Trồng rừng ở Tương Dương: Hướng đi mới khả quan…
(Baonghean) - Năm 2011, trên cơ sở đánh giá hiện trạng rừng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tương Dương ban hành Nghị quyết số 02 về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng rừng và chăn nuôi giai đoạn 2011-2015”; từ đó công tác trồng rừng ở Tương Dương đã thu được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận...
Với sự tích cực của người dân và sự hỗ trợ, động viên kịp thời của Nhà nước, Sau hơn 3 năm rưỡi triển
Vườn xoan của ông Lô Xuân Thỉu ở bản Phảy sắp cho thu hoạch. |
Đến xã Xiêng My, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Tương Dương, với gần 75% hộ nghèo, rừng ở đây chủ yếu là rừng phòng hộ, nên việc phát triển trồng rừng khó khăn. Thực hiện sát Nghị quyết 02 của Đảng bộ huyện, Đảng ủy xã đã ban hành Chương trình hành động số 06 ngày 21/10/2011, trên cơ sở đánh giá kết quả trồng rừng trước đây, xã đề ra kế hoạch trồng rừng mới, trong đó, ngoài 103 ha rừng trồng trước 2010, thì từ năm 2011, mỗi năm phấn đấu trồng 120 ha, “đích” đến năm 2015 là khoảng 465 ha rừng.
Cây xoan đâu đang là đối tượng trồng rừng mới ở Xiêng My được người dân trồng quanh nhà, trên vườn rừng. Gặp anh Trịnh Văn Đệ ở bản Phảy, xã Xiêng My - là một chủ xe đang mua gom gỗ xoan, anh cho biết: Do lượng gỗ xoan đến tuổi khai thác trong bản còn ít, nên vài ngày mới mua được 1 xe từ 5 đến 7 khối; nếu mua tại vườn 2,3 triệu đồng/m3, còn mua tại bãi tập kết là 2,4 triệu đồng/m3, cứ đầy xe là chở xuôi xuống Diễn Châu bán.
Anh Lô Xuân Thỉu ở bản Phảy, xã Xiêng My, vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn xoan quanh nhà, vừa chuyện trò: “Gia đình trồng được hơn 5.000 gốc xoan; lứa xoan trồng từ năm 2008 đã thu hoạch được gần 6 triệu đồng. Cây xoan có cùng chu kỳ khai thác như cây keo, nhưng có giá trị và dễ bán hơn nhiều. Nếu bán cây giá 200 - 300 nghìn đồng, nếu bán theo khối là 2,4 triệu đồng/m3”. Ông Kim Thái Việt - Bí thư Chi bộ bản Phảy cho biết: Thời gian đầu mới triển khai Nghị quyết 02, Đảng ủy họp mở rộng, ngoài việc quán triệt cho các đảng viên cốt cán, xã còn phô tô nghị quyết gửi về tận các chi bộ. Năm đầu triển khai chủ yếu trồng keo, mặc dù được hỗ trợ 500 đồng/cây giống, nhưng do giá keo xuống thấp nên bà con chưa thật sự tin tưởng, không muốn nhận cây. Chính vì vậy, trên cơ sở chỉ đạo của Đảng ủy, bản đã tổ chức họp mở rộng để tuyên truyền cho đảng viên và các đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền. Tiếp đó, nhờ sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên như ông Lương văn Tuyến, những quần chúng tích cực như ông Lương Văn Thân… nên phong trào trồng rừng của bản bắt đầu được “làm nóng” lại. Bên cạnh cây keo, cùng với sự tích cực tuyên truyền của cấp ủy và ban cán sự bản, người dân đã tin và mạnh dạn chuyển sang trồng xoan, lát…
Thu mua gỗ xoan tại bản Phảy, xã Xiêng My (Tương Dương). |
Ông Lương Thanh Truyền - Bí thư Đảng ủy xã Xiêng My cho hay: Năm 2012, phong trào trồng rừng theo nghị quyết có chững lại do cây keo mất giá, nhưng từ năm 2013, bà con đã chuyển dần sang trồng xoan, lát hoa. Đến tháng 9/2014, xã đã trồng 318,18 ha, trong đó, năm 2014, trồng được 172 ha rừng gồm 50.000 cây xoan và hơn 85.000 cây lát. Một số xã vùng trong như Nga My, Yên Na, Yên Hòa... nhờ thực hiện Nghị quyết 02 nên diện tích rừng tăng khá nhanh. Năm 2011, xã trồng 123,6 ha keo, năm 2012 trồng được 137 ha và năm 2013 trồng được 207 nghìn cây, chủ yếu xoan và lát. “Với đà này, không lâu nữa, các xã Nga My và Xiêng My sẽ tạo ra vùng rừng lát, lát xoan quy mô của huyện” – đồng chí Lương Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Nga My phấn khởi cho biết. Ở các xã thuận lợi về giao thông như Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình, Thạch Giám... ngoài phát triển cây xoan, lát và keo, người dân còn phát triển mạnh các cây bản địa như mét, nứa, lùng, mây… Nhờ vậy, một số hộ dân không chỉ xoá đói, giảm nghèo, mà còn vươn lên trở thành mô hình trồng rừng điển hình để bà con tham quan, học hỏi; như các hộ ông Lô Hữu Chiến ở xã Tam Quang, ông Lô Văn Phải ở xã Tam Thái, bà Lương Thị Huệ xã Yên Hòa…
Tuy nhiên, công tác trồng rừng trên địa bàn Tương Dương hiện vẫn còn những tồn tại. Một số xã như Lượng Minh, Hữu Khuông, Mai Sơn… chưa có chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết hoặc nếu có thì chưa cụ thể; một số xã như Yên Thắng, Lượng Minh còn để xảy ra tình trạng sau khi trồng bị trâu, bò phá hại; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về lợi ích trồng rừng còn yếu kém… Ông Lô Thanh Hài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chia sẻ: Mặc dù có cố gắng, nhưng nhân dân một số nơi vẫn có tư tưởng ỷ lại, chưa chủ động đầu tư trồng rừng mà chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Khi có kinh phí hỗ trợ thì các vườn ươm giống cây rừng phát triển, nhưng khi kinh phí giảm thì số cơ sở ươm giống cũng giảm theo; việc lập hồ sơ trồng rừng các xã còn chậm và chưa đúng quy định… Mặc dù cây xoan có những lợi thế rõ ràng so với cây keo và được người dân rất hưởng ứng, nhưng để cây xoan trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, rất cần sự định hướng quy hoạch của huyện. Và một trong những hạn chế của kết quả trồng rừng theo Nghị quyết 02 của Tương Dương là tiến độ giao đất, giao rừng cho dân rất chậm, người dân chưa thực sự an tâm đầu tư trồng rừng; thực tế này nếu không được giải quyết sớm, khi đến kỳ khai thác dễ phát sinh tranh chấp phức tạp...
Như vậy, Nghị quyết 02 của Đảng bộ Tương Dương đã đáp ứng nguyện vọng đông đảo của bà con các dân tộc trên địa bàn, khơi dậy được tiềm năng đất rừng, tạo sự chủ động, tự giác trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ cây ở nhiều nơi và tự tìm nguồn tiêu thụ, đưa lại thu nhập khả quan; vấn đề là các cấp chính quyền địa phương phải sớm giải quyết các vướng mắc trong giao đất, giao rừng; hỗ trợ người dân tìm thị trường tiêu thụ… Sau khi đánh giá hiệu quả các mô hình trồng rừng hiệu quả, huyện cần có giải pháp tốt để nhân rộng; mặt khác, tiếp tục đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án cung cấp giống cây, giống con và định hướng rõ: đối với trồng rừng, các xã vùng trên ưu tiên trồng cây bản địa như xoan, mét; vùng ngoài và vùng trong trồng xoan, lát, mét, mây. Trước mắt, tập trung tổ chức rà soát thống kê diện tích rừng đã trồng đến kỳ khai thác để có cơ sở xây dựng kế hoạch trồng rừng những năm tiếp theo; phân công các thành viên xuống tận cơ sở để chỉ đạo và vận động nhân dân tích cực trồng rừng; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Nghị Quyết 02 của Đảng bộ huyện một cách sát thực, thường xuyên…
Bài, ảnh: Nguyễn Hải