Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam

16/06/2011 18:23

(Baonghean) – Gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Bển Đông đang làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ các nước trong khu vực, trong đó có mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Để bạn đọc hiểu thêm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, báo Nghệ An Điện tử giới thiệu bài viết nhằm cung cấp thông tin về vấn đề này.

Chứng cứ lịch sử

Cách nay trên 5 thế kỷ, người Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497), trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư”, ông cha ta đã vẽ bản đồ Trường Sa và Hoàng Sa, lúc đó gọi Hoàng Sa là “Bãi Cát Vàng” và Trường Sa là “Vạn lý Trường Sa” (nguyên bản hiện đang lưu giữ tại Tokyo Nhật Bản). Từ đầu thế kỷ 17 các bản đồ địa lý cổ Việt Nam ghi chép Bãi Cát Vàng để chỉ cả Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục của học giả Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được định vị thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sách Lịch triều hiến chương loại chí và Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú (1782-1840) mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước phong kiến Việt Nam. Trong bộ quốc sử Đại Nam thực lục của triều Nguyễn ghi, từ năm 1711, chúa Nguyễn Phúc Chu cho người ra đo độ dài ngắn rộng hẹp bãi cát Trường Sa. Trong Đại Nam nhất thống toàn đồ (cuốn bản đồ của VN được hoàn thành năm 1838), Trường Sa được vẽ thuộc lãnh thổ Việt Nam. Các triều phong kiến Việt Nam đã từng tiến hành nhiều cuộc khảo sát địa lý và tài nguyên trên quần đảo này, với kết quả của các chuyến khảo sát đã được ghi chép trong văn học, lịch sử Việt Nam, được xuất bản kể từ thế kỷ 17.



Tư liệu phương Tây xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gồm: Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Le mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels. An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 A of the Geographycal Society of London (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels... Ngay như tài liệu Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán là người Trung Quốc cũng cho biết, Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa.

Nguồn tư liệu về quần đảo Hoàng Sa của chính quyền họ Trịnh ở Bắc Hà hầu như chủ yếu là Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư hay Toàn Tập An Nam Lộ, năm 1686, có bản đồ, là tài liệu xưa nhất, ghi rõ, hằng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng. Trong sách Phủ Biên Tạp Lục, năm 1776 của Lê Quý Đôn là tài liệu cổ, mô tả kỹ về Hoàng Sa, có đoạn đề cập việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX) là tài liệu quí giá hiện đang được lưu trữ tại Kho lưu trữ trung ương 1 ở Hà Nội, qua đó chúng ta tìm thấy những bản tấu, phúc tấu của các đình thần, của các bộ và các cơ quan khác, những chỉ dụ của các đời vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn, như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc.v.v... Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) có chiếu chỉ đình hoãn kỳ vãng thám, sau đó lại tiếp tục. Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn xong năm 1882 (soạn lại lần hai và khắc in năm 1910) xác định Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, và tiếp tục khẳng định hoạt động đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản... Ngoài ra, các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam.

Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc. Sau ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa, họ cử nhiều đoàn khảo cổ đến các đảo thuộc quần đảo này và “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này.v.v… Song các “phát hiện” ấy đều không có giá trị để minh xác chủ quyền cho họ, trong khi chính họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” trên đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée) là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.

Tóm lại, Việt Nam có một hệ thống tư liệu lịch sử các loại hết sức rõ ràng để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tư liệu này đều chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục dưới thời Đại Việt, từ giai đoạn Nam Bắc phân tranh đến thời Tây Sơn, tiếp sang triều Nguyễn (từ 1802-1945). Với rất nhiều tài liệu chính sử đó đã đủ để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam .

Thực thi chủ quyền qua các triều đại Việt Nam

Quần đảo Hoàng Sa (gồm hơn 30 hòn đảo), nằm ở vĩ độ 15o45' đến 17o15' Bắc, kinh độ 111o đến 113o Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; diện tích chừng 15.000km2. Quần đảo Trường Sa (gồm trên 100 đảo đá, cồn san hô, bãi cạn, bãi ngầm nằm rải rác trên vùng biển), nằm ở vĩ độ 6o50' đến 12o vĩ Bắc, kinh độ 111o3' đến 117o2' Đông, từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam 360 hải lý, có diện tích khoảng 180.000km2, diện tích phần nổi thường xuyên khoảng 10km2, cách bờ biển tỉnh Khánh Hoà 248 hải lý.

Sau khi Triều Nguyễn ký kết hiệp ước với Pháp, chính quyền Pháp tại Đông Dương với tư cách nhà nước bảo hộ, người Pháp đại diện các quyền lợi của Việt Nam đối với các công việc quốc tế và đã thi hành chủ quyền trên quần đảo thay cho Việt Nam.

Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền của Bảo Đại quản lý, hôm đó Thủ hiến Trung phần là Tướng Phan Văn Giáo đích thân chủ tọa buổi lễ tiếp nhận tổ chức tại đảo Hoàng Sa.

Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Franxitco, Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại - Trưởng phái đoàn của Việt Nam là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Nhật đã trả lại tất cả lãnh thổ họ chiếm cứ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tại hội nghị, 51 quốc gia tham dự không hề có ý kiến phản đối.

Kể từ ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, đất nước Việt Nam bị cắt làm đôi bởi vĩ tuyến 17, quần đảo Trường Sa ở phía Nam vĩ tuyến 17 thuộc chủ quyền của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Khi ngày đội quân viễn chinh Pháp xuống tàu tại Hải Phòng rút khỏi Việt Nam, vào năm 1956, khi người Pháp vừa bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền VNCH tại Sài Gòn, lợi dụng "tranh tối tranh sáng", Trung Quốc đã đưa quân đánh chiếm đảo Phú Lâm phía đông Hoàng Sa, quân đội Sài Gòn phải chạy về đóng tại phía Tây Hoàng Sa. Ngày 22/8/1956 Hải quân VNCH tiếp thu đảo Trường Sa, tiến hành Lễ thượng cờ, dựng trụ đá ghi chủ quyền.

Ngày 22/10/1956 Chính phủ VNCH tuyên bố Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy (hiện nay Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hoà).

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của nước Việt Nam. Nhằm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ nói chung và biển đảo nói riêng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang và sẽ làm hết sức mình trong cuộc đấu tranh pháp lý tại mọi diễn đàn luật pháp quốc tế, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc thiêng liêng của chúng ta .


Mai Thuận Ngôn

Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO