Trọng tài thể thao phong trào - Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

14/01/2013 18:27

Hầu hết trọng tài thể thao phong trào hiện nay đều là cán bộ ngành TDTT, giáo viên thể dục của các trường phổ thông hoặc chuyên nghiệp. Đa số họ vì đam mê mà theo nghiệp trọng tài bởi thu nhập chỉ là chuyện phụ. Trọng tài được ví là “vua” vì họ giữ quyền quyết định trong các trận đấu thể thao. Song, theo nhiều trọng tài, dù chỉ là nghề tay trái nhưng lỡ đam mê nên mới “sống, chết” chứ  nghề “làm dâu trăm họ” này lắm bạc bẽo.

(Baonghean) Hầu hết trọng tài thể thao phong trào hiện nay đều là cán bộ ngành TDTT, giáo viên thể dục của các trường phổ thông hoặc chuyên nghiệp. Đa số họ vì đam mê mà theo nghiệp trọng tài bởi thu nhập chỉ là chuyện phụ. Trọng tài được ví là “vua” vì họ giữ quyền quyết định trong các trận đấu thể thao. Song, theo nhiều trọng tài, dù chỉ là nghề tay trái nhưng lỡ đam mê nên mới “sống, chết” chứ nghề “làm dâu trăm họ” này lắm bạc bẽo.

Ông Lô Trung Thành - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, trọng tài là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong mỗi trận đấu. Thế nhưng không phải lúc nào họ cũng được đối xử công bằng, nhất là trọng tài ở các giải thể thao phong trào.

Trước hết, đó là chế độ chính sách quá thấp. Hiện nay, trọng tài bóng đá mỗi trận được trả từ 50 - 100.000 đồng. Trong khi đó, các môn võ, cầu lông hay điền kinh được tính theo buổi với số tiền tối đa là 50.000 đồng/buổi mỗi trọng tài. Ở Nghệ An hiện có khá nhiều trọng tài cấp quốc gia các môn như bóng đá, bóng chuyền, võ. Dù tiền công cho mỗi trận đấu bóng đá hay bóng chuyền của tỉnh thấp hơn nhiều so với các giải quốc gia nhưng có lẽ điều đó không quá quan trọng bởi tham gia điều hành các giải địa phương không chỉ nghĩa vụ, trách nhiệm mà cả tình cảm mà họ dành cho quê xứ.



Trọng tài điều hành Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An 2012. Ảnh: N.Đ.C

Tuy nhiên, đối với các trọng tài hoạt động ở giải phong trào của tỉnh, đây là một vấn đề đáng suy nghĩ. Nhiều anh em tâm sự, với mức thù lao như hiện nay có lẽ thấp nhất trong tất cả các nghề. Với những trọng tài là giáo viên thì bất hợp lý còn lớn hơn. Anh Châu Nam Hưng - Giáo viên thể dục Trường THCS Hưng Thái Nghĩa cho biết, tiền công trọng tài thấp hơn tiền đứng lớp nên khi được điều động đi làm trọng tài, giáo viên phải bỏ thêm tiền túi ra mới đủ để trả cho người dạy thay.

Không chỉ thu nhập thấp, chuyện bị xúc phạm về tinh thần lẫn thể xác cũng rất hay xảy ra với các trọng tài khi điều hành các giải phong trào. Chưa nói đến tiếng còi đúng - sai, trung thực hay không, chỉ riêng việc không nắm rõ luật dẫn đến phản ứng gay gắt trọng tài, nhất là với các đội thua trận không phải chuyện hiếm. Còn nhớ tại một trận đấu trong Giải bóng đá Thiếu niên Nhi đồng của phường Q.T (Tp Vinh) đã xảy ra xô xát giữa khán giả và trọng tài, kết quả, trọng tài chính lẫn trọng tài biên bị đánh trọng thương phải nhập viện, một số khán giả bị công an tạm giữ và BTC phải huỷ luôn cả giải. Vì vậy, giới trọng tài có lẽ không ai không thuộc câu thơ đầy tâm trạng được cho là của cựu trọng tài quốc gia Dương Văn Hiền: “Trước trận trọng tài là “vua”/ Sau trận đội thua gọi “vua” là “thằng”.

Theo anh Nguyễn Danh Nam – Phó phòng Nghiệp vụ TDTT – Sở VH,TT&DL, bình quân hàng năm có 15 giải thể thao cấp tỉnh, 20 giải cấp ngành, 7 - 10 giải mỗi huyện. Cạnh đó, thể thao học đường hằng năm cũng được tổ chức sôi nổi với từ 5 - 7 môn, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Để điều hành tốt những giải đấu này là một điều rất khó khăn vì lực lượng trọng tài của tỉnh còn khá mỏng, chuyên môn chưa đảm bảo yêu cầu do thời gian qua thiếu các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ.

Những bất hợp lý trong chi trả chế độ cho lực lượng trọng tài nói chung, giáo viên làm công tác trọng tài nói riêng đã khiến không ít người ngại đi làm nhiệm vụ. Theo anh Nguyễn Danh Nam, các địa phương và CLB cần có giải pháp hợp lý khắc phục tình trạng “đi làm lại còn mất thêm tiền” này. Nhiều trọng tài cho rằng, lâu nay họ chỉ được chi trả tiền làm nhiệm vụ, còn tiền ăn, ở chưa được tính. Trả lời những vấn đề này, ông Lô Trung Thành cho biết ngành TDTT đã xóa bỏ sự bất hợp lý đó từ nhiều năm qua bằng việc không trừ tiền thời gian cán bộ ngành đi làm trọng tài các giải đấu của tỉnh. “Giải đấu diễn ra thời gian ngắn và chế độ tiền làm nhiệm vụ thấp. Nếu thực hiện trừ tiền thì các huấn luyện viên sẽ không đi làm trọng tài. Bởi tiền làm nhiệm vụ thấp hơn nhiều so với chế độ khi họ làm huấn luyện viên. Vấn đề này cần được xem xét giải quyết trong thời gian tới để giúp cho các trọng tài an tâm làm nhiệm vụ” - ông Thành nói.

Theo tìm hiểu, chế độ chi trả tiền làm nhiệm vụ cho trọng tài đang được thực hiện theo Thông tư 02 (12/1/2009) liên Bộ Tài chính - VH-TT&DL. Hiện nay, liên Bộ Tài chính - VH-TT&DL đã có Thông tư 200 (30/12/2011) thay thế Thông tư 02. Nếu thực hiện theo thông tư này, chế độ cho trọng tài sẽ khá hơn.


Hoàng Nguyên

Mới nhất
x
Trọng tài thể thao phong trào - Nỗi niềm biết tỏ cùng ai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO