Trồng lạc thu đông ở Diễn Châu: Lợi cả đôi đường
(Baonghean) - Huyện Diễn Châu có vùng đất màu mỡ trải dài ở 12 xã ven biển và dọc quốc lộ 1A với hơn 3.500 ha phù hợp các cây trồng như: lạc, vừng, dưa hấu đỏ, đậu xanh, ngô. Do vậy, huyện xác định cây lạc trở thành cây hàng hóa không những gieo trồng trong vụ xuân mà còn mở rộng diện tích trồng ở vụ thu đông để làm giống tại chỗ cho vụ sau.
Trước đây, bà con nông dân vùng màu ven biển Diễn Châu thường có tập quán trồng lạc vụ xuân với diện tích từ 3.200 đến 3.400 ha. Trong khi, lạc giống mua từ các công ty nhà nước, cung đường vận chuyển xa, giá cao, tỷ lệ lạc mọc mầm không đồng đều, có năm phải mua hơn 1.000 tấn lạc giống, gieo đi gieo lại 2, 3 lần mới khép kín diện tích, chi phí dịch vụ đồng ruộng tăng cao. Khắc phục tình trạng này, huyện chọn 4 xã Diễn Kỷ, Diễn Lộc, Diễn Hồng, Diễn Thịnh đại diện cho 4 vùng trọng điểm lạc trồng khảo nghiệm lạc đông. Các kỹ sư đầu ngành ở Viện Giống cây trồng Bắc Trung bộ, sở NN&PTNT Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện đã về tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, cách thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho cây lạc vụ đông, thu hút hàng nghìn lượt cán bộ cơ sở và bà con nông dân tham gia.
Trong đó, xã Diễn Kỷ được chọn trồng khảo nghiệm lạc đầu tiên, bởi xã này có hơn 100 ha đất màu bằng phẳng nằm dọc Quốc lộ 1A thuận tiện cho việc gieo trồng và cung ứng lạc giống. Xã đã kéo điện ra đồng, đào giếng khoan, dựng lán trại tại ruộng để tạo thêm nguồn nước tưới và bảo vệ dưa hấu, lạc; cho hộ nghèo ứng trước vật tư, phân bón đến mùa thu hoạch mới trả. Ban Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Diễn Kỷ cử cán bộ đến tận ruộng hướng dẫn bà con gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo mật độ, phòng trừ sâu bệnh đúng lúc, đúng cách. Nhờ vậy, năng suất lạc ở Diễn Kỷ cao nhất huyện, từ 22 đến 24 tạ/ha/vụ.
Mô hình trồng lạc thu đông phủ nilon ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu). |
Kết quả trồng lạc thu đông ở Diễn Kỷ rất khả quan. Củ để làm giống và làm hàng hóa, cây và lá làm thức ăn tươi cho trâu bò rất tốt, vỏ lạc dùng làm chất đốt hoặc phơi khô trộn với ngô hạt đem xay xát làm thức ăn cho lợn. Hơn nữa, trồng lạc đông trái vụ, tuy năng suất không cao bằng vụ xuân nhưng khắc phục được tình trạng thiếu giống. Bà con nông dân có thể mua giống tại xã, huyện với chi phí thấp hơn 20% so với mua từ các nơi khác về. Lạc đông còn tạo hàng hóa bán trước Tết. Từ kinh nghiệm của xã Diễn Kỷ, huyện tổ chức tham quan rút kinh nghiệm, mở hội thảo đầu bờ về cơ cấu giống, thời vụ, mức đầu tư phân bón, phòng trừ sâu bệnh, sau đó nhân rộng cho cả huyện cùng làm. Nhờ vậy, 5 năm qua, bà con nông dân vùng màu Diễn Châu đã quen với việc trồng lạc đông, mỗi vụ trồng từ 350 đến 400 ha.
Vụ thu đông năm 2014, toàn huyện phấn đấu trồng từ 450 đến 500 ha lạc. Trong đó, xã Diễn Kỷ trồng 80 ha. Các xã Diễn Phong, Diễn Thành, Diễn An, Diễn Hùng, Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Tân, mỗi xã trồng từ 30 đến 40 ha. Ngay như hai xã bãi ngang Diễn Kim, Diễn Hải, mỗi nơi trồng từ 15 đến 30 ha. Các xã bán sơn địa như Diễn Phú, Diễn Thắng, Diễn Lợi, Diễn Lâm cũng chuyển diện tích đồi bãi sang trồng từ 25 đến 35 ha. Ngoài các giống lạc truyền thống như Sen lai, Sông Lam Nghệ An, vụ này huyện đưa giống lạc L23, L14 vào trồng ở 12 xã vùng màu ven biển và dọc Quốc lộ 1A. Bởi các loại giống này có hàm lượng tinh dầu cao và nếu canh tác đúng quy trình kỹ thuật, kịp thời vụ, cho thu hoạch trước Tết 7 ngày, năng suất đạt 22 đến 25 tạ/ha.
Khó khăn lớn nhất trong trồng lạc thu đông là thời tiết bất lợi, khi bước vào gieo trồng gặp tiết trời “chọi trâu” mùng 10/8 âm lịch, thường có mưa lớn xảy ra. Khi lạc ra hoa sẽ gặp gió mùa đông bắc kèm theo mưa phùn rải rác, tiết trời âm u. Nếu không chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời vụ thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất, tỷ lệ củ chắc thấp. Điều mấu chốt ở Diễn Châu là muốn có năng suất lạc đạt cao, tuyệt đối phải tuân thủ lịch thời vụ và thực hiện trồng theo công nghệ phủ nilon. Luống lạc nào cũng làm cao ráo theo hướng Đông Tây để lạc đón ánh sáng mặt trời. Vụ xuân thì khép kín diện tích trong tiết lập xuân, còn vụ thu đông thì thu hoạch vừng hè thu đến đâu làm đất trồng lạc đến đó, tốt nhất là trồng xong trước ngày 30/8 dương lịch. Có như vậy mới đảm bảo độ ẩm, lạc mọc mầm nhanh, phát triển đồng đều.
Hơn nữa trồng lạc phủ nilon còn giảm được công chăm sóc, sâu bệnh ít phát sinh gây hại. Xung quanh ruộng lạc phải có mương thoát nước để phòng áp thấp và mưa bão xảy ra. Bờ vùng, bờ thửa được làm sạch cỏ, không cho chuột trú ngụ gây hại lạc. Mức đầu tư cho cây lạc ngang với trồng lúa, chỉ bón 500 kg phân chuồng, 35 kg NPK, 50 kg vôi bột, 10 kg đạm u rê và ka li, trong đó bón lót 100% số lượng phân chuồng và phân NPK. Còn phân đạm và ka li bón làm hai lần (Khi lạc ra 3 lá và lúc lạc ra hoa làm củ). Mật độ cây từ 30 đến 34 bụi/m2. Bằng cách làm này, lạc tốt đồng đều, không có hiện tượng chết ẻo, củ to, hạt chắc. Bình quân mỗi bụi cho từ 9 đến 10 củ chắc. 6 năm gần đây, Diễn Châu được mùa lạc thu đông với sản lượng từ 900 đến hơn 1.000 tấn/vụ, đáp ứng nhu cầu lạc giống tại chỗ cho bà con nông dân.
Như vậy, với cách gieo trồng hợp lý, bên cạnh các cây trồng khác, lạc thu đông đã trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân vùng màu ven biển Diễn Châu.
Lê Hoài Thung