Truyền hình Việt: Nội dung chán vì đầu tư ít tiền

18/10/2014 14:52

Các nhà sản xuất nội dung cho truyền hình tthan rằng, hiện cơ chế hợp tác sản xuất nội dung phát sóng trên các kênh truyền hình đang gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí quá ít, nên khó có nội dung hay. Đó là lý do khiến các kênh nước ngoài vẫn chiếm một mảnh đất rộng trên sóng truyền hình trả tiền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo bà Ngô Bích Hạnh, Phó Tổng giám đốc Vietnam Media Corp – BHD, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam dành cho doanh nghiệp sản xuất nội dung nội địa rất thấp. Với giá thuê bao tháng của truyền hình trả tiền thấp nhất trong khu vực (bình quân chỉ từ 4 -5 USD – PV), quảng cáo lại chủ yếu trên kênh quảng bá. Do đó, những công ty sản xuất nội dung truyền hình mà không có kênh phát sóng như BHD thực sự rất khó khăn để sản xuất nội dung cho truyền hình trả tiền, vì nguồn kinh phí quá nhỏ.

Kinh phí để sản xuất một bộ phim truyền hình rất ít ỏi, chỉ khoảng 100 – 200 triệu đồng, bộ phim nào đầu tư nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Đó là lý do khiến nội dung nước ngoài trên truyền hình trả tiền vẫn là mảnh đất rộng lớn, chứ không phải cho nội dung được sản xuất trong nước.

Cũng theo bà Hạnh, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đang được đầu tư lớn do thu hút được nhiều tài trợ. Điều này ngược lại với ở các hãng nước ngoài, phim truyện được đầu tư lớn hơn rất nhiều tiền so với truyền hình thực tế. Kinh phí hẹp sẽ không thể sản xuất nội dung hay để phát sóng trên kênh nước ngoài.

Bà Lê Thị Phương Thủy, Giám đốc Dream Field Studio (HTV3) cho biết, HTV3 có kênh truyền hình của chính mình và kinh doanh quảng cáo trên đó, do đó chủ động được cả đầu ra lẫn về mặt kinh doanh quảng cáo, từ đó nâng cao được chất lượng nội dung từ 2 năm nay. Hiện tất cả các hãng truyền hình trả tiền lớn như SCTV, VTVcab đều đầu tư lớn vào sản xuất nội dung, điều đó cho thấy đầu tư sản xuất nội dung nội địa là tốt nhất.

Tuy nhiên, bà Phương Thủy cho rằng, nếu các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nội dung độc lập thì rất khó khăn. Bởi nếu các nhà sản xuất nội dung không giữ được độc quyền bởi nạn ăn cắp bản quyền và lại bị phụ thuộc vào các nhà đài về lợi nhuận. Ở nước ngoài, các nhà sản xuất nội dung được hưởng lợi nhuận 10-15% và được hưởng bản quyền để kinh doanh các nguồn khác.

Khó khăn lớn nhất đối với các nhà sản xuất nội dung là công nghệ đang phát triển quá nhanh, nội dung phải làm thế nào để phát triển đáp ứng nhu cầu phát sóng đa màn hình là thách thức rất lớn. Ví dụ điển hình, nội dung chia sẻ trên mobile giá thành cao hơn ở nước ngoài, nếu nước ngoài nhà cung cấp nội dung chỉ chia sẻ cho nhà mạng 20% doanh thu, trong khi ở Việt Nam là 40 -45%. Chi phí lớn, công nghệ thay đổi chóng mặt là thách thức rất nhiều cho các nhà sản xuất nội dung truyền hình.

Lợi thế thuộc về các nhà sản xuất có kênh phân phối nội dung, họ dành thời gian vàng để phát sóng các chương trình của họ. Bà Thuỳ đề nghị, VTVcab hay SCTV phải mở rộng cửa với các nhà sản xuất độc lập, bởi các đài cũng cần đa dạng hóa nội dung để cung cấp các gói dịch vụ.

Một ý kiến khác cũng cho rằng, cơ chế mua bán nội dung của các đài hiện tại gây áp lực cho nhà sản xuất nội dung độc lập, họ vừa phải lo sản xuất nội dung tốt, vừa đảm bảo doanh thu quảng cáo, trong khi chương trình phát sóng thuộc bản quyền của đài. Doanh nghiệp sản xuất nội dung cuối cùng chả được gì hết. Các đài cần phải có cơ chế cởi mở hơn đối với các nhà sản xuất nội dung thì mới có thể có được chương trình tốt hơn được.

Chia sẻ về vấn đề chi phí sản xuất nội dung truyền hình, bà Nguyễn Trâm - Stevenin, Trưởng đại diện tại Việt Nam của kênh FOX International Chanels cũng cho biết, không có tiền rất khó có nội dung hay, đầu tư tài chính là vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng nội dung truyền hình.

Khi mới bước vào Việt Nam bước đi đầu tiên là FOX phải là Việt hóa các kênh, đến bước 2 là hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để phát triển format chương trình theo đúng chuẩn của địa phương. Hiện có nhiều chương trình của FOX đã được quay và sản xuất cho phù hợp cho khán giả châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có những tập dành riêng cho Việt Nam. Chiến lược của FOX là sẽ hợp tác với các nhà sản xuất nội dung địa phương để có kênh phục vụ cho khán giả Việt Nam.

Bà Trâm cũng cho rằng, các hãng nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề tôn trọng bản quyền, nếu FOX bỏ tiền hợp tác với doanh nghiệp trong nước thì yêu cầu đầu tiên là bản quyền phải được tôn trọng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Sơn Đông, Phó Tổng giám đốc VTVcab cho rằng, bài toán chất lượng nội dung các chương trình nói chung, truyền hình cáp nói riêng nằm ở chỗ nguồn thu chính của truyền hình đến từ quảng cáo. Nếu tăng được doanh thu thì sẽ dễ hơn để tái đầu tư cho nội dung, tạo ra các chương trình đáp ứng nhu cầu khán giả, từ đó nội dung tốt cũng góp phần quay trở lại để nâng doanh thu. Do đó, vấn đề chính của nhà sản xuất nội dung là phải lựa chọn để đầu tư đúng, VTVcab sẵn sàng ăn chia tốt hơn nếu các nhà sản xuất có nội dung hay.

Theo ICTnews

Truyền hình Việt: Nội dung chán vì đầu tư ít tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO