Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông

27/06/2014 18:12

(Baonghean) - Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam, thì nước này tiếp tục hành động khiến tình hình leo thang căng thẳng. Tiếp sau việc ngang nhiên công bố bản đồ khổ dọc “nuốt trọn” Biển Đông, hôm nay Bắc Kinh lại tuyên bố thiết lập cơ chế tuần tra định kỳ ở Biển Đông.

Phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh ngày 26/6, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định, quân đội nước này đã thiết lập chế độ tuần tra chiến lược định kỳ ở biển Đông, đồng thời ngang nhiên tuyên bố đây là hành động “hoàn toàn hợp pháp và chính đáng” nằm trong sự sắp đặt công tác tổng thể của Trung Quốc.

Trong khi liên tục có những hành động gây hấn khiến tình hình Biển Đông gia tăng căng thẳng, Trung Quốc luôn chối bỏ trách nhiệm và chuyển sang đổ lỗi cho nước khác. Trước câu hỏi của phóng viên về thực tế hành động của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông gần đây có phải là nhân tố gây bất ổn trong khu vực? Người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ ngang nghiên đổ lỗi tình hình căng thẳng ở Biển Đông gần đây “là do một số nước cá biệt gây ra”, đồng thời lớn tiếng đe doạ “các nước sẽ gánh chịu tất cả hậu quả” nếu tiếp tục đối kháng với Trung Quốc. Cùng với đó, ông Dương Vũ Quân khẳng định lại lập trường của nước này về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa những nước liên quan trên cơ sở “tôn trọng sự thực lịch sử”.

Để lấp liếm những hành vi gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua, ông Dương Vũ Quân đã hướng sự quan tâm của dư luận sang vấn đề khác thông qua việc chỉ trích Nhật Bản thúc đẩy quyền phòng vệ tập thể, mở rộng vai trò của quân đội và bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines diễn ra ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 tới.

Những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thực thi các tuyên bố chủ quyền phi lý tại các vùng biển tranh chấp không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn hủy hoại vị thế của nước này trên trường quốc tế. Đó là tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trong buổi điều trần về quan hệ Mỹ - Trung vừa diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào sáng 26/6 (theo giờ Việt Nam).

Tại phiên điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết, các nước láng giềng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương đang rất lo ngại về những hành động cưỡng ép ngày một mạnh mẽ nhằm thúc đẩy và củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông và Hoa Đông. Hành động đơn phương của Trung Quốc tại các khu vực nhạy cảm đang khiến căng thẳng gia tăng và gây tổn hại tới vị thế quốc tế của Trung Quốc. Ông Daniel Russel nhấn mạnh những lợi ích quan trọng của Mỹ tại Biển Đông và Hoa Đông, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế và kiểm soát tranh chấp một cách hòa bình, đang bị đe dọa. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc, với vai trò một cường quốc đang trỗi dậy, cần thể hiện một tiêu chuẩn hành xử cao: “Giới lãnh đạo Trung Quốc từng nói rằng họ muốn một môi trường ổn định để tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội. Trung Quốc đã không đạt được sự ổn định và yên bình, mà trái lại còn tạo ra căng thẳng thực sự trong quan hệ với các nước. Do vậy, điều đầu tiên là cần ủng hộ sự kiềm chế, và nước lớn thì có trách nhiệm lớn hơn trong việc thực hiện kiềm chế.” Theo ông Daniel Russel, việc cố tình phớt lờ các biện pháp ngoại giao và hòa bình, thay vào đó là các hành vi cưỡng ép bằng kinh tế hoặc vũ lực trong xử lý bất đồng và tranh chấp là nguy hiểm và gây mất ổn định. Mỹ muốn các nước, trong đó có Trung Quốc kiểm soát hoặc giải quyết các đòi hỏi chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình và ngoại giao. Các tranh chấp cũng có thể được giải quyết thông qua một bên thứ 3 như trường hợp Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Ông Daniel Russel cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Mianma vào tháng 8 tới và sẽ tiến hành các cuộc thảo luận sâu rộng về một số biện pháp xây dựng lòng tin thực chất, các giải pháp ngăn chặn khủng hoảng, bao gồm lập đường dây nóng, thỏa thuận giải quyết tại chỗ các vụ việc bất ngờ.

Tại phiên điều trần, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế thuộc trường đại học Princeton, Aaron L. Friedberg cho rằng, Trung Quốc đang tạo ra các tình huống nguy hiểm một cách có chủ đích nhằm buộc các nước khác phải nhường bước. Nhưng kể cả trong trường hợp đây không thực sự là chủ ý của Trung Quốc thì cách hành xử như vậy có thể dễ dàng dẫn đến đối đầu và leo thang căng thẳng. “Về lâu dài thì sự cứng rắn của Trung Quốc có thể trở nên thất sách và phản tác dụng. Nếu các nước láng giềng châu Á phản ứng bằng cách tăng cường tiềm lực và hợp tác chặt chẽ hơn với nhau cũng như với Mỹ thì họ sẽ có thể ngăn chặn được tham vọng của Trung Quốc và tạo ra thế cân bằng về sức mạnh”, ông Aaron L. Friedberg nói.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Aaron L. Friedberg, nếu Mỹ không phản ứng một cách hiệu quả thì Trung Quốc có thể vẫn thực hiện thành công chiến lược “chia để trị”, tức là tiếp tục hăm dọa để buộc một số nước láng giềng phải nhượng bộ, trong khi cô lập và làm thoái chí những nước khác, đồng thời gia tăng sức ép lên các mục tiêu chủ yếu trong đó có Việt Nam và đặc biệt là các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines.

Bên cạnh quan điểm của chính giới Mỹ, dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ cách hành xử của Trung Quốc, nhất là sau khi chính phủ Trung Quốc công bố tấm bản đồ mới có đến 10 đoạn, thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông. Các học giả cho rằng, Trung Quốc dùng bản đồ mới này để kiểm tra phản ứng từ các nước láng giềng, vốn có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu không có nước nào phản ứng gay gắt, đây sẽ là cơ hội để chính quyền Trung Quốc chính thức hợp pháp hóa bản đồ này. Tuy nhiên, ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines phản bác rằng bản đồ dọc của Trung Quốc rõ ràng vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, thể hiện chính sách bành trướng của Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông.

Báo chí quốc tế cũng tiếp tục vạch trần âm mưu của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông. Tờ Lenta của Nga hôm 24 tháng 6 cũng đăng tải bài viết cho rằng, Trung Quốc đang tiến hành một kế hoạch bất thường nhằm xây dựng các đảo nhân tạo đặc biệt, đồng thời với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, tờ Inquirer của Philippines hôm qua dẫn lời chuyên gia luật hàng hải khẳng định Trung Quốc đang muốn “thiết lập sự thống trị” ở Biển Đông thông qua việc cải tạo đất ở các rạn san hô để biến chúng thành các đảo nhân tạo.

Trước các động thái gần đây của Trung Quốc, Giáo sư Jerome Cohen, Viện Luật pháp Hoa Kỳ - châu Á, ĐH Luật New York, Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tìm đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để khiến Tòa án trọng tài quốc tế tạm dừng xem xét các vụ kiện đối với nước này.

Thu Hà

Mới nhất
x
Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng trên Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO