Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - Điểm sáng mô hình giáo dục dân lập

14/11/2013 16:47

(Baonghean) - Ngày 13/11/1990, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định thành lập Trường THPT dân lập mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Trường Tộ đóng trên địa bàn TP. Vinh - trường THPT ngoài công lập đầu tiên của cả nước. Quá trình hoạt động, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh ở đây đã nỗ lực phấn đấu đưa nhà trường không ngừng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xã hội hóa giáo dục của tỉnh nhà...

(Baonghean) - Ngày 13/11/1990, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định thành lập Trường THPT dân lập mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Trường Tộ đóng trên địa bàn TP. Vinh - trường THPT ngoài công lập đầu tiên của cả nước. Quá trình hoạt động, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh ở đây đã nỗ lực phấn đấu đưa nhà trường không ngừng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xã hội hóa giáo dục của tỉnh nhà...

Nhớ lại những ngày đầu mới đi vào hoạt động (năm học 1988 - 1989) trong thời gian chờ quyết định chính thức thành lập, nhà trường phải đi thuê phòng học, hết ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, rồi khoa Sinh (cũ) của Đại học Sư phạm Vinh ở phường Hưng Bình, đến việc thuê phòng ở TTGDTX thành phố. Đến năm 1992, nhà trường tiếp quản một phần của Bệnh viện Y học cổ truyền với mấy dãy nhà làm việc cấp 4 đã xuống cấp được sửa chữa lại để làm phòng học tạm. Cùng với đó, trang thiết bị, đồ dùng dành cho dạy và học thiếu thốn, không đồng bộ.

Giám đốc Sở GD - ĐT trao QĐ cho lãnh đạo nhà trường.
Giám đốc Sở GD - ĐT trao QĐ cho lãnh đạo nhà trường.

Cơ sở vật chất là như thế, còn đội ngũ giáo viên của nhà trường ngoài những giáo viên về hưu có kinh nghiệm thì các chuyên viên của Sở GD&ĐT từng là giáo viên dạy giỏi thường bận công việc chuyên môn nên nhiều khi các lớp phải nghỉ học do số giáo viên này phải đi công tác, đi họp... Học sinh vào trường hầu hết thuộc diện trung bình, trung bình non và yếu kém, đa số con em gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Theo thầy Hoàng Kỳ - nguyên Hiệu phó đầu tiên của trường, thì: “Những ngày ấy học sinh ở xa và nhiều địa bàn khác nhau, thông tin liên lạc không thuận tiện như bây giờ, nên mỗi lần phải thay đổi địa điểm học tập thì cả giáo viên và học trò đều rất vất vả...”.

Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng lòng yêu nghề, tập thể giáo viên nhà trường đã đồng lòng cố gắng, từng bước đưa trường vào nề nếp, nâng cao chất lượng giáo dục. Dần dần, khi đã ổn định số lượng học sinh và giáo viên, thầy trò và phụ huynh học sinh đóng góp đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang trong khuôn viên có diện tích khoảng 12.000m2, gồm 2 dãy nhà 3 tầng, 1 dãy nhà 2 tầng với tổng số 30 phòng rộng rãi, có đầy đủ hệ thống ánh sáng, quạt trần, phòng truyền thống, thư viện, 3 phòng thí nghiệm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, 3 phòng máy vi tính) và 8 phòng làm việc cho lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, các tổ chuyên môn.

Hệ thống sân chơi bãi tập đảm bảo đủ diện tích. Chất lượng dạy và học chuyển biến nhanh chóng. Có không ít thầy cô giảng dạy ở nhà trường đã trưởng thành, sau này chuyển sang vị trí cao hơn, như: cô Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; Tiến sỹ Nguyễn Ánh Dương - Phó Hiệu trưởng Trường chuyên của Đại học Vinh; Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Hằng, khoa Toán, Đại học Vinh; Thạc sỹ Phan Minh Tuấn, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Vinh... Nhiều thầy cô khác gắn bó với trường, với lớp có kinh nghiệm giảng dạy, tận tâm, dìu dắt học trò từ yếu, kém lên trung bình, từ trung bình lên khá và khá lên giỏi, đạt được nhiều thành tích cao để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thế hệ học trò và phụ huynh.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ. Hiện nay, đội ngũ giáo viên của nhà trường 100% đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó có 24 giáo viên có trình độ thạc sỹ; tổ chức đảng, công đoàn hoạt động hiệu quả, vững mạnh. Từ việc chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, nhà trường đã tạo điều kiện để tất cả giáo viên đều được tham gia các lớp tập huấn, xây dựng các bài giảng mẫu, giáo án mẫu, dự giờ mẫu với tiêu chí chất lượng cao; kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng nhà trường: trật tự, kỷ cương, trung thực, công bằng, tình thương, khuyến khích sáng tạo, hiệu quả và khẳng định vị trí quyết định của người thầy trong sự nghiệp đổi mới giáo dục của nhà trường. Nhà trường cũng chú trọng thi đua thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội phù hợp, hiệu quả.

Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục rèn luyện đạo đức học sinh. Nhờ đó, phụ huynh học sinh có thể yên tâm khi con em mình được quản lý và học tại trường. Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi, xếp loại đạo đức khá, tốt hàng năm đều tăng. Cho đến nay, Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ đã có trên 11.300 học sinh tốt nghiệp, học sinh giỏi tỉnh có 548 em, học sinh giỏi quốc gia 3 em; số học sinh đậu đại học, cao đẳng hàng năm đạt khoảng 50% số dự thi. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp, trở thành kỹ sư, kiến trúc sư, bác sỹ, nhiều người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, thành đạt trong các lĩnh vực.

Ghi nhận những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường suốt 25 năm qua, Trường THPT dân lập Nguyễn Trường Tộ - lá cờ đầu các trường ngoài công lập trong tỉnh, đã được nhận nhiều phần thưởng xứng đáng: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và nhiều bằng khen của UBND tỉnh.

Đặng Quang Hùng

(Hiệu trưởng Trường THPT DL Nguyễn Trường Tộ)

Mới nhất

x
Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - Điểm sáng mô hình giáo dục dân lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO