Giáo dục

Giáo viên Trường Tiểu học Châu Phong (Quỳ Châu) góp tiền, nấu những bữa cơm ngon cho học trò hoàn cảnh khó khăn

Mỹ Hà 13/11/2024 15:06

Những bữa cơm ân tình của giáo viên Trường Tiểu học Châu Phong (Quỳ Châu) đã góp phần động viên học sinh chăm chỉ lên lớp học tập. Có thầy cô giáo tiếp sức như thế, các em không còn những bữa đói, bữa no, không còn những buổi trưa phải ăn mỳ tôm hoặc nuốt vội vắt cơm nguội.

ảnh - Mỹ Hà (4)
Những buổi sáng đến trường với cặp lồng, hộp đựng cơm và những chiếc vò đựng xôi đã trở nên quen thuộc với những học sinh điểm trường bản Tằm, Trường Tiểu học Châu Phong. Học sinh ở điểm trường này chủ yếu đến từ bản Lịm, bản Lầu - nơi cách xa điểm trường lẻ từ 5 - 7 km. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (3)
Trường Tiểu học Châu Phong nằm ở vùng khó khăn của huyện Quỳ Châu. Với đặc thù của bậc tiểu học, học sinh sẽ học 2 buổi/1 ngày. Do quãng đường đến trường quá xa, nên hiện nay trường có nhiều học sinh phải đem cơm và ở lại buổi trưa tại trường. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (10)
Thương những học sinh xa nhà, đã 7 năm nay, giáo viên ở Trường Tiểu học Châu Phong đã tự nguyện trích lương để mỗi tuần sẽ nấu 2 bữa cơm bán trú cho học sinh ở trường. Kinh phí đóng góp tuy nhỏ (lãnh đạo 100.000 đồng/1 tháng; giáo viên, nhân viên 50.000 đồng/1 tháng), nhưng đằng sau đó là tấm lòng của các giáo viên đối với những học sinh khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (12)
Thực đơn của thầy, cô giáo dành cho học sinh có rau xào, có trứng rán, có thịt nấu với đậu phụ và canh rau. Ngoài ra, các học sinh sẽ mang theo cơm hoặc xôi từ gia đình. 2 bữa ăn còn lại trong tuần, phụ huynh sẽ tự túc cho các con. Ảnh: Mỹ Hà
z6027428657743_8fdcd23a9190d1eab96cd334279fb392(1).jpg
Với những học sinh vùng cao, những bữa cơm do tự tay thầy cô chuẩn bị luôn chứa đầy tình cảm, trong đó có cả tình yêu thương cô trò. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (13)
Sau bữa cơm trưa ấm bụng, các em sẽ ngủ tại trường ở những phòng học cũ được các thầy cô sửa sang lại thành nhà bán trú. Cô giáo Lương Thị Hà đã công tác tại trường từ năm 2005 chia sẻ: Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được đóng góp một phần nhỏ của mình vào những bữa ăn của học trò. Ngay trong lớp chúng tôi cũng có 2 học sinh tham gia chương trình "Bữa cơm tình thương" này và đều là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có em thì bố mẹ bỏ nhau, ở với bà, có em thì bố đang chịu án phạt tù. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (1)
Trường Tiểu học Châu Phong là ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất của huyện Quỳ Châu. Tuy nhiên, hơn 60% học sinh của trường thuộc diện hộ nghèo. Do kinh phí đóng góp hạn hẹp nên hiện nhà trường chỉ có thể tổ chức bán trú được hơn 30 học sinh và đây là những đối tượng "nghèo nhất trong các hộ nghèo". Ngoài ra, học sinh nhà trường hiện cũng đang được thụ hưởng Chương trình "Sữa học đường" dành cho những em thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (14)
Ngoài việc được chăm lo những bữa cơm no, học sinh của trường được các thầy cô rèn các kỹ năng để tự chăm sóc bản thân và ý thức khi sống trong môi trường tập thể. Có cô, có thầy, các em đến trường chăm chỉ hơn, không còn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (8)
Dù là điểm trường lẻ, nhưng học sinh của Trường Tiểu học Châu Phong được học trong những lớp học khang trang, sạch đẹp nhờ có bàn tay chăm chút của cô thầy. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (6)
Toàn trường có 25 lớp nhưng chỉ có 34 giáo viên, tỷ lệ giáo viên còn thấp so với yêu cầu thực tế. Dù tất cả giáo viên trong trường đều phải làm thêm giờ, thêm tiết, nhưng trong tuần các giáo viên vẫn tình nguyện thay nhau ở lại trường để trực trưa, hỗ trợ cho các học sinh ở lại trường. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (2)
Việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của Trường Tiểu học Châu Phong. Vì thế, để giữ vững được thành tích 3 năm liên tục là đơn vị xuất sắc, được nhận Bằng khen của UBND tỉnh là sự hy sinh, cống hiến không mệt mỏi của các thầy, cô giáo. Nhiều giáo viên trong trường đã tình nguyện dạy thêm vào ngày cuối tuần để hỗ trợ học sinh yếu kém, đưa các em về nhà để bồi dưỡng thêm. Giáo viên cũng sẵn sàng hỗ trợ học sinh sách, vở, áo, quần nếu các em gặp khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà
ảnh - Mỹ Hà (9)
Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của thầy và cô Trường Tiểu học Châu Phong đã góp phần gieo mầm ước mơ cho học trò vùng cao. Có cô, có thầy, có trường lớp, có bạn bè thân yêu... những ngày đến trường của các em thực sự "là những ngày vui". Ảnh: Mỹ Hà

Khi triển khai chương trình dạy học 2 buổi/1 ngày và đặc biệt là khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều điểm trường lẻ của trường chúng tôi đã được sáp nhập để tạo cơ hội cho các em được học các môn Tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, do đường sá đi lại quá xa, hoàn cảnh của các em hầu hết là bố mẹ đi làm xa, ở với ông bà, nhiều em hoàn cảnh rất éo le nên việc đưa đón các con đến trường ngày 4 lần là rất khó khăn. Thời gian đầu, chúng tôi còn thấy nhiều em phải đem cơm từ nhà đến trường và ở lại trong lớp rất vất vả. Vì thế, thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường đã xác định phải làm một việc làm ý nghĩa, vì học trò. Những bữa cơm tình thương đã triển khai bắt đầu từ một suy nghĩ đơn giản như vậy.
Do đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo rất nhiều nhưng đóng góp của thầy cô chỉ có hạn nhưng chúng tôi chỉ mới hỗ trợ được những học sinh có diện nghèo và hoàn cảnh éo le. Mong muốn lớn hơn của thầy cô đó là có thêm nhiều kinh phí để tất cả học sinh ở xa của trường được ăn, ngủ bán trú tại trường.

Cô giáo Trần Ái Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Phong - Quỳ Châu

Mới nhất

x
Giáo viên Trường Tiểu học Châu Phong (Quỳ Châu) góp tiền, nấu những bữa cơm ngon cho học trò hoàn cảnh khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO