Truyền thông dân số ở xóm giáo Tân Lam

13/08/2015 10:44

(Baonghean) - Những năm trước, xóm chài Tân Lam, xã Nam Lộc (Nam Đàn) được biết đến là “vùng trũng” về thực hiện các chính sách dân số. Nhưng đến nay, xóm đã vươn lên trở thành điển hình của xã thực hiện tốt công tác DS/KHHGĐ, 3 năm liền, xóm không có người sinh con thứ 3. Để có được chuyển biến tích cực đó là cả sự nỗ lực, kiên trì “bám” địa bàn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của cộng tác viên dân số nơi đây.

Về xóm giáo Tân Lam để tìm hiểu công tác dân số, tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Văn Ninh, một cán bộ dân số lâu năm của xóm. Rót nước mời khách, ông vừa tếu táo đùa: Ở xóm Tân Lam này tui được coi là người “vác tù và hàng tổng”. Đùa mà thật, bởi bao nhiêu năm nay ông Ninh vừa phụ trách hoạt động chung của xóm, kiêm mặt trận, phụ nữ và cả cộng tác viên dân số. Với ông Ninh “mặc dù lắm việc nhiều lúc như “con mọn” nhưng bù lại là khá thuận lợi bởi cũng nhờ đảm đương nhiều việc chung của làng nên ông được dân tin yêu”.

Ông Nguyễn Văn Ninh, cộng tác viên dân số xóm Tân Lam, xã Nam Lộc (Nam Đàn) tuyên truyền chính sách dân số.
Ông Nguyễn Văn Ninh, cộng tác viên dân số xóm Tân Lam, xã Nam Lộc (Nam Đàn) tuyên truyền chính sách dân số.

Dù vậy công tác truyền thông dân số ở vùng đặc thù này vẫn là cả hành trình gian nan. Xóm giáo Tân Lam có gần 60 hộ dân, là xóm giáo toàn tòng, mưu sinh bằng nghề sông nước. Người dân vẫn quan niệm “sinh đẻ là lẽ tự nhiên”. Thế nên, chừng 3 năm trở về trước khi người dân làng chài vẫn sống bám mặt sông, ông Ninh thường xuyên ghé qua các gia đình chuyện trò với bà con, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, vận động. Có những bận, tối đến ông mới bắt đầu công việc chèo thuyền dò dẫm, ghé qua các hộ để cấp phát các phương tiện tránh thai cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ vì ban ngày các hộ dân sống trên thuyền thường dạt theo dòng nước mưu sinh. Còn những đợt chiến dịch thì bất kể nắng, mưa hay gió rét, ông lần lượt chèo thuyền đến từng hộ, có khi các thuyền đỗ cách nhau hàng chục ki-lô-mét để vận động, tuyên truyền.

Những năm gần đây dân vạn chài Tân Lam đã “lên bờ” nhưng nghề chính của họ vẫn dựa vào sông nước nên ngày thường hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều chèo thuyền đi làm ăn. Tranh thủ vào ngày thứ 4 trong tuần, là ngày đông đủ người dân trong giáo họ tụ họp đi lễ, đọc kinh, ông Ninh phối hợp để tuyên truyền dân số. Những kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ thường được “ông Ninh dân số” lồng ghép với những câu chuyện hài hước, vui nhộn để kể cho bà con trong những buổi tuyên truyền. Nhờ vậy, bà con dễ hiểu và dễ thực hiện. Là nam giới làm cộng tác viên dân số với ông cũng có “lợi thế riêng”: dễ tiếp cận chuyện trò và tuyên truyền với các ông chồng hơn. Đối với những gia đình có ý định sinh thêm con, ông thường đến nhà khề khà bát nước, điếu thuốc vừa chuyện trò, vận động cả các anh về lợi ích của sinh ít con. Cũng nhờ khéo léo và hài hước khơi chuyện nên buổi tuyên truyền vận động trở nên vui vẻ, thoải mái; người chồng thường có vai trò trụ cột trong gia đình nên hiệu quả tuyên truyền khá tốt.

Lớp học hè của trẻ em xóm chài Tân Lam.
Lớp học hè của trẻ em xóm chài Tân Lam.

Vì các cặp vợ chồng trẻ thì thường đi làm nghề, lúc ngược Sa Nam, lúc lại xuôi Bến Thuỷ, có khi họ đi ba, bốn ngày mới về nên vào những đợt chiến dịch, ông Ninh chỉ còn cách liên lạc với từng hộ qua điện thoại. Làm việc với tinh thần tự nguyện, tự túc bởi ông chỉ nghĩ đơn giản làm sao giúp người dân thay đổi quan niệm, sinh ít con để cuộc sống bớt nghèo, đỡ cực. Với những cặp vợ chồng sinh con một bề, ông còn kiên trì đến tuyên truyền tận từng gia đình, tới các bậc ông, bà trong gia đình. Bởi theo ông Ninh, ý kiến của các ông bà, những người có uy tín trong gia đình sẽ góp phần lớn trong việc định hướng con cháu.

Theo chân “ông Ninh dân số” đến từng gia đình, chứng kiến ông tuyên truyền, vận động mới thấy hết được sự tận tụy của người làm cán bộ dân số ở xóm đạo này. Có những gia đình không hiểu, không thông cảm thì lại cho ông là “nhiều chuyện” và tỏ thái độ không hợp tác. Nhưng với trách nhiệm công việc, ông kiên trì lựa thời điểm thích hợp để gặp gỡ, cố gắng gần gũi để chuyện trò, làm công tác tư tưởng. Vận động các gia đình này cần cả quá trình, mưa dầm thấm lâu, bắt đầu từ việc thay đổi tư tưởng các bậc ông bà sẽ góp phần lan toả sang các cặp vợ chồng trẻ, họ cũng dần nhận thức việc thực hiện KHHGĐ.

Làm dân số ở vùng đặc thù không chỉ đòi hỏi khéo léo, “có duyên” trong việc truyền thông mà còn phải tận tuỵ, hết mình. Có đợt chiến dịch cách đây vài năm, ông Ninh phối hợp với các cán bộ dân số xã vận động được hai ca đình sản. Trước đây ở xóm chài chưa từng có trường hợp nào chấp nhận biện pháp tránh thai này. Để động viên họ, ông tự nguyện chở các đối tượng lên tận bệnh viện huyện, sau đó thường xuyên hỏi thăm, động viên. Với những gia đình gặp khó khăn, con cái hay đau ốm ông Ninh luôn tận tình giúp đỡ. Nhờ sự nhiệt tình tận tuỵ với công việc của “ông Ninh dân số” mà người dân xóm đạo Tân Lam ngày càng nâng cao ý thức sinh ít con để nuôi dạy con tốt. Trước đây ở xóm chài Tân Lam chị em hầu như không quan tâm đến việc thực hiện KHHGĐ hay chăm sóc SKSS thì đến nay, nhiều chị đã chủ động hỏi về lịch khám sức khỏe, nhờ tư vấn về sử dụng các biện pháp phòng tránh thai… Tỷ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai đạt xấp xỉ 100%. 3 năm trở lại đây, xóm Tân Lam không có người sinh con thứ 3, là điển hình thực hiện tốt công tác dân số của xã Nam Lộc.

Nhờ thực hiện tốt công tác dân số mà đời sống người dân ngày càng khấm khá, hộ nghèo của xóm giảm nhanh chóng vài năm qua (đến nay cả xóm chỉ còn 3 hộ). Người dân có điều kiện chăm lo đầu tư việc học của con cái hơn trước rất nhiều, cả xóm có 4 em học đại học, 20 em học sinh giỏi…

Đinh Nguyệt

Mới nhất

x
Truyền thông dân số ở xóm giáo Tân Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO