Trồng rừng vụ thu: Đảm bảo số lượng và chất lượng

06/08/2014 18:52

(Baonghean) - Hiện tiết trời ở các huyện miền núi, rẻo cao có mưa nên khá thuận lợi cho công tác trồng rừng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương trong tỉnh Nghệ An đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ trồng rừng vụ thu, chủ yếu là trồng rừng tập trung, trồng dặm, trồng cây phân tán đúng với kế hoạch được giao.

TIN LIÊN QUAN

Đảo bầu keo giống tại vườn ươm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành.
Đảo bầu keo giống tại vườn ươm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành.

Chủ động cây giống

Thời điểm này đang rộ mùa trồng rừng, các vườn ươm của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ… đã đầu tư đáp ứng nhu cầu cây giống phục vụ các địa phương. Tại vườn ươm của Ban Quản lý RPH Yên Thành những ngày này người vào lấy giống cây khá nhộn nhịp. Ông Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Ban Quản lý RPH Yên Thành cho biết: Những năm trước thường xảy ra tình trạng “cháy” giống cây. Nay nhờ chủ động cải tạo, mở rộng vườn ươm (hiện có 3 vườn ươm) được đầu tư trên 1 tỷ đồng nên trong năm 2014, ban đã chủ động sản xuất được 1,5 triệu cây giống các loại, bảo đảm chất lượng, đủ cung cấp cho các đơn vị trồng mới trên 400 ha rừng của Dự án trồng rừng WB3, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Ngoài ra, ban còn phục vụ cây giống cho bà con trồng trên 500 ha rừng sản xuất trên địa bàn huyện Yên Thành. Xác định giống đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của việc trồng cây, ban đã tập trung lựa chọn những giống cây bản địa và ngoại nhập chất lượng tốt như bạch đàn, keo tai tượng, trám, lim xanh, lát hoa, mỡ… để ươm gieo. Riêng keo nhập hạt từ Úc đã gieo ươm được gần 700.000 cây. Theo ông Ánh thì bình thường chỉ có 4 công nhân quản lý 3 vườn ươm, tuy nhiên để phục vụ kịp thời cây giống cho bà con chúng tôi phải thuê thêm trên 30 lao động thời vụ vừa đảo bầu, vừa chọn lựa cây giống cho khách hàng.

Thời điểm này tại Đô Lương cũng là mùa cao điểm trồng rừng, bà con khắp nơi đang đổ về Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương để lấy giống. Ông Trần Nam ở Bài Sơn - Đô Lương cho biết: Trước đây, chúng tôi lấy nguồn giống cây keo ở các cơ sở gia đình tự sản xuất không có giấy phép đăng ký. Giá giống rẻ nhưng chất lượng cây không đảm bảo thường bị còi cọc, phát triển chậm. Bây giờ lấy cây giống tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương yên tâm hơn về chất lượng và nếu bị rủi ro về cây giống vẫn có thể được “bảo hành”. Được biết Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương sản xuất được trên 1,3 triệu cây giống các loại, trong đó sản xuất trên 70.000 cây keo nhập hạt từ Úc, trên 50.000 cây keo “nội” dâm hom, số còn lại là cây bản địa. Hiện công ty đã xuất bán được trên 80.000 cây giống các loại, phục vụ đảm bảo giống trồng mới cho trên 600 ha rừng của Đô Lương và một số diện tích rừng của các huyện lân cận. Sản xuất giống cây tại đây luôn được chú trọng về chất lượng, được thực hiện đúng quy định, làm tờ trình nghiệm thu, kiểm tra và cấp chứng chỉ lô cây giống trước khi xuất để trồng rừng, người trồng rừng yên tâm về chất lượng cây giống.

Địa bàn tỉnh hiện có 32 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp được cấp giấy phép hoạt động. Trong đó có 10 công ty lâm nghiệp; 19 đơn vị là các Ban Quản lý RPH, các Tổng đội TNXP, 1 hợp tác xã lâm nghiệp và 2 hộ gia đình. Đến thời điểm này đã tạo được 25.201.912 cây giống các loại, trong đó các đơn vị lâm nghiệp đã tạo giống được 20.819.866 cây. Hiện tại các đơn vị đang tiếp tục tạo giống đảm bảo cho trồng rừng vụ thu thực hiện kế hoạch trồng 15.000 ha rừng. Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Vụ trồng rừng năm nay các đơn vị lâm nghiệp đã tạo đủ nguồn giống cây đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên toàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng thiếu giống, “cháy” giống cây trồng. Các tổ chức, cá nhân sản xuất giống đều thực hiện đúng quy định, làm tờ trình nghiệm thu, kiểm tra và cấp chứng chỉ lô cây giống trước khi xuất để trồng rừng. Một số cây trồng lâm nghiệp chính được quản lý chất lượng theo chuỗi hành trình như keo các loại (keo lai dâm hom, keo hạt), bạch đàn.

Để nâng cao chất lượng giống cây trồng, Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc các lô giống đưa vào sản xuất. Kiên quyết không cho phép sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc. Ngành Lâm nghiệp đang tập trung đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp chất lượng cao gắn với nâng cấp, sửa chữa các vườn ươm giống ở các Ban quản Quản lý RPH, các Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT thành lập đoàn kiểm tra thường kỳ tại các đơn vị sản xuất giống. Cụ thể là kiểm tra hồ sơ giống, nguồn gốc hạt giống, kiểm kê công tác gieo ươm, trước khi xuất vườn được kiểm kê đánh giá chất lượng. Ngoài ra, công nghệ sản xuất, lưu giữ các loại giống gốc, nhân giống bằng mô - hom đối với các loài cây nguyên liệu cũng đang từng bước được áp dụng, nhằm cung ứng nguồn giống đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ

Anh Vi Tuấn ở bản Bãi Xa (Tam Quang – Tương Dương) cho biết: Trong năm 2014, gia đình tôi đăng ký trồng 2,2 ha rừng, nhưng trồng vụ xuân tiết trời khô hanh không hiệu quả nên ngay từ ngày 20/6, chúng tôi đã chuẩn bị đủ các điều kiện để tập trung trồng rừng vụ thu. Đến thời điểm này đã trồng được khoảng 1,8 ha rừng, do tiết trời âm u, có mưa nên bước đầu cây sinh trưởng tốt. Theo anh Tuấn thì những năm qua cây keo lai khó tiêu thụ nên 2,2 ha đất gia đình chủ yếu trồng hỗn giao xoan, lát để sau này dễ tiêu thụ. Theo cơ chế, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình 30a là 5 triệu đồng/ha trồng rừng, tuy đến thời điểm này chương trình mới cấp được đủ giống, nhưng bà con đều tự bỏ kinh phí để trồng rừng. Được biết bản Bãi Xa có 11 hộ tham gia trồng rừng với 11,1 ha, đến thời điểm này đã trồng được 10 ha, dự định khoảng 5 ngày tới sẽ trồng xong.

Ông Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho hay: Thực tế hầu hết diện tích đất rừng của Tam Quang đã được phủ xanh đất trống, đồi trọc. Trong năm 2014 chỉ tiêu huyện giao trồng 77 ha rừng, sau khi rà soát, xã đã đăng ký trồng 113,2 ha rừng, chủ yếu ở những diện tích điều kiện giao thông khó khăn, nằm cách xa khu dân cư. Mặc dù gặp không ít khó khăn như thiếu vốn, địa hình hiểm trở, phức tạp nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, đến thời điểm này bà con đã trồng được trên 100 ha rừng. Trong đó, nhiều bản đã trồng xong diện tích được giao như bản Sơn Hà trồng được 22,2 ha, bản Tam Bông trên 30 ha… Bên cạnh đó bà con còn tự bỏ vốn trồng được khoảng trên 40 ha mét dọc sông Lam và khe suối. Chủ yếu trồng rừng hỗn giao theo tiêu chuẩn 450 cây lát và 595 cây xoan/ha.

Ông Lô Văn Thanh - Phó phòng nông nghiệp Tương Dương cho biết thêm: Theo chỉ tiêu của tỉnh, năm 2014 Tương Dương được giao trồng trên 1.300 ha rừng, ngay từ vụ xuân huyện đã triển khai trồng trên 30% diện tích, do thời tiết bất lợi nên 70% diện tích còn lại tập trung trồng trong vụ thu. Đến thời điểm này toàn huyện đã trồng được trên 1.000 ha rừng, trong đó nhiều xã đã thực hiện trồng rừng đạt trên 90% diện tích như xã Tam Đình, Nga My, Xiêng My, Yên Hòa… Để trồng rừng đạt hiệu quả, chất lượng, ngoài thực hiện tốt công tác quy hoạch, thiết kế, các xã trồng rừng đều có từ 2-3 cán bộ kỹ thuật phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện “cắm” ở cơ sở để giám sát, hướng dẫn cho bà con quy trình trồng rừng.

Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho đầu ra cây nguyên liệu, vụ trồng rừng năm 2014, Tương Dương chủ yếu đưa vào trồng các loại cây như xoan, lát. Bà con được khuyến cáo bón các loại phân phù hợp trước khi trồng, tăng cường bảo vệ cây trồng chống trâu, bò phá hoại. Diện tích trồng rừng trên 1.300 ha đều được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha từ Chương trình 30a.

Tại huyện Con Cuông, các xã đều đang khẩn trương tập trung trồng rừng. Theo chỉ tiêu của tỉnh, Con Cuông sẽ trồng gần 1.500 ha rừng, trong đó 500 ha rừng trồng theo Dự án 147, diện tích còn lại là do dân tự bỏ vốn trồng. Đến thời điểm này huyện đã trồng được trên 1.000 ha, trong đó 500 ha thuộc Dự án 147. Nét mới trong trồng rừng năm nay là số diện tích trồng theo Dự án 147 chủ yếu là giống keo nhập ngoại (keo Úc) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông ươm. Trồng keo Úc có lợi thế là cây to, được giá và dễ tiêu thụ, trong khi “keo nội” hiện tại khó tiêu thụ, tính ra bị lỗ. Theo bà Mai Thị Bình - Phó phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông thì trồng loại keo Úc (keo tai tượng) để đạt hiệu quả huyện đã hướng dẫn bà con cần áp dụng đúng quy trình: Như đất trồng keo tai tượng cần được phát dọn sạch thực bì quanh hố với đường kính 1 - 1,2 m. Trường hợp trồng rừng tập trung nên phát dọn toàn bộ diện tích là tốt nhất. Hố trồng cây có kích thước 40 x 40 x 40 cm. Lấp 2/3 hố bằng lớp đất mặt tơi nhỏ + phân bón, lượng phân bón từ 2 - 5 kg phân chuồng hoai mục hoặc 0,2kg NPK/hố, trộn đều phân với lớp đất mặt, sau đó lấp đầy hố bằng hỗn hợp đó theo hình mâm xôi để trồng cây. Trồng dặm lại những cây bị chết sau khi trồng 8 - 10 ngày. Con Cuông đang phấn đấu đến hết tháng 8/2014 sẽ trồng xong diện tích trên.

Tính đến thời điểm này toàn tỉnh trồng rừng tập trung đạt trên 9.222 ha/15.000 ha đạt 61,5% kế hoạch giao, trồng cây phân tán được 4,3 triệu cây/5 triệu cây, đạt 86% kế hoạch. Trong đó doanh nghiệp và hộ dân tự bỏ vốn trồng được 6.103 ha/9.360 ha, đạt 65,2%. Nhiều huyện thực hiện tốt chỉ tiêu như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp… Điểm khác biệt của trồng rừng năm nay là Sở NN&PTNT đã chỉ đạo trồng tăng diện tích keo nhập ngoại (keo Úc) nhằm hạn chế keo dăm, tăng cường keo gỗ lớn để tăng thêm giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Theo các nhà chuyên môn, giống keo nhập hạt từ Úc có ưu điểm vượt trội: Bộ rễ khỏe ăn sâu giữ độ ẩm cho đất tốt, tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng sinh khối lớn, sau một chu kỳ 5 - 7 năm đạt 100 - 120 khối/ha, không làm đất bạc màu, giá cây giống phù hợp, thị trường tiêu thụ gỗ keo thuận lợi. Gỗ keo nếu được sơ chế thành các sản phẩm gia dụng theo các đơn đặt hàng thì giá trị có thể tăng gấp đôi, gấp ba, như vậy sẽ tạo điều kiện để các địa phương phát triển thêm ngành nghề chế biến lâm sản. Dự định kết thúc vụ trồng rừng toàn tỉnh sẽ trồng được khoảng trên 6.000 ha keo nhập ngoại (keo Úc).

Đối với nguồn vốn đầu tư tại Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 15/1/2014 đến nay các dự án đã thực hiện được 2.162,9 ha/2.640 ha, đạt 82% kế hoạch. Tuy nhiên, có một số đơn vị triển khai quá chậm như Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn (kết quả trồng rừng đặc dụng mới thực hiện được 6 ha/50 ha, đạt 12% kế hoạch). Dự án WB3 đã thực hiện được 956,2 ha/1.800 ha kế hoạch, đạt 53,6%, vẫn ở mức trung bình, chỉ riêng huyện Yên Thành đạt tỷ lệ cao nhất 196 ha/280 ha, đạt 70% kế hoạch, huyện Thanh Chương, thực hiện 215 ha/530 ha, đạt 40,5%.

Khó khăn đặt ra hiện nay là riêng Dự án JICA2 trong năm 2014 kế hoạch trồng 800 ha rừng phòng hộ tại 3 huyện Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, đã qua 7 tháng nhưng công tác trồng rừng của dự án vẫn chưa triển khai được. Tại Ban Quản lý RPH Tương Dương, Dự án JICA2 được thực hiện 300 ha nhưng có 221 ha tại bản Huồi Pai, xã Yên Tĩnh người dân không nhận khoán, Sở NN&PTNT chỉ đạo Ban Quản lý RPH Tương Dương rà soát lại và có phương án xin chuyển vùng, tuy nhiên kết quả thiết kế điều chỉnh chỉ đáp ứng được 110 ha/300 ha, đạt 37%. Tại Ban Quản lý RPH Tân Kỳ một số diện tích trong quy hoạch trồng rừng của Dự án JICA2 chưa đạt yêu cầu của dự án.

Văn Trường

Mới nhất
x
Trồng rừng vụ thu: Đảm bảo số lượng và chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO