Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nữ
(Baonghean) - Một trong những khâu đột phá trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ huyện Quỳ Châu (Nghệ An) nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, trong đó chú trọng cán bộ nữ.
Những “hạt nhân” ở cơ sở
Châu Thuận là xã duy nhất của Quỳ Châu có Bí thư Đảng ủy và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy đều là nữ. Trong chuyến thực tế ở đây, câu chuyện của chúng tôi với đồng chí Lữ Thị Mai - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã liên tục bị gián đoạn bởi có khá nhiều cán bộ, bí thư các chi bộ đến gặp, trao đổi và xin ý kiến công việc. Chứng kiến vị nữ bí thư đảng ủy này nhiệt tình, niềm nở hướng dẫn tận tình từng người một, chúng tôi hiểu vì sao đồng chí lại có uy tín cao trong cán bộ, đảng viên ở địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Châu Thuận Lữ Thị Mai thường xuyên trao đổi công việc để kịp thời nắm bắt tình hình. Ảnh Mỹ Nga |
Trước thực tế xã nhà là địa phương thuần nông, với 98% đồng bào dân tộc Thái, đời sống còn khó khăn do bà con chỉ trông chờ vào cây lúa, vì vậy ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Đảng ủy xã Châu Thuận Lữ Thị Mai bàn với cấp ủy, cùng với UBND xã triển khai vận động bà con thay đổi tư duy, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tập trung phát triển vào 4 mũi nhọn: trồng lúa, trồng mía nguyên liệu, trồng rừng và cây rễ hương. Để tạo động lực, Đảng ủy xã chỉ đạo chọn một số bản làm điểm như: mô hình chăn nuôi lợn, bò tại bản Bông 1, trồng cây rễ hương tại bản Bông 2, trồng mía tại bản Noọng Hằng...
Với sự tích cực vận động của các cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận, cần cù của người dân, đời sống bà con khá dần lên, việc đóng góp xây dựng nông thôn mới chuyển biến tốt; nếu như đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của xã Châu Thuận là 50% thì đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 30,5%.
“Lúc đầu nhìn vào con số, mọi người thực sự “e ngại" bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Thực tế, nội lực của người dân còn hạn chế, nhưng cái gì có lợi cho dân thì làm”.
Người dân xã Châu Thuận trồng rễ hương và chăn nuôi trâu bò. Ảnh: Mỹ Nga |
Xác định những tiêu chí khó đạt như nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, với cương vị là “đầu tàu", đồng chí Lữ Thị Mai luôn khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên không nản chí, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, Châu Thuận đã đạt 14/19 tiêu chí và đăng ký về đích nông thôn mới vào năm 2020.
Tại xã Châu Nga, từ tháng 4/2016, nữ cán bộ trẻ Lương Thị Tuệ (SN 1989) bắt đầu đảm nhiệm cương vị tại Văn phòng Đảng ủy, kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã. Là người dân tộc Thái, tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Luật Huế, đồng chí Lương Thị Tuệ là trí thức trẻ được thu hút về làm việc tại địa phương.
Được đào tạo, trưởng thành từ khi còn tập sự ở Văn phòng Đảng ủy, nên trên cương vị mới Lương Thị Tuệ có nhiều kinh nghiệm xử lý công việc thường ngày ở xã, giúp việc đắc lực cho thường trực đảng ủy điều hành hoạt động hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga - đồng chí Võ Anh Tuấn nhận xét: So với nam giới, cán bộ nữ có phần vất vả hơn, cái khó của Văn phòng cấp ủy là phải “thạo việc cấp mình, biết việc cấp trên", được rèn luyện, thử thách từ thực tiễn nhiều nên đồng chí Lương Thị Tuệ trưởng thành nhiều mặt, đáp ứng được yêu cầu công tác.
"So với nam giới, cán bộ nữ có phần vất vả hơn".
Chúng tôi cũng có mặt, chứng kiến không khí thảo luận sôi nổi, cởi mở tại cuộc giao ban định kỳ với các bí thư chi bộ tháng 4 ở Đảng bộ xã Châu Bính. Các bí thư chi bộ nữ đề xuất được nhiều giải pháp cụ thể cho những chủ trương, kế hoạch của địa phương như xây dựng nông thôn mới, công tác giáo dục, quản lý đảng viên...
Bí thư Đảng ủy xã Châu Bính trao đổi với các nữ bí thư chi bộ sau cuộc giao ban định kỳ hàng tháng. Ảnh: Mỹ Nga |
Bí thư Đảng ủy xã Châu Bính - đồng chí Vi Đại Thắng cho hay: “Tại địa phương hiện nay, số lượng nam giới đi làm ăn xa nhiều, phụ nữ nông thôn phải trực tiếp lo gánh nặng gia đình. Do đó, phụ nữ trở thành nguồn nhân lực chính trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Thực tiễn triển khai công việc cho thấy, những bí thư chi bộ nữ có nhiều ưu thế, vừa nhiệt tình, chỉn chu, năng động, vừa có cách lãnh đạo mềm dẻo, đạt hiệu quả tốt”.
Nếu như trước đây, 100% bí thư chi bộ là nam thì hiện tại xã Châu Bính có 10/17 bí thư chi bộ là nữ, tất cả đã phát huy vai trò, vị thế trong điều hành, góp phần vào hoàn thành những kế hoạch xã đề ra. “Cán bộ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động chính trị, xây dựng nông thôn mới”, Bí thư Đảng ủy xã Vi Đại Thắng khẳng định thêm.
“Cán bộ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các hoạt động chính trị, xây dựng nông thôn mới”.
Ảnh: Kế Kiên |
Sàng lọc, chuẩn bị nhân sự mới
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu - đồng chí Lang Văn Xuân cho biết: Quan tâm đến cán bộ trẻ và nữ, người dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án 06/ĐA-HU ngày 28/10/2011 về đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở. Song song với đào tạo, bồi dưỡng, cấp ủy các cấp cũng đã quan tâm bố trí, đề bạt, tạo môi trường để cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cốt cán ở các xã, thị trấn; trưởng, phó các phòng, ban, ngành cấp huyện.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện và cấp cơ sở ở Quỳ Châu nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ nữ tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và cơ sở đều vượt chỉ tiêu quy định: 11/37 cán bộ nữ tham gia vào Ban Chấp hành, chiếm 29,7%, trong đó có 2 cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Huyện ủy, chiếm 18,18%, có 3 cán bộ nữ trẻ (dưới 35 tuổi), chiếm 27,27%.
Cán bộ nữ tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020. |
Các cán bộ này phát huy tốt năng lực, nhiệt tình trong công tác, được rèn luyện trong thực tế và trưởng thành về mọi mặt. Nhiều đơn vị, nhất là ở cấp cơ sở, chủ động đào tạo cho cán bộ đi học để nâng cao trình độ, từng bước chuẩn hóa cán bộ nữ, góp phần dẫn dắt sự phát triển của địa phương như ở xã Châu Bình, Châu Phong, thị trấn...
Song bên cạnh đó, vẫn tồn tại ở một số cơ sở đảng, tỷ lệ cán bộ nữ không đạt yêu cầu do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí của cán bộ nữ chưa đúng; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ chưa có tính chiến lược, tầm nhìn, thiếu đột phá.
Lữ Thị Yến - Bí thư chi bộ bản Luồng, xã Châu Phong chia sẻ, hướng dẫn cách làm măng khô cho phụ nữ trong bản. Ảnh: Mỹ Nga |
Lý giải nguyên nhân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu Lang Văn Xuân cho rằng, thiên chức làm mẹ, làm vợ của phụ nữ đã ảnh hưởng ít nhiều tới việc học tập nâng cao trình độ, nhất là ở những vùng nông thôn. Hầu hết phụ nữ ngại tham gia những khóa học dài hạn, ngại đi xa. Điều này dẫn đến hạn chế một số nơi số lượng cán bộ nữ đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị để có thể giới thiệu bầu cử, ứng cử.
"Thiên chức làm mẹ, làm vợ của phụ nữ đã ảnh hưởng ít nhiều tới việc học tập nâng cao trình độ, nhất là ở những vùng nông thôn".
Thời gian tới, trên tinh thần “nhìn việc chọn người”, đặc biệt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp sắp tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, đơn vị nghiêm túc thực hiện rà soát, đánh giá cán bộ, qua đó kịp thời phát hiện được những nhân tố điển hình, trong đó ưu tiên cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sắp xếp sao cho phù hợp với năng lực, sở trường, đặc biệt là tạo mọi điều kiện để các chị em được học tập, nâng cao năng lực chuyên môn.
Thị trấn Quỳ Châu. Ảnh tư liệu |