Trốn, nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp

28/03/2011 10:42

Bài 2: Ai bảo vệ quyền lợi người lao động?

Bài 2: Ai bảo vệ quyền lợi người lao động?

Hiện nay, BHXH tỉnh chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng lao động không được đóng BHXH tại các đơn vị trốn, nợ BHXH. Tuy nhiên, với số tiền nợ BHXH hàng chục tỉ đồng, có thể hình dung số người bị vi phạm quyền lợi theo Luật Lao động cũng lên tới hàng chục nghìn người...

Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập đến trường hợp Công ty Cổ phần Công nghiệp ô tô Trường Sơn - đơn vị nợ BHXH lâu nhất với thời gian nợ lên đến hơn 13 năm. Công ty này ban đầu có hơn 200 công nhân; đến tháng 4-2008, do làm ăn thua lỗ, Công ty phải đóng cửa hoàn toàn, tất cả các công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều đáng nói là đến lúc đó, số công nhân trên mới biết rằng sau nhiều năm làm việc cho công ty, họ không được công ty đóng BHXH. Ông Nguyễn Bá Hoàng - nguyên công nhân của Công ty bức xúc cho biết: "Công ty trả lương cho chúng tôi thấp, lại còn trừ tiền đóng BHXH. Đến khi Công ty không còn khả năng trả lương, chúng tôi muốn chuyển sang làm nơi khác, đến hỏi cơ quan BHXH thì mới biết rằng do Công ty nợ BHXH nên chúng tôi không có sổ. Chúng tôi đã viết đơn kiến nghị, khiếu nại nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết".

Ngoài Công ty cổ phần ô tô Trường Sơn, có nhiều doanh nghiệp khác làm ăn thua lỗ hay phải ngừng sản xuất như Công ty nạo vét đường thủy 2, Công ty Công trình Giao thông miền Trung.... Khi người lao động (NLĐ) của các đơn vị này đến cơ quan BHXH lấy lại sổ bảo hiểm chuyển đến đơn vị mới để tiếp tục đóng bảo hiểm thì không được rút sổ do đơn vị đang còn nợ tiền bảo hiểm. Không những bị mất việc, không được lấy sổ bảo hiểm xã hội mà các quyền lợi khác, người lao động (NLĐ) cũng không được hưởng.

Theo số liệu báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTBXH và BHXH tỉnh thì đến hết năm 2010, toàn tỉnh mới chỉ có 10% NLĐ tham gia BHXH - thấp so với chỉ tiêu chung của cả nước (?!). Ông Nguyễn Đăng Dương- Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: "Khi doanh nghiệp trốn, nợ BHXH, NLĐ sẽ không được hưởng các quyền lợi chính đáng như chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khám chữa bệnh BHYT và chế độ mới nhất là Bảo hiểm thất nghiệp. Còn trường hợp doanh nghiệp đăng ký mức lương đóng BHXH của NLĐ thấp hơn mức lương thực tế được hưởng sẽ ảnh hưởng tới mức lương hưu của NLĐ khi về hưu. Khi DN nợ đóng BHXH, cơ quan BHXH chỉ tiến hành giải quyết chế độ và chốt sổ BHXH cho NLĐ tại thời điểm DN ngừng đóng BHXH và việc này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi ngắn hạn cũng như việc tính thời gian đóng BHXH của NLĐ khi về hưu".

Theo ông Phan Sỹ Dương - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH. Hầu hết NLĐ trong các DN không ý thức được quyền đòi hỏi ký hợp đồng lao động, quyền đóng bảo hiểm xã hội đúng, đủ...Họ mới chỉ quan tâm đến mức lương, nhận lương đúng thời hạn chứ chưa biết được mình đã được đóng BHXH hay chưa, đóng bao nhiêu phần trăm trong lương tháng. Khi biết quyền lợi của mình bị vi phạm thì chỉ có các vụ khiếu nại đơn lẻ chứ chưa có đấu tranh mang tính tập thể.

Mặt khác, cũng do nhận thức về Luật Lao động và chính sách BHXH còn hạn chế, cộng thêm với sức ép về việc làm, thu nhập nên nhiều lao động chưa mặn mà với việc tham gia BHXH. Thậm chí trong nhiều trường hợp họ còn phản đối khi thấy tiền lương của mình bị trừ đi 6% để đóng BHXH và chính điều này đã vô tình "tiếp tay" cho DN trốn tránh nộp BHXH.

Theo ông Nguyễn Chí Tuyến - Phó Giám đốc BHXH tỉnh thì để đảm bảo quyền lợi về BHXH cho NLĐ, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, Luật Lao động, chính sách BHXH cho cả NLĐ và chủ sử dụng lao động. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ. Nếu các biện pháp trên không hiệu quả thì thì chỉ có sự can thiệp của pháp luật mới hy vọng đòi lại quyền lợi hợp pháp cho NLĐ.

Năm 2010, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn trực tiếp cho 1.020 lượt công nhân lao động và cán bộ công đoàn cơ sở về Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn Nghệ An đã tiếp nhận và tư vấn trực tiếp 40 phiên cho 52 lượt DN và cá nhân về các chế độ chính sách liên quan đến BHXH, tiền lương, hợp đồng lao động...


Minh Quân

Mới nhất

x
Trốn, nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO