Trung ương giám sát việc phát triển khoa học công nghệ ở Nghệ An
(Baonghean.vn) – Sáng 30/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp giám sát Trung ương do đồng chí Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam dẫn đầu đã có buổi làm việc cùng UBND tỉnh Nghệ An với nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật khoa học và công nghệ.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã làm việc cùng đoàn.
Tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những năm gần đây, Nghệ An đã không ngừng nâng cao nhận thức, đầu tư mạnh vào KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Sau khi Nghị quyết 20 – NQ/TW “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được ban hành, Nghệ An đã tích cực chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Cụ thể hóa Nghị quyết, Nghệ An đã ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển KH&CN; Phê duyệt, triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch có liên quan. Đơn cử là đề án phát triển Nghệ An thành Trung tâm KH&CN vùng Bắc trung bộ giai đoạn 2015-2020.
Nghệ An đã tích cực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao đẳng trở lên trên địa bàn tỉnh hiện có là 5.571 người, trong đó có 97 giáo sư phó giáo sư; 258 tiến sĩ và Bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa 2.
Tỉnh đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Chú trọng công tác chuyển hóa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất; Với phương châm lấy ứng dụng là chính, giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã triển khai 165 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 38,8%. Tổng đầu tư cho KH&CN của tỉnh giai đoạn 2011-2015 là 172 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp giám sát Trung ương làm việc tại Nhà máy sữa Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn. |
Đến nay tỉnh có 632 đối tượng được xác lập bảo hộ, quản lý, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ, trong đó có 11 sáng chế... Tỉnh xây dựng các nhãn hiệu cho các sản phẩm địa phương với 1 chỉ dẫn địa lý cam Vinh, 01 nhãn hiệu chứng nhận (nước mắm Vạn phần) và 5 nhãn hiệu tập thể (Chè Nghệ An; Hương trầm Quỳ Châu; Ngói Cừa; bánh đa, Kẹo lạc; Nước mắm Hải Giang I).
Tuy nhiên, hiện nay, đóng góp KH&CN trực tiếp cho ra các sản phẩm mới, trở thành hàng hóa còn ít; Phát huy hiệu quả ứng dụng còn hạn chế; Vẫn còn đề tài, dự án hiệu quả thấp, tính nhân rộng thấp; Một số lĩnh vực chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; Thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư giỏi.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã có các câu hỏi làm rõ về cơ chế chính sách đầu tư, chế độ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, số lượng mô hình KH&CN cao trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệu quả thực tiễn từ các đề tài nghiên cứu của tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã có những báo cáo trả lời cụ thể. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thúc đẩy phát triển một số sản phẩm hàng hóa, KH&CN đã, đang và sẽ là nguồn lực thiết thực giúp Nghệ An xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiện nay, 70% số đề tài đã đi vào ứng dụng trong thực tiễn, đem lại thành quả tốt.
Đồng chí Lê Bá Trình, trưởng đoàn công tác đánh giá cao sự chủ động, quan tâm đầu tư phát triển KH&CN của tỉnh Nghệ An. |
Đồng chí Lê Bá Trình đề nghị Nghệ An cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về hành động đối với KH&CN của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội; Tăng dần đầu tư cho KH&CN một cách hợp lý, ưu tiên nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN cho các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, quy mô và tầm ảnh hưởng lớn; Tiếp tục xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thành lập tổ chức hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, thu hút các chuyên gia đầu ngành.
Theo đó, Nghệ An cần lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để tập trung đầu tư về KH&CN nhằm phát triển thành sản phẩm hàng hóa, hình thành những vùng nguyên liệu, nông nghiệp sạch tập trung có quy mô lớn; Đẩy nhanh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước và sản xuất, đời sống, từng bước hình thành công nghiệp công nghệ thông tin; Quan tâm nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn./.
Thanh Sơn