Trồng cải xà lách an toàn
Cải xà lách (lettuce) vốn rất quen mắt với chúng ta ngày nay đã khởi đầu bằng một “thân phận buồn” vì bị người đời xem như những đám cỏ dại ở khu vực Địa Trung Hải. Thế rồi xà lách có được vị trí đường hoàng ở trong đĩa thức ăn của con người cách nay khoảng 4.500 năm.
Xà lách cũng đã hiện diện tự hào trong những bức họa ở những lăng mộ cổ Ai Cập. Xà lách đã được các học giả Hy Lạp phân thành nhiều loại khác nhau. Nhà thám hiểm Christopher Columbus đã giới thiệu xà lách đến “thế giới mới” (châu Mỹ). Từ đó xà lách được trồng ở châu lục này. Đến hôm nay xà lách được xem là “đại sứ” của… rau cải, hiện diện khắp nơi trên thế giới. Hiện tại có khoảng sáu loại xà lách khác nhau.
Dù là loại nào thì xà lách cũng là loại rau cải rất giàu chất dinh dưỡng. Cứ 100 gam xà lách sẽ cung cấp khoảng 2,2 gam carbohydrate, 1,2 gam chất xơ, 90 gam nước, 166 microgram vitamin A, 73 microgram folate (vitamin B9). Xà lách còn chứa rất nhiều muối khoáng với những nguyên tố kiềm, nhờ đó giúp cơ thể “dọn dẹp” máu, giúp tinh thần tỉnh táo và giúp cơ thể tránh được nhiều bệnh tật.
1. Giống
- Sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương và được thị trường chấp nhận.
- Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc trừ sâu . Có thể ngâm hạt giống trong nước ấm có pha với phân bón lá (khoảng 1cc/1 lít nước), sau 3-4 giờ vớt ra để ráo nước rồi ủ, sau đó đem đi gieo.
- Gieo hạt: gieo trên liếp ương sau đó nhổ cây đem đi cấy ra liếp trồng. Tuổi cây con 20-25 ngày.
Sau khi gieo hạt, nên phủ 1 lớp đất mỏng đã trộn phân chuồng hoai, rắc một ít thuốc trừ kiến, các sâu hại khác, phía trên phủ một lớp rơm mỏng và tưới đủ ẩm.
- Trước khi nhổ cây cần tưới ướt đất bằng phân DAP pha loãng (30g/10lít nước).
2. Thời vụ
Xà lách cuộn trồng trong vụ Đông Xuân. Xà lách không cuộn có thể trồng được quanh năm, nhưng trong mùa khô cho năng suất cao. Về mùa mưa cần phải làm giàn che để không bị giập lá.
3. Chuẩn bị đất
- Có thể trồng cải xà lách trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng phải được tưới tiêu tốt.
- Đất cần phải được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng từ vụ trước, nếu có điều kiện nên đảo đất và phơi ải 8-10 ngày để đất thông thoáng, giúp cây sinh trưởng tốt, đồng thời hạn chế sâu bệnh cư trú trong đất.
- Trong mùa mưa, cần chọn trồng những giống chống chịu mưa, nên phủ rơm hoặc dùng lưới nylon che để hạn chế đất bắn lên lá, đồng thời hạn chế sâu bệnh, cỏ dại.
- Liếp rộng 0,8-1m cao 10-15cm, mùa mưa lên liếp cao hơn, khoảng 20cm giúp thoát nước tốt, rễ cải không bị ngập úng.
* Không nên trồng liên tục nhiều vụ họ cải trên cùng một chân đất
4. Khoảng cách trồng
- Vụ Đông Xuân: 15x18cm hoặc 15x15cm.
- Vụ Hè Thu: 12x15cm hoặc 12x12cm.
5. Bón phân (tính 1.000m2)
- Bón lót: Phân chuồng hoai mục 1,5 -2 tấn; phân lân 10kg; bánh dầu 30kg.
- Bón thúc:
+ Lần 1 (7 ngày sau trồng) : Hòa 5-6kg urê vào nước để tưới.
+ Lần 2 và 3: Nên dùng phân bón lá (cách nhau 5-7 ngày).
6. Phòng trừ sâu bệnh
Qua những vùng thí nghiệm thì cải xà lách rất ít sâu hại nên hạn chế phun thuốc trừ sâu để đảm bảo rau được an toàn.
Trồng cải xà lách thường gặp một số bệnh hại chủ yếu như: Bệnh chết cây con (Pythium sp., Rhizoctonia sp., Sclerotium sp.), bệnh thối bẹ (Slerotim rolfsi Rhizoctonia sp.), thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora), nhìn chung các loại bệnh này gây hại không nghiêm trọng lắm trên ruộng trồng. Biện pháp phòng trị giống như cải bẹ xanh
7. Thu hoạch
- Sau trồng 30-40 ngày có thể thu hoạch.
- Nên thu hoạch lúc sáng sớm hoặc chiều mát…
Theo trongraulamvuon - LY