Truyền thống 95 năm Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng
(Baonghean.vn)- Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tiền thân là Trường Quốc học Vinh. Trải qua 95 năm xây dựng và trưởng thành, đã có biết bao thế hệ thầy cô ngày đêm chăm lo cho sự nghiệp trồng người. Cũng từ mái trường này, lớp lớp học sinh đã trưởng thành, thành đạt, nhiều người giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước…
Truyền thống vẻ vang
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tiền thân là Trường Quốc học Vinh, được thành lập năm 1920. Đến năm 1943, trường được đổi tên là Trường Trung học Nguyễn Công Trứ. Năm 1950, trường sáp nhập với Trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, lấy tên là Trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1962, trường được mang tên là Trường phổ thông cấp 3 Vinh; năm 1976, lại đổi tên thành Trường phổ thông cấp 3 Vinh I, đến năm 1985, trường mang tên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho đến nay.
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có lịch sử 95 năm xây dựng và trưởng thành. |
Trải qua 95 năm xây dựng và phát triển cùng với lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc, đó là chặng đường đầy tự hào bởi nhà trường có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ra đời trên vùng đất địa linh nhân kiệt, nhân dân cần cù, yêu nước và hiếu học, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã nổi tiếng với truyền thống đấu tranh cách mạng, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng dạy tốt - học tốt và đặc biệt nhà trường đã đào tạo nhiều hiền tài cho đất nước.
Ngay từ những năm đầu mới thành lập, nhà trường là nơi giác ngộ cách mạng, giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. Nhờ bài giảng của các thầy giáo nổi tiếng như: thầy Lê Ấm, thầy Bửu Cân, thầy Lê Thước, thầy Trần Đình Đàn... đã tác động sâu sắc đến tư tưởng của học sinh, đến tháng 6/1929, Chi bộ Đảng Cộng sản Trường Quốc học Vinh được thành lập do đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư, sau đó, ông làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Nghệ An thời kỳ 1930 - 1931.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm trường. |
Nhiều học sinh của Trường Quốc học Vinh đã trở thành nhà cách mạng nổi tiếng như: Nguyễn Sỹ Sách, Lê Hồng Sơn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Tiềm, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Xiển... nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: ông Nguyễn Côn (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ), ông Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ), Trung tướng Đỗ Trình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Hà Huy Giáp, Lê Lộc, Đinh Nho Liêm... nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ như: GS Đặng Thai Mai, GS Hoàng Xuân Hãn, GS – VS - NGND Nguyễn Cảnh Toàn, GS - TS Hà Học Trạc, nhà văn Hoài Thanh, Bùi Hiển, nhà thơ Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, nhạc sỹ Trọng Bằng, Nguyễn Văn Tý...
Cách mạng Tháng Tám thành công, trường bước sang trang mới, thầy trò tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Kháng chiến chống Pháp diễn ra, nhiều học sinh nhà trường lại xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh gian khổ, nhờ sự chở che đùm bọc của nhân dân, thầy và trò của trường lại “cõng” giáo án, sách vở sơ tán về các miền quê Nghệ - Tĩnh để hoàn thành sự nghiệp “trồng người”. Thời kỳ này, có nhiều học sinh trở thành những tên tuổi lớn của đất nước trên mọi lĩnh vực như: ông Nguyễn Đình Tứ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), ông Hồ Tế (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính), ông Phạm Song (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế), ông Nguyễn Chí Vu (nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ), ông Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp), ông Thái Phụng Nê (nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng), cố nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, GS - NGND Phan Hữu Dật, GS Văn Như Cương,...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tặng hpa chúc mừng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. |
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thầy và trò lại sơ tán về Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Thanh Chương tổ chức dạy và học trong các lán tranh tre có lũy, hào bao quanh dưới bom đạn của giặc Mỹ. Theo tiếng gọi thiêng liêng, hàng ngàn học sinh của trường đã lên đường nhập ngũ, gần 100 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Học sinh lần lượt ra trường trong tình cảm ấm cúng tình thầy trò, trong sự thương yêu đùm bọc của đồng bào nơi sơ tán... Và họ lại viết tiếp những trang sử hào hùng kế tiếp các thế hệ đi trước, với những tên tuổi như: ông Trương Đình Tuyển (nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại), TS Lê Đức Thúy (Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia), GS-TS Hà Huy Khoái, GS-TS Bạch Hưng Khang, Tiến sỹ - Anh hùng Lao động Hà Văn Lê, thầy Phạm Văn Hùng (người dạy trực tiếp của GS Ngô Bảo Châu), Tiến sỹ, Anh hùng Lao động Thái Minh Tần (Tổng Giám đốc Công ty VTC - Đài TH Việt Nam),...
Đất nước thống nhất, thầy và trò Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục nỗ lực thi đua dạy tốt - học tốt, phát huy những thành tích đạt được trong điều kiện mới và đã đạt được nhiều thành công. Thầy và trò vừa dạy, học vừa xây dựng trường mới, tham gia khắc phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại Thành phố Vinh, viết thêm những trang sử truyền thống của nhà trường.
Trải qua 95 năm xây dựng và trưởng thành, từ mái trường này có gần 50 người là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, tướng lĩnh quân đội, nhiều Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, hàng trăm nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ có tên tuổi, hàng ngàn giáo sư, tiến sỹ, doanh nhân giỏi, có trên 2,5 vạn người có trình độ đại học và trên đại học công tác trên mọi lĩnh vực khác nhau, mà tên tuổi của nhiều người đã trở thành niềm tự hào không những cho nhà trường mà còn cả quê hương đất nước.
Thi đua dạy tốt, học tốt
Phát huy truyền thống dạy tốt - học tốt, trong những năm qua, trường luôn đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, chú trọng thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học. Để có được những giờ dạy tốt, trong năm học các tổ nhóm chuyên môn tiến hành thanh, kiểm tra, các hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, dạy minh họa nghiên cứu bài học để đúc rút kinh nghiệm nâng cao hiệu quả giờ dạy. Hàng năm có từ 4 - 9 SKKN được công nhận cấp ngành, nhiều SKKN được công nhận cấp tỉnh, là đơn vị xuất sắc trong các trường THPT, có 4 sản phẩm đạt giải trong cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, trường còn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 5 năm qua có 1 đồng chí hoàn thành lớp Cao cấp lý luận chính trị, 5 đồng chí hoàn thành chương trình cao học, 4 đồng chí hoàn thành văn bằng 2 tiếng Anh. Hiện nay trường có 100% cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trong đó có 48 đồng chí có trình độ thạc sỹ, 1 đồng chí đang làm nghiên cứu sinh, nhiều đồng chí đang học cao học.
Cố PGS Ninh Viết Giao từng là giáo viên của Trường Quốc học Vinh. |
Nhiều thầy, cô giáo được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và trao thưởng “Quỹ phát triển tài năng giáo dục”, được tôn vinh “Nhà giáo tiêu biểu tỉnh Nghệ An lần thứ nhất”; nhiều cán bộ, giáo viên đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo… tặng Bằng khen, Giấy khen.
Cùng với thi đua dạy tốt, nhà trường đã phát động phong trào thi đua học tốt trong học sinh có sơ kết, tổng kết, xếp loại thi đua, động viên khen thưởng kịp thời, tạo khí thế trong học tập. Bên cạnh việc chú trọng chất lượng dạy và học, nhà trường còn quan tâm tổ chức tốt các hoạt động giáo dục khác như: Giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục tập thể, giảng dạy tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng nghiệp, học nghề, hoạt động ngoại khóa, tham quan học tập, văn nghệ, TDTT, tổ chức tốt việc học thêm… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Hàng năm tỷ lệ tốt nghiệp THPT đều đạt 100%, tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi đạt cao. Số học sinh đậu đại học ngày càng tăng: Tính từ năm 2010 đến 2012 đạt gần 90%, từ năm 2013 đến 2015 đạt trên 90%, trong đó có 20 học sinh đạt điểm cao được UBND tỉnh tặng Bằng khen (từ năm 2012 đến 2015), có 132 em đạt học sinh giỏi tỉnh, trong đó có nhiều em được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm học 2011 - 2012 và đội tuyển lớp 11 năm học 2013 - 2014 dẫn đầu toàn tỉnh. 10 em đạt giải trong kỳ thi IOE quốc gia, 1 em đạt giải trong cuộc thi giải Toán bằng tiếng Anh tại Hà Nội, 33 em đạt giải trong kỳ thi IOE cấp tỉnh, 9 em đạt Olympic Vật lý Nghệ An; 1 học sinh đạt giải tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Xếp loại học lực hàng năm: Loại giỏi đạt trên 15%, loại khá trên 70%, loại TB dưới 5%, loại yếu dưới 0,5%. Số học sinh đạt hạnh kiểm tốt, khá trên 98%. Tỷ lệ học sinh yếu kém ngày càng giảm.
Các học sinh cũ về thăm trường. |
Nhà trường luôn quan tâm đẩy mạnh giáo dục toàn diện, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tích cực giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tổ chức cho học sinh tham quan học tập các di tích lịch sử của địa phương (Bảo tàng Xô viết Nghệ An, quê Bác, Ngã ba Đồng Lộc, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...).
Để nâng cao chất lượng dạy và học, hàng năm ngoài tăng đầu sách tham khảo, nhà trường còn đầu tư thêm thiết bị cho các phòng chuyên dụng, trường có 1 phòng học Ngoại ngữ được trang bị hiện đại. Cơ sở vật chất của nhà trường được xây dựng khang trang, trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của việc dạy và học.
Từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã xây dựng thêm 1 dãy nhà học bộ môn 4 tầng và tu sửa một số công trình khác.
Công tác xã hội hoá giáo dục được nhà trường thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, được phụ huynh tin tưởng, đồng lòng góp phần tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, từng bước đáp ứng những yêu cầu cơ bản về cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia.
Công tác xã hội, từ thiện luôn được nhà trường quan tâm. Cán bộ, giáo viên của trường tham gia đóng góp đầy đủ các loại quỹ nhân đạo, từ thiện do ngành, địa phương phát động.
Điều đáng ghi nhận của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đó là kết quả thi học sinh giỏi luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Trường được công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Liên tục được tặng danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, được tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh. Trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập và đặc biệt Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là ngôi trường đầu tiên của Nghệ An được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Cao Thanh Bảo
Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng
TIN LIÊN QUAN |
---|