả lương cho lao động cũng như đóng BHXH thì đối với nhiều DN, lý do trên chỉ là ngụy biện.

Ngoài lý do trên, các DN cũng có nhiều cách "lách luật" để trốn nộp BHXH. Theo ông Ngô Ngọc Thanh - Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) thì một trong những cách trốn nợ BHXH phổ biến là tình trạng đóng BHXH thấp hơn tiền lương thực tế ghi trên HĐLĐ. Theo Luật BHXH thì tiền lương, tiền công hàng tháng được trích đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động. Các DN không thực hiện nâng bậc lương thường xuyên cho NLĐ theo quy định mà tăng các khoản chi trả khác ngoài lương để giảm chi phí đóng BHXH.

Ngoài ra, một "chiêu thức" khác được nhiều DN sử dụng là không ký hợp đồng với NLĐ hoặc ký hợp đồng dưới 3 tháng, với những công việc có tính chất thường xuyên, vừa để trốn tránh trích nộp BHXH, vừa để dễ dàng chấm dứt hợp đồng lao động khi cần, đồng thời giảm các chi phí bắt buộc cho DN khi chấm dứt hợp đồng theo quy định của Luật Lao động và cũng để dễ bề đối phó khi có thanh tra, kiểm tra. Một ví dụ điển hình là DN tư nhân Hòa Hải - một DN kinh doanh vận tải có trụ sở ở phường Đông Vĩnh (Tp Vinh). DN này sử dụng hơn 20 lao động nhưng không có bất cứ hợp đồng lao động nào, vì vậy NLĐ trong DN này không được tham gia BHXH, BHYT. Tương tự là trường hợp của Công ty may Minh Anh Kim Liên, sử dụng trên 500 lao động nhưng chỉ ký hợp đồng 165 người. Ngoài ra còn có rất nhiều DN không ký hợp đồng lao động với trên 50% lao động, phổ biến là các DN trong ngành Xây dựng và Khai thác khoáng sản. Vì vậy mà các cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát việc kê khai lao động thuộc diện tham gia đóng BHXH bắt buộc và cũng như tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHTN tại các DN này. Bên cạnh đó, một số DN còn đăng ký đóng BHXH cho số lao động thấp hơn số lao động thực tế làm việc tại đơn vị.

Cùng với những "chiêu thức" đối phó trên, kẽ hở của Luật BHXH cũng vô tình tạo điều kiện cho các DN chây ì nợ BHXH. Theo Luật BHXH, khi DN chậm nộp BHXH quá thời hạn quy định thì phải nộp lãi chậm đóng cho cơ quan BHXH là 10,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này thấp hơn nhiều so với lãi suất của ngân hàng, lại không phải làm thủ tục thế chấp nên nhiều DN cố tình trích nộp BHXH chậm, trong khi vẫn thu 5% tiền lương của NLĐ để sử dụng vào sản xuất kinh doanh, chấp nhận nộp lãi chậm đóng BHXH.

Đó là những cách lách luật mà các DN thường sử dụng để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với NLĐ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, đồng thời biến cơ quan BHXH tỉnh thành "chủ nợ" bất đắc dĩ với chặng đường đòi nợ đầy gian nan nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

(còn nữa)


Minh Quân

Mới nhất
x
Trốn, nợ Bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO