Trồng mít Thái, mô hình mới ở Vân Diên
(Baonghean) - Nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đồi núi để phát triển kinh tế, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Vân Diên ( Nam Đàn) đã mạnh dạn đầu tư quy hoạch lại vườn đồi để trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng mít Thái của gia đình anh Trần Văn Thuận ở xóm Vệ Nông là một điển hình.
Anh Thuận đang thu hoạch mít Thái |
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn mít trĩu quả đang vào mùa thu hoạch, anh Thuận cho biết: Trước đây, trên diện tích gần 2 ha vườn đồi, gia đình anh Thuận chủ yếu trồng sắn, bạch đàn nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Hưởng ứng phong trào phá bỏ vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, năm 2009, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư, quy hoạch lại vườn và đưa vào trồng hơn 100 cây mít Thái Lan. Đây là loại cây thích hợp với nhiều chân đất, nhất là đất gò đồi. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chỉ trong vòng 18 tháng, cho quả sai và ra quả quanh năm, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 7 - 15 kg. Theo kinh nghiệm của anh Thuận, mít Thái tuy dễ trồng nhưng phải thường xuyên tưới nước, bón phân (tốt nhất là phân chuồng) và theo dõi để phòng trừ các loại sâu đục thân, đục trái.
Sau mỗi lần hái trái phải cắt bỏ bớt cành thừa để cây nhận đủ ánh sáng giúp trái to và ngọt. Ngoài ra nên tỉa bỏ những trái đầu cành, chỉ giữ lại những trái ôm thân và gần gốc. Nếu cây còn nhỏ chỉ giữ tối đa khoảng 10 trái/cây. Khi cây trưởng thành, số trái có thể nâng lên nhiều hơn. Đặc biệt mít Thái trồng càng lâu năm múi sẽ càng có vị ngọt đậm, thơm ngon hơn mít ta. Từ trồng mít Thái mỗi năm cho gia đình anh nguồn thu không dưới 50 triệu đồng. Anh Thuận cho biết thêm: “Tình cờ một lần xem trên ti vi có giới thiệu cây mít Thái, nên tôi đã mạnh dạn ra tận ngoài Bắc để mua giống về trồng. Từ trồng mít Thái cuộc sống giờ đây cũng đỡ vất vả hơn nhiều, sắm sửa được tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình và có điều kiện nuôi con ăn học”.
Cây mít Thái không chỉ giúp gia đình anh Thuận thoát nghèo mà còn tích lũy được đồng vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển đàn lợn thịt ổn định từ 40 - 50 con, mỗi năm xuất bán 15 – 20 tạ lợn hơi thu về trên 40 triệu đồng. Ngoài ra tranh thủ công chăm sóc vườn cây ăn quả, anh còn nhận khoán thêm 2 ha rừng thông khai thác nhựa để có thêm nguồn thu 50 triệu đồng/ năm. Với cách làm này, gia đình anh đã trở thành điển hình phát triển kinh tế vườn đồi cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Ông Nguyễn Thành Chung – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Diên khẳng định: “Mô hình trồng mít Thái của gia đình anh Thuận, tuy mới, nhưng cho thu nhập khá cao. Ngoài ra, anh cũng không ngần ngại trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn cách trồng, chăm bón cho ai có nhu cầu, gần đây anh đứng ra cung cấp cây giống cho bà con, vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân mạnh dạn làm giàu từ cây trồng này”.
Thành công ngày hôm nay của anh Trần Văn Thuận không chỉ có sự cần cù, chịu thương, chịu khó mà còn là kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm. Sự nhạy bén, năng động trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi để đem lại lợi ích kinh tế thiết thực và trở thành một mô hình điển hình cho nhiều người học tập.
Hồng Sương