Trung Quốc muốn lấp đầy 'khoảng trống' Mỹ để lại ở Đông Á
(Baonghean.vn) - Theo giới quan sát, các cuộc gặp tại Thành Đô lần này giữa lãnh đạo 3 nước Trung - Nhật - Hàn sẽ tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á cũng như lấp đầy khoảng trống ngoại giao do Mỹ để lại trong khu vực.
Trung Quốc cũng muốn thông qua các cuộc gặp song phương riêng rẽ để góp phần hòa giải và giảm nhiệt quan hệ Nhật - Hàn vốn đang căng thẳng.
Theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc tính toán sẽ tăng cường vai trò và ảnh hưởng ở khu vực Đông Á bằng nỗ lực làm hòa giải những mâu thuẫn gay gắt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, khi các nhà lãnh đạo hai nước này đến Bắc Kinh vào ngày hôm nay (23/12).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành Hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Tokyo, tháng 5/2018. Ảnh: EPA-EFE |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, trước khi đến Thành Đô. Tại đây, các vị khách nguyên thủ sẽ cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự Hội nghị thượng đỉnh 3 bên. Đây là Hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần thứ 8 kể từ năm 2008.
Đáng chú ý, sự kiện lần này diễn ra khi Tokyo và Seoul - những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á đang rơi vào trạng thái căng thẳng về một loạt vấn đề, từ lịch sử cho đến thương mại.
Trong khi chính quyền Washington với hàng loạt vấn đề đối nội cần giải quyết, đã giữ khoảng cách với các tranh chấp của hai đồng minh này, thì Bắc Kinh - đối thủ chiến lược của Mỹ lại sẵn sàng đứng ra hòa giải cho hai nước.
Trong đó, cơ chế hội nghị 3 bên như lần này là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó còn là cuộc gặp song phương riêng rẽ giữa Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 9/2018, dự kiến được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần này.
He Ping, trợ lý Giáo sư về kinh tế chính trị tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho rằng, Bắc Kinh có thể mang đến cho Hàn Quốc và Nhật Bản những vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Điều này thực sự có ý nghĩa khi tranh chấp thương mại Nhật Bản và Hàn Quốc không đơn giản chỉ gói gọn trong vấn đề thương mại song phương mà còn tác động đến các quốc gia khác, trong đó bao gồm cả Trung Quốc. Bắc Kinh nhiều khả năng cũng sẽ khuyến khích hai nước này đóng vai trò lớn hơn trong tự do thương mại khu vực và toàn cầu.
Thực tế thời gian qua, cả 3 bên đều lo ngại về sự sụt giảm hợp tác kinh tế giữa các nước - nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ hai và thứ tư ở châu Á. Theo các số liệu chính thức, xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm liên tiếp trong nhiều tháng qua, một phần là do các lô hàng xuất khẩu cho Trung Quốc đã sụt giảm.
Ngoài hợp tác 3 bên trong lĩnh vực kinh tế, chương trình nghị sự Hội nghị Trung - Nhật - Hàn lần này còn được bao phủ bởi vấn đề Triều Tiên. Theo giới quan sát, Trung Quốc sẽ thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tác động để Mỹ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với Triều Tiên, để có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Tuy nhiên, điều này sẽ khá khó khăn khi Nhật Bản thời gian qua là nước luôn ủng hộ các biện pháp chống lại Triều Tiên và thường tránh bình luận về đề xuất của Trung Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc dù coi Trung Quốc là chất xúc tác để nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên, nhưng việc thuyết phục Mỹ hay không và hiệu quả đến đâu cũng chưa từng được nước này đưa ra câu trả lời rõ ràng./.