Trung Quốc tỏ rõ dấu hiệu lo sợ!

22/05/2014 11:06

(Baonghean) - Đúng như dự báo của giới nghiên cứu, việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là việc làm lợi bất cập hại, bởi sự ngang ngược của Trung Quốc sẽ là lý do khiến các nước có chủ quyền và lợi ích quốc gia đã, đang có nguy cơ bị xâm phạm sẽ đoàn kết, xích lại gần nhau, tạo sức mạnh “bó đũa” để ngăn cản chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.

Dường như nhìn thấy trước được xu thế liên kết tất yếu sẽ diễn ra giữa các nước có chủ quyền được công nhận ở biển Đông, ngày hôm qua (21/5), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ngầm cảnh cáo các nước châu Á đang củng cố các liên minh quân sự đối phó với Bắc Kinh rằng điều này sẽ không có lợi cho an ninh khu vực. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy trong lời cảnh báo đó ẩn chứa thái độ lo sợ, kiêng dè của phía Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters

TIN LIÊN QUAN

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) ở Thượng Hải, ông Tập Cận Bình đã xa xôi bóng gió: “Tăng cường liên minh quân sự để nhằm vào một quốc gia thứ ba là điều không có lợi cho việc duy trì an ninh bình thường trong khu vực”. Phát ngôn của ông Tập Cận Bình làm người ta nghĩ đến câu chuyện ngụ ngôn “cái lý của kẻ mạnh” (Mạnh hiếp yếu) của La Fontain. Câu chuyện đó kể rằng vì muốn ăn thịt cừu nên chó sói khăng khăng cho rằng cừu đã làm đục nước suối, trong khi sói uống nước trên nguồn, còn cừu lại đang uống nước dưới nguồn cách đó khá xa.

Thật nực cười khi Trung Quốc đang là nước chủ động xâm lấn, ngày 1/5/2014 Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng biển có chủ quyền của Việt Nam, rồi còn điều tàu chiến, máy bay chiến đấu, nhiều tàu quân sự ngụy trang tàu cá, cố tình gây hấn, tấn công tàu Việt Nam, uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh biển Đông, làm cho tình hình an ninh biển Đông trở nên căng thẳng và nguy hiểm. Thế mà ông Tập Cận Bình vẫn cao giọng cảnh báo nước khác làm điều “không có lợi cho việc duy trì an ninh bình thường trong khu vực”.

Thật khôi hài khi tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, ông Tập Cận Bình cho rằng “Trung Quốc đang giữ đúng cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải với nước khác”, thì trước đó chỉ ba ngày, ngày 18/5, tướng La Viện - một vị tướng về hưu của Trung Quốc đã phát biểu trên Nhân Dân Nhật báo rằng không chỉ hiện giờ mà cả trong tương lai, Trung Quốc sẽ còn khoan dầu ở biển Đông. Viên tướng diều hâu này còn ngang ngược đề xuất chính quyền Bắc Kinh phải áp dụng chính sách đối ngoại tương thích để ép buộc Việt Nam và Philippines phải nghe theo, đồng thời đe dọa rằng sắp tới Bắc Kinh sẽ đưa hàng trăm giàn khoan giống như Hải Dương 981 đến biển Đông khai thác, liệu lúc đó các nước khác có đủ sức đưa tàu ra gây rối không. Và đe dọa “Trung Quốc sẽ trả đũa” nếu bị cản trở. Và trong khi ông Tập Cận Bình đang nhắc nhở các nước khác về “hòa bình”, về “an ninh”, thì tàu chiến và máy bay quân sự của Trung Quốc vẫn đang o ép và tấn công tàu chấp pháp, tàu cá của Việt Nam trên biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Về phía Việt Nam, dù là nước trực tiếp gánh chịu hành động xâm lấn chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc, nhưng với tư cách là một quốc gia thành viên có trách nhiệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vẫn có mặt tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) cùng với lãnh đạo các nước châu Á khác, trong đó có đại diện ngoại giao của Nhật Bản, Philippines. Tuy nhiên, giới quan sát phát hiện ra một chi tiết đáng chú ý rằng Đài truyền hình nhà nước CCTV (Trung Quốc) đã cho truyền hình trực tiếp cảnh các nguyên thủ đến dự CICA, nhưng đã cắt bỏ đoạn ông Tập bắt tay với đại diện Việt Nam, Philippines và Nhật Bản ???

Trong nhiều lý do để Trung Quốc lo sợ về sự hình thành những sức mạnh liên kết giữa các quốc gia ở châu Á có lợi ích liên quan bị Trung Quốc đe dọa, chắc hẳn có lý do Hội nghị cấp cao ASEAN (từ ngày 10-11/5) đã có một tuyên bố chung về tình hình biển Đông. Và mới ngày hôm qua (21/5), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã thông qua Chương trình công tác ba năm (2014 - 2016) và ra Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng”.

Cũng ngày hôm qua (21/5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thủ đô Manila, bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Philippines và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2014, được biết diễn đàn này sẽ bàn về các vấn đề kinh tế, và nếu vấn đề biển Đông có tác động ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thì vẫn sẽ có nội dung bàn bạc về tình hình biển Đông. Trước đó, ngày 20/5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông hy vọng sẽ gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 21/5 để thảo luận các vấn đề xoay quanh những vụ chạm trán gần đây của Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở biển Đông... Chắc hẳn những hoạt động nói trên đang làm cho Trung Quốc lo sợ về một ngày không xa sức mạnh của luật pháp sẽ được thực thi, quốc gia có cơ sở pháp lý và đạo lý sẽ đủ sức để chiến thắng.

Chính vì vậy, dù cao giọng răn đe, nhưng Trung Quốc đã không thể che dấu được nỗi lo sợ của mình.

Chí Linh Sơn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Trung Quốc tỏ rõ dấu hiệu lo sợ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO