(Baonghean) - Sáng 16/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo bất thường để thông báo nước này "hoàn thành công trình bồi lấp nền đất một bộ phận các đảo bãi" ở Trường Sa. Điều này có nghĩa Trung Quốc vừa nhằm hướng cộng đồng quốc tế mặc nhiên thừa nhận việc xây dựng trái phép của họ như một chuyện đã rồi, vừa nhằm mục đích hướng sự quan tâm của dư luận trong nước để che đậy sự tha hóa, biến chất của vô số quan chức chính quyền, đồng thời làm dịu sự phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế. Để hiểu rõ hơn ý đồ của Bắc Kinh sau tuyên bố này, Báo Nghệ An xin giới thiệu đến độc giả bài phỏng vấn PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công An.
 |
Những bức ảnh vệ tinh thể hiện mức độ nghiêm trọng của hoạt động xây dựng trái phép tại một số bãi đá. Từ một diện tích nhỏ (mũi tên trắng) Trung Quốc đã cho xây mới quy mô lớn ở bãi Chữ Thập. |
P.V: Ngày 16/6 vừa rồi, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố hoàn tất các hoạt động san lấp trái phép trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm được của Việt Nam ngày 14/3/1988. Theo Thiếu tướng, nguyên nhân vì đâu Trung Quốc lại có tuyên bố như vậy?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo nghiên cứu của tôi, việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên là nhằm đạt được 4 mục đích sau đây.
Thứ nhất, việc tuyên bố hoàn tất các hoạt động san lấp trái phép trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ phục vụ đối nội, nghĩa là chính quyền Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường thông báo điều nay để gợi đến 1,350 tỷ người dân Trung Quốc rằng “Trong một năm trở lại đây mặc dù bị cộng đồng quốc tế, 10 nước Asean và đặc biệt là Mỹ phê phán việc làm của Bắc Kinh, nhưng dưới sự lãnh đạo của đảng, Trung Quốc vẫn không chịu khuất phục”. Với dụng ý là “đồng bào cứ yên tâm, chính quyền Bắc Kinh sẽ làm mọi việc vì lợi ích của người dân”. Điều này còn có nghĩa kích động tinh thần dân tộc, tạo sự đồng thuận của người dân trong bối cảnh xã hội Trung Quốc còn có quá nhiều những vấn đề bức xúc, như: tham ô, tham nhũng, tha hóa quan chức, quan liêu, cửa quyền; tài nguyên ngày một cạn kiệt; ô nhiễm môi trường… đã vượt quá giới hạn chịu đựng đối với đất nước đông dân nhất thế giới này.
Như vậy, theo tôi rõ ràng Trung Quốc đưa ra thông báo này để thu hút dư luận trong nước, giảm bớt sự bất bình đối với nhà nước nhằm mục đích che đây sự tha hóa, biến chất của một bộ phận lớn quan chức cũng như nhiều vấn đề đáng quan tâm khác. Hơn nữa, việc này còn tạo cho người dân Trung Quốc cảm thấy ý thức dân tộc được tôn trọng, nhằm củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước Trung Hoa.
Thứ hai, việc họ xây dựng các đảo chìm đánh chiếm của Việt Nam vào ngày 14/3/1988 thành những căn cứ quân sự đã bị cộng đồng quốc tế phản đối dữ dội, trong đó có những phản đối vô cùng gay gắt. Có thể kể đến tuyên bố của chủ tịch của 10 nước Asean yêu cầu Trung Quốc không được thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; đặc biệt trong tháng 3, 4, 5, và nửa đầu tháng 6 vừa qua, lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trong đó có Thượng Nghị sỹ, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Mỹ Jonh McCain đã 5 lần lên tiếng công khai hành động của Trung Quốc. Ông Jonh McCain còn yêu cầu phải đưa việc san lấp trái phép trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ra Đại hội đồng Liên hợp quốc để phản đối Trung Quốc; hay tại Hội nghị Shangri La 14, chủ đề bao trùm suốt những ngày diễn ra đại hội là phê phán hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông; còn nữa, tại Hội Nghị G7 diễn ra ở Đức, 17 trang tuyên bố chung đã dành phần lớn nội dung phê phán Trung Quốc thay đổi hiện trạng Biển Đông và yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải dừng ngay.
Và trong bối cảnh búa rìu dư luận đang đổ dồn về Bắc Kinh lên án hành động bất chấp luật pháp quốc tế như vậy, Bắc Kinh đã rất “khôn khéo” tuyên bố hoàn tất việc xây dựng ở Biển Đông và theo tôi, thế hệ lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đang áp dụng kế sách “Rút lửa dưới nồi” của Tôn Tử. Nghĩa là Trung Quốc biết rằng khi cộng đồng quốc tế phản đối thì họ tuyên bố đã hoàn thành, dư luận cũng không còn lý do gì để phản đối nữa. Như vậy là họ đã dẹp yên được dự luận quốc tế.
Thứ ba, rõ ràng việc tuyên bố như vậy là một hành động rất khôn ngoan trong ngoại giao khi căng thẳng Trung – Mỹ đang ở giai đoạn đỉnh cao. Như đã biết, liên tục từ năm 2014 tới nay, giới chức Mỹ từ Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Người phát ngôn của Nhà trắng… là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc. Vì vậy việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành xây dựng trên Biển Đông là hành động xuống thang để giữ thể diện cho Mỹ. Rõ ràng Bắc Kinh cũng không muốn đẩy căng thẳng Mỹ - Trung đi quá xa bởi xét cho cùng, tương quan lực lượng của Bắc Kinh vẫn còn lâu mới so sánh được với Washington. Và cũng bởi chính quyền Trung Quốc nhận ra rằng, khi Mỹ đã không còn dành bất cứ sự tôn trọng nào cho Bắc Kinh thì chắc chắn họ sẽ hành động cứng rắn, và nếu đã hành động cứng rắn thì Trung Quốc mất rất nhiều mà chẳng được lợi gì. Như vậy, theo tôi việc xuống thang của Trung Quốc lần này sẽ “đẹp cả đôi đường”. Bắc Kinh đang tạo cho giới chức Mỹ cảm nhận được rằng sự phản đối của mình đã có tác dụng, trong khi đó Trung Quốc cũng được lợi là không đẩy căng thẳng đi quá xa.
Thứ tư, vào cuối tháng 6 này sẽ diễn ra cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ tại Washington, nếu không tuyên bố như vậy thì cuộc đối thoại này sẽ trở nên rất căng thẳng. Và quan trọng hơn là tới tháng 9 này ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du chính thức cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ, vì vậy cần phải có động tác xuống thang ngoại giao nếu không muốn kết quả của chuyến đi sẽ chỉ là con số không tròn trĩnh. Nên có thể nói rằng đây là động thái dọn đường cho cuộc đối thoại diễn ra vào tuần tới cũng như cho chuyến đi thăm cấp cao chính thức của ông Tập vào tháng 9.
Như vậy có thể nói rằng, với 4 lý do trên đủ để Trung Quốc tuyên bố “Hoàn thành san lấp trên Điển Đông”, điều này vừa hướng sự quan tâm của 1,350 tỷ dân ra xa các vấn đề gây bức xúc nội tại, vừa có thể dẹp yên dư luận quốc tế và dọn một con đường đẹp đẽ, bằng phẳng cho chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của ông Tập tới Mỹ vào tháng 9 năm nay.
P.V: Theo Thiếu tướng, bước tiếp theo Bắc Kinh sẽ làm gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng đây mới là vấn đề đáng phải quan tâm. Xin nhắc lại rằng, từ trước tới nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc và ngay cả ông Ngoại trưởng Vương Nghị; Tôn Kiến Quốc, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Trung Hoa… tuyên bố rằng việc cải tạo Trường Sa chỉ nhằm mục đích dân sự. Như biến Trường Sa trở thành nơi tránh, trú bão; cứu trợ nhân đạo trên Biển Đông; lắp ngọn Hải Đăng để phục vụ cho tàu thuyền của nhiều nước chứ không riêng gì cho Trung Quốc; và đây còn là nơi để tổ chức nghiên cứu khoa học, môi trường…
Nhưng theo tôi, những tuyên bố kiểu như vậy mà xuất phát từ giới chức Trung Quốc thì chưa thể tin được, bởi lẽ ảnh vệ tinh của Mỹ và châu Âu chụp liên tục trong tháng 4, 5 và nửa đầu tháng 6 cho thấy mỗi tháng hoạt động bồi đắp 7 hòn đảo, đặt biệt trên đảo Chữ Thập và Gạc Ma ngày một lớn lên. Sau 20 tháng, đảo Gạc Ma diện tích đã tăng lên gấp 200 lần, Chữ Thập tăng 10 lần. Tổng diện tích 2 hòn đảo này đã tương đương với diện tích 20 km2. Cũng theo ảnh vệ tinh của Mỹ và châu Âu, trên 2 đảo đã hình thành các đường băng của 2 sân bay quân sự. Ở Gạc Ma là đường băng dài 2.400m, trong khi đó ở đảo chữ thập, chiều dài của đường băng là 3.400m. Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự, một khi các đường băng này hoàn thành,Trung Quốc sẽ đưa các loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới nhất như J10, H6 và H6K có tầm hoạt động 1.800 km, mỗi máy bay có thể mang trên mình 9 tên lửa đạn đạo tầm bắn 2.000 km.
Có thể sắp tới Trung Quốc sẽ công khai là sẽ xây dựng sân bay phục vụ mục đích dân sự, thậm chí có thể mời Mỹ và một số nước khác tham gia sử dụng. Chắc chắn trong năm 2015 này, Trung Quốc sẽ chưa đường đột đưa máy bay và tàu chiến đến Gạc Ma và Chữ Thập mà tiếp tục “trương” ra những công trình dân sự như “Hải Đăng”, “Trung tâm thông tin liên lạc và cứu nạn trên biển”, “cơ sở nghiên cứu khoa học”... Nhưng song song với đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hoàn chỉnh sân bay quân sự, âu thuyền cho tàu chiến 50.000 tấn neo đậu được ở Gạc Ma và Chữ Thập của Việt Nam. Như vậy có thể thấy, mục đích cuối cùng của Trung Quốc vẫn là xây dựng căn cứ quân sự. Tuy nhiên Bắc Kinh sẽ không xây dựng ồ ạt mà làm từng bước để “khoe” với thế giới rằng chúng tôi đang xây cất vì mục đích “dân sự, nhân đạo”.
Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu quân sự, tôi cho rằng việc tuyên bố hoàn thành việc xây dựng trên Biển Đông không có nghĩa là đã ổn định tình hình, chuyện này chỉ có nghĩa là Trung Quốc đã xây dựng rồi và sẽ tiếp tục xây dựng tiếp. Vì vậy dư luận vẫn cần phải theo sát diễn biến tiếp theo để có cách phản ứng tương xứng.
PV: Theo Thiếu tướng, sau khi Trung Quốc tuyên bố hoàn tất việc xây dựng trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng gì tới phản ứng của cộng đồng quốc tế?
Tôi cho rằng, chẳng ai có thể tin được những tuyên bố của Trung Quốc, nên phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào những việc làm tiếp theo của Bắc Kinh. Nếu sắp tới Chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục xây dựng những căn cứ dân sự như hải đăng, trạm thu phát tin, trung tâm phản ứng nhanh… thì cộng đồng quốc tế sẽ có phản ứng khác. Mặc dù tất cả đều biết rằng, việc xây dựng này là hoàn toàn phi pháp, và Trung Quốc chẳng có cơ sở pháp lý nào để khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Còn khi điều ngược lại xảy ra, Trung Quốc sẽ vấp phải phản ứng của dư luận ngày càng mạnh mẽ.
PV: Thưa Thiếu tướng, như vậy rõ ràng không thể chủ quan được với chính quyền Bắc Kinh, vậy Việt Nam cần có phản ứng như thế nào ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng, với Trung Quốc, Việt Nam cần phải tỏ thái độ kiên quyết, trước sau như một. Còn việc tuyên bố hoàn tất việc xây dựng, cải tạo hoạt động phi pháp trên Trường Sa, một lần nữa tôi khẳng định đây chỉ đơn giản là áp dụng quỷ kế “Rút lửa dưới nồi” trong binh pháp của Tôn Tử mà thôi. Vừa rồi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói rằng “Việt Nam có đủ căn cứ lịch sử, văn hóa và pháp lý đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vậy nên tôi cho rằng các nhà lãnh đạo phải tranh thủ những kênh ngoại giao để nói thẳng với lãnh đạo Trung Quốc rằng việc làm của họ đã đi ngược lại với cam kết trước đây giữa lãnh đạo 2 nước. Và việc cải tạo các đảo chìm, đảo nổi trên các đảo của Việt Nam đã vi phạm Khoản 3, Khoản 4 của Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, vi phạm Nghị quyết 2625 ký vào tháng 10/1970 trong Đại hội đồng, vi phạm tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa Trung Quốc với các nước Asean, vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.
Và cũng cần phải tỏ rõ lập trường rằng những việc làm của Trung Quốc đã vi phạm một loạt các quy định quốc tế. Không những thế, trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc đã hơn 10 lần ký cam kết với lãnh đạo Việt Nam và quốc tế rằng sẽ có trách nhiệm đảm bảo hòa bình, ổn định Biển Đông, vậy những việc làm đó đã đi ngược lại với cam kết của Bắc Kinh. Ngoài ra, cần có phản ứng thích đáng để Trung Quốc “hiểu” rằng, Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, không được ép Việt Nam quá mức như vậy, không được đưa mối quan hệ kiểu nước lớn để chèn ép Việt Nam. Và một khi đã đi quá giới hạn của sự chịu đựng, Việt Nam sẽ phản ứng. Cần cho Trung Quốc hiểu rằng họ phải tôn trọng một quốc gia có chủ quyền, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
P.V: Xin cảm ơn thiếu tướng!
Cảnh Nam (Thực hiện)