Truyện ngắn: Bên bờ Na Phạ

Tùng Quân 27/10/2022 19:22

(Baonghean.vn) - ... Linh sơn thường phải mười mấy năm mới nở một lần mà không phải ai cũng gặp được, và hoa chỉ nở khi Na Phạ sắp có một thay đổi hay biến cố lớn. Mẹ em gặp linh sơn nở từ ba mươi năm trước...

Minh họa: Vũ Thủy

Tôi giục bọn trẻ về nhà kẻo trời tối. Chúng cố nán lại sân trường chơi thêm một lúc mới lác đác rủ nhau về. Tôi ra suối ngồi, nước chảy nghe như giọng nói của người xưa, thầm thì, đồng điệu... Biết đâu suối đang kể cho tôi nghe câu chuyện của bố tôi ngày trước thì sao. Hoặc là tôi tưởng tượng ra như vậy để nguôi ngoai cuộc tìm kiếm âm thầm.

***

Bố có lệnh lên biên giới khi tôi mới tròn ba tháng tuổi. Bố giấu chặt nước mắt vào lòng để không ngoảnh lại. Còn mẹ kín đáo cười mỉm đến lạ lùng. Bố viết thư về hàng tháng, nhưng thư ấy chỉ có bà đọc rồi rưng rưng cất xuống đáy hòm. Mẹ dặm phấn điểm son hằng đêm rồi thản nhiên trao tôi lại cho bà để đến nhà hát trên chiếc xe sang trọng của một người đàn ông. Mẹ tôi là diễn viên của một đoàn nghệ thuật, phải chăng nghề diễn đã lấy đi ít nhiều cảm xúc của chính mẹ? Tôi không lí giải được điều đó ngay cả khi đã khôn lớn.

Thư bố về thưa dần vì những cuộc tuần tra dài ngày vào vùng sâu. Khi biết đọc, tôi đem thư cũ của bố ra đánh vần ê a. Đó là những bài học vỡ lòng của tôi. Mẹ đi qua bàn học, mùi nước hoa hay mùi tóc thoang thoảng vấn vít. Tiếng đọc của tôi chưa bao giờ làm mẹ dừng bước. Mẹ đẹp và xa xôi, ngay chính tôi cũng không dám chạm vào mẹ. Rồi đến một ngày mẹ đi hẳn khỏi ngôi nhà xưa cũ, sau ngày nhận được giấy báo tử của bố không lâu. Bà nội thở dài nhìn di ảnh bố, nước mắt người già lặn cả vào trong hay phai lên màu tóc, tôi không biết nữa. Bà khẽ khàng thắp hương lên ban thờ, không biết bà nói gì mà tôi thấy bố khẽ mỉm cười bình thản sau làn khói trắng.

Đồng đội của bố đến thăm bà và tôi. Chú Khải, người mà sau này viết giấy giới thiệu tôi lên dạy trường tiểu học Na Phạ đã không giấu sự xúc động khi trao cho tôi cuốn nhật ký của bố. Đêm thành phố yên tĩnh đến lạ, nép vào chú, tôi nhắm mắt tưởng tượng đó chính là bố tôi. Giọng chú ấm trầm như bố đang thủ thỉ…

Na Phạ chỉ toàn là núi. Núi che khuất mọi thứ. Nhưng con người vẫn neo vào núi để sinh sống và bám giữ linh hồn vùng đất thiêng. Hằng ngày những người lính biên phòng như bố và chú Khải phải đi sâu vào núi đến với những bản làng. Hành trình đến với lòng người gian nan hơn những ngọn núi cao. Na Phạ có nhà A Tủa giàu nhất vùng nhưng đây cũng là phiến đá chắn cản lớn nhất mà đơn vị của bố phải đối mặt. Nhiều năm rồi nhà A Tủa đã trở thành nơi cất giữ nguồn thu cũng như sự phục tùng của không ít đồng bào nghèo đói quanh vùng. A Tủa lấy sự phục tùng của mọi người bằng cách bỏ ra một ít tiền để họ làm thuê cho hắn. Người trong vùng vì cái nghèo mà bất chấp hiểm nguy vượt biên sang bên kia đem ma túy về. Rồi cũng ma túy đó, hắn gieo rắc cái chết trắng cho bao trai bản. A Tủa cứ giàu lên còn dân bản ngày càng kiệt quệ, ngập ngụa. Quyền lực ngầm của hắn bao phủ. Ai không phục tùng chỉ có nước lặng lẽ đi khỏi đất này.

Nhưng Mây, con gái A Tủa thì lại khác với cha mình. Vẻ đẹp của vóc dáng và tâm hồn chị trong lành như dòng suối. Từ nhỏ Mây đã biết bao người bị cha làm khổ, mẹ chị đã chết trong một lần bị cha cô ép dùng ma túy quá liều. Khi đơn vị của bố tôi lên cắm bản, những lần lén đi nghe bộ đội nói chuyện đã khiến chị cảm động và nguyện cùng những người lính đưa ánh sáng đến cho đồng bào. Những lần trò chuyện đã khiến người con gái ấy yêu ông từ lúc nào không hay, cho dù Mây biết bố tôi đã có gia đình ở xuôi. Mây tìm thấy tình yêu ở nơi mà hai người đã bị ngăn cách bởi những ranh giới vô hình. A Tủa nhận ra sự đổi khác của Na Phạ từ khi bộ đội xuất hiện. Hắn cảm thấy sự độc tôn của mình bị đe dọa. Như con mãnh thú không muốn mất đi vị thế của mình, hắn hậm hực oán thù.

Biết được Mây có tình ý với người sỹ quan biên phòng, hắn vội vã nhận lời gả chị cho đối tác làm ăn ở bên kia biên giới. Đám cưới của Mây cũng là cái cớ để chúng giao nhận hàng cấm, đó là chuyến hàng lớn nhất mà chúng muốn đưa qua biên giới. Kế hoạch ấy bị nhóm trinh sát của bố tôi phát hiện, Mây vờ đồng ý làm đám cưới để phá vụ án ma túy lớn nhất thời bấy giờ. Một cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt đều được hai bên chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi đoàn rước dâu chuẩn bị đi qua biên giới, nơi đầu nguồn con thác chảy vào suối Na Phạ thì những người lính biên phòng xuất hiện.

Nhiều năm sau người dân nơi đây còn nhắc lại câu chuyện đau lòng, khi những tên tội phạm ngoan cố đã đầu hàng thì bất ngờ A Tủa kéo lấy con gái mình để uy hiếp bộ đội. Vì chủ quan đó là cha mình nên Mây đã không đề phòng. A Tủa muốn bố tôi phải buông súng và thế vào chỗ của Mây. Không chỉ vì tình yêu thuần khiết dành cho người con gái ấy, mà cả lòng tin của đồng bào nơi đây đã thúc giục bố tôi. Không do dự ông đã đánh đổi mình để Mây được an toàn. Như con thú cùng đường, A Tủa kéo kíp thuốc nổ, hai thân thể tung lên rồi rơi xuống thác nước. Dòng Na Phạ ở nơi sâu nhất, nước chảy mạnh nhất đã nhấn chìm mọi vết dấu. Mây gào lên nhưng đã không kịp, tiếng thét của cô bị tiếng nước réo sôi nhấn chìm.

***

Những ngọn núi ở Na Phạ bây giờ bình yên tựa vào lưng trời, như sự vững chãi đời đời cho bao nhiêu kiếp người chọn neo mình vào núi. Đã ba năm đến đây dạy học, tôi vẫn không ngừng hỏi thăm tin về Mây. Những người biết chuyện ngày đó đều nói chị đã bỏ đi bặt tin sau nhiều ngày không tìm được xác bố tôi và cha chị. Người chị yêu nhất và người ruột thịt nhất của chị đã tan vào lòng núi hay đắm vào lòng suối?

Tôi lớn lên, phần nào thấu hiểu hơn cho những lựa chọn của mẹ. Những trang nhật ký của bố hé lộ câu chuyện gán ghép năm xưa của ông bà hai bên. Để rồi bố mẹ tôi rơi vào sự cô đơn khi không thuộc về cuộc sống của nhau. Không rõ bố có linh cảm điều gì không, mà ở những trang nhật ký gần sau cuối bố bày tỏ muốn giải thoát cho mẹ được tự do. Bố mãi yêu và thần tượng mẹ khi mẹ hóa thân vào những nhân vật đầy cảm xúc trên sân khấu.

Suối Na Phạ đoạn tôi ngồi êm đềm và trong suốt, như thể không biết đến những dữ dội, thẳm sâu nơi đầu nguồn. Trong bóng chiều nhập nhoạng tôi nhận ra cô học trò nhỏ vẫn còn đang tha thẩn hái hoa bên bờ suối. “Lanh! Sao em còn chưa về, làm gì ở đó?”. Cô trò nhỏ giật mình ngẩng lên, trên tay cầm một bó hoa: “Em về qua bờ suối, thấy hoa linh sơn nở nên hái về tặng mẹ, mẹ em rất thích hoa này, không phải lúc nào hoa cũng nở đâu thầy”. Một ý nghĩ nhói qua tim tôi, hoa linh sơn. Loài hoa trong nhật ký bố tôi nhắc đến.

Na Phạ ngày... tháng...năm! Linh sơn hiếm lắm mới gặp được trong đời, đó là hoa thiêng của núi. Không nhiều người biết đến hoa này, nhờ có em mình mới được chạm vào linh sơn. Linh sơn như thực như mơ, chạm vào đó mà như tan biến mất...”.

Tôi không biết lời dở dang bố định nói là gì, nhưng tôi hiểu linh sơn và người con gái ấy có vị trí đặc biệt trong lòng bố. Cô trò nhỏ nhắc đến linh sơn khiến lòng tôi không khỏi hồi hộp lạ thường. Cố gắng kìm nén điều muốn biết, tôi hỏi: “Linh sơn, sao lại có loài hoa tên lạ vậy em, hoa đẹp thế này mà chưa bao giờ thầy gặp”. “Thưa thầy, mẹ em kể, linh sơn thường phải mười mấy năm mới nở một lần mà không phải ai cũng gặp được, và hoa chỉ nở khi Na Phạ sắp có một thay đổi hay biến cố lớn. Mẹ em gặp linh sơn nở từ ba mươi năm trước”. Chuyện của bố ba mươi năm trước hiện về rõ rệt trong tôi, bố hi sinh nhưng Na Phạ kể từ đó cũng không còn cảnh đồng bào phải khốn khổ vì ma túy và sự thống trị của A Tủa. Mẹ của Lanh cũng gặp linh sơn nở từ ba mươi năm trước, lẽ nào lại có sự trùng hợp ấy. Không kìm nổi lòng mình, tôi hỏi: “Mẹ em tên gì?”. Cô bé bối rối, ngạc nhiên nhìn tôi rồi nói: “Mẹ em tên là Vân”. Tôi nhìn xuống dòng Na Phạ bâng khuâng như vừa đánh mất điều gì.

Sau ba ngày mưa không dứt Na Phạ như một vết thương khổng lồ bởi lũ ống và đất lở. Đây là đợt lũ lớn nhất suốt mấy chục năm qua, bộ đội biên phòng thông tin có rất nhiều người chết và mất tích. Mưa ngớt, các thầy cô lao vào các bản xem tình hình các gia đình của học trò sau lũ. Tôi đến nhà Lanh khi em và mẹ đang lúi húi dọn lại nhà khi nước rút. Tôi thở phào bước vào, đập vào mắt tôi là tấm ảnh một người bộ đội được đặt trên ban thờ. Nụ cười, ánh mắt ấy nhìn tôi đầy yêu thương, trìu mến. Tôi đứng như chôn chân giữa nhà cho đến khi người phụ nữ luống tuổi bước lại gần. Nhẹ nhàng, thanh thoát như vầng mây trên ngọn núi Na Phạ, bà nhìn tôi. Đúng khoảnh khắc ấy tôi nhận ra trong mắt bà có điều gì như vỡ òa, tan chảy.

Mới nhất
x
Truyện ngắn: Bên bờ Na Phạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO