Trồng thanh long năng suất cao trên đất Phủ Quỳ

27/12/2011 19:14

(Baonghean.vn) Ông Đỗ Văn Khoan, xóm Bình Hải (xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn) mấy năm nay trồng thanh long ruột trắng, ruột đỏ thành công.

Bà con trong xóm cho biết: Hiện nay giống cây ăn quả này đã trồng nhiều ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp nhưng sản phẩm ra bán ngoài chợ thường quả bé, vị chua. Trong xóm có nhà cùng loại đất như ông Khoan nhưng mỗi cây chỉ 10 đến 20 quả, to như bóng đèn, 5 - 6 quả mới được 1 kg. Trái lại, thanh long nhà ông Khoan xanh tốt, mỗi cây trên 60 quả, trung bình 3 quả một kg. Hai giống ruột đỏ và ruột trắng đều ngọt, vị mát, quả lại đẹp, da bóng.



Vườn thanh long của ông Đỗ Văn Khoan xóm Bình Hải (xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn)


Ông Khoan cho biết: Trồng thanh long không tốn kém nhưng rất công phu. Giống được đưa từ Bình Thuận nhưng qua thực tế trồng trên nền đất đỏ ba zan Nghĩa Đàn, ông tổng kết cách thức riêng phù hợp. Đặc điểm của cây thanh long là thích hợp khí hậu nắng nóng, chịu hạn giỏi, không chịu được úng. Nó trồng được trên đất xám, đất đỏ nhưng yêu cầu phải thoát nước tốt. Thanh long là cây thân bó cần có trụ đỡ. Trồng từ 2 - 3 năm sẽ có trái. Trên đất Nghĩa Đàn, giống ruột trắng sinh trưởng mạnh hơn, trái to và ngọt hơn so với giống ruột đỏ. Nhưng, khách thì chuộng giống ruột đỏ hơn vì đẹp, hấp dẫn.

Thanh long là cây cần ánh sáng nhiều nên phải trồng thưa, mật độ trồng khoảng 2,8 m - 3,0 m. Đối với vùng Nghĩa Đàn có thể trồng vào tháng 10 - 11 dương lịch đất còn ẩm, mau bén rễ.


Trong chăm sóc có 3 việc cần lưu ý làm đúng: tỉa cành, xử lý ra hoa và bảo vệ trái. Sau đợt thu hoạch trái cần tỉa bỏ 2/3 số cành già, cành sâu bệnh. Trong quá trình chăm sóc bón phân (khi tỉa cành lần đầu bón 0,3 đến 0,5 kg NPK/trụ). Khi thanh long đã vào giai đoạn cho quả bón phân hữu cơ hàng năm từ 10 - 15 kg/trụ, vẫn tiếp tục cắt bỏ những cành ốm yếu, còi. Cần phun MgNo3 để kích thích cành mới mau ra và hạn chế nám cành trong mùa nắng.


Xử lý ra hoa là khâu kỹ thuật then chốt. Phải tháng 3 âm lịch trở lên mới nắng ấm, thanh long mới ra hoa. Nhưng ra hoa muộn sẽ ảnh hưởng đến năng suất chất lượng, do đó phải kích thích nhiệt độ, ánh sáng bằng đèn điện. Thường thì thắp đèn độ 1 tuần thì chúng ra hoa. Kỳ này cần bón thúc từ 3 đến 5 lạng NPK và thêm 1 lượng đạm cho mỗi trụ. Cần bón thúc từ 3 đến 5 lạng NPK và thêm 1 lượng đạm cho mỗi trụ. Chú ý là sau mỗi lứa quả bón bổ sung một vài lạng NPK cho mỗi trụ cây mới lâu bền.


Bảo vệ quả là khâu làm "đẹp mẫu mã" để bán được giá, cho nên cần quan tâm. Mặc dù cây thanh long cũng như quả của nó thường ít sâu bệnh hơn so với cây trái khác, nhưng chúng vẫn bị kiến, bọ xít và ruồi vàng gây hại. Để phòng trừ dòi (ấu trùng của ruồi vàng) ngoài xử lý thuốc hóa học chúng ta nên thu gom và tiêu hủy các loại quả bị úng thối để diệt nhộng dưới đất và kiến.


Ông Khoan khẳng định: Trên vùng đất đỏ ba zan Phủ Quỳ chất đất và khí hậu hoàn toàn trồng được thanh long. Vấn đề là cần siêng năng, đầu tư và chăm sóc tỷ mỉ.


Hoàng Chỉnh

Mới nhất

x
Trồng thanh long năng suất cao trên đất Phủ Quỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO