Trung Quốc cấm nhập khẩu ngà voi chạm khắc trong vòng 1 năm
(Baonghean) - Trước những chỉ trích mạnh mẽ về việc “mất kiểm soát” tình trạng buôn bán ngà voi ở Trung Quốc, mới đây, chính quyền Bắc Kinh vừa đưa ra một lệnh cấm nhập khẩu ngà voi chạm khắc trong vòng 1 năm nhằm xoa dịu dư luận quốc tế.
Mặc dù đã ký kết Công ước về Thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về việc tiêu thụ ngà voi nhập lậu. Đồng thời, doanh thu trong việc buôn bán ngà voi chạm khắc vẫn được xem là hợp pháp tại quốc gia này. Trên thực tế, chạm khắc ngà voi vốn là một loại hình nghệ thuật cổ xưa ở Trung Quốc. Tại đây, các tác phẩm chạm khắc tinh xảo trên ngà voi luôn được những người sưu tầm đánh giá cao và hiển nhiên nó sẽ trở thành một khoản đầu tư có giá cho những người buôn bán.
Những bức tượng bất hợp pháp chạm khắc từ ngà voi được trưng bày tại một hội nghị ở New York. Ảnh: Reuters |
Thế nhưng, chính vì nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chạm khắc từ ngà voi ngày một tăng đã khiến cho hàng chục nghìn con voi ở châu Phi bị giết hại mỗi năm. Vào tháng 12/2014, báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Save the Elephant và Aspinall Foundation ước tính có hơn 100.000 cá thể voi bị giết hại trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2012. Trong đó, các tổ chức này khẳng định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu tiêu thụ mạnh ngà voi ở Trung Quốc. Theo đó, giá ngà voi “thô” ở Trung Quốc từ 550 euro/1 kg vào năm 2010 đã tăng lên đến 1.540 euro vào năm 2014.
Phản ứng trước lệnh cấm mà Trung Quốc đưa ra, ông Douglas-Hamilton – người sáng lập ra quỹ Save the Elephants khá lạc quan trước hành động này. Theo ông Douglas, lệnh cấm là “một bước tiến quan trọng trong việc định hướng và phản ánh nhận thức ngày một được nâng cao ở Trung Quốc về vai trò của nước mình trong việc tiêu thụ ngà voi”. Trái với thái độ lạc quan của ông Douglas, Sammi Li – người phát ngôn của mạng lưới giám sát việc buôn bán động, thực vật hoang dã lại không mấy tin tưởng vào lệnh cấm của Trung Quốc. Ông Sammi Li cho rằng, nếu lệnh cấm này là “một sự thừa nhận về vai trò của Trung Quốc trong việc buôn lậu ngà voi” thì quyết định trên “chỉ mang tính biểu tượng hơn là có hiệu quả”.
Theo một tờ nhật báo của Trung Quốc, mỗi năm, có từ 800 đến 900 vụ buôn lậu ngà voi bị phát hiện ở nước này. Chính quyền Bắc Kinh cũng cho đóng cửa ít nhất 10 xưởng chế biến ngà voi bất hợp pháp cũng như bắt bỏ tù hàng trăm kẻ buôn lậu. Thế nhưng, các tổ chức phi chính phủ cho rằng những con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Vào tháng 5/2013, người ta đã thống kê được có tới 37 công ty chuyên về khắc ngà voi và 145 doanh nghiệp buôn bán loại hàng hóa này. Vì lý do đó, không quá ngạc nhiên khi nhiều tổ chức phi chính phủ không có lòng tin vào lệnh cấm mà Trung Quốc vừa đưa ra.
Chu Thanh
(Theo LeMonde)