Từ chủ trương hợp lòng dân
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá của Đảng uỷ xã, đời sống bà con Bồng Khê (Con Cuông) đã có sự đổi thay đáng kể. Người dân đã biết thay đổi phương thức làm ăn, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững…
(Baonghean) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá của Đảng uỷ xã, đời sống bà con Bồng Khê (Con Cuông) đã có sự đổi thay đáng kể. Người dân đã biết thay đổi phương thức làm ăn, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững…
Đi qua những thôn bản với những khu nhà khang trang, đến những bãi bờ xanh tươi với lạc, đỗ, ngô, khoai, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống ấm no đang hiện hữu trên vùng đất Bồng Khê (Con Cuông). Khi chúng tôi đặt vấn đề được tham quan các mô hình chăn nuôi của thôn, anh Nguyễn Văn Tấn - Trưởng thôn Vĩnh Hoàn xã Bồng Khê hồ hởi lấy xe máy, dẫn chúng tôi lên đường.
Vòng qua những nương đỗ hè thu nơi bà con đang tập trung thu hoạch và qua những diện tích cỏ voi trải rộng, chúng tôi được anh Tấn dẫn đến khu vực Cồn Đền, nơi đây là khu vực chăn thả trâu, bò tập trung của bà con với hàng chục con trâu, bò đang gặm cỏ. “Nhà tôi có 4 con bò mẹ và 6 con bò đực đang vỗ béo. Thi thoảng tôi dẫn bò ra đây để chăn thả cho chúng vận động, còn bình thường thì nhốt ở trong chuồng, cho ăn uống chu đáo. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ voi được trồng dọc các bãi ngang ven sông. Để lo thức ăn cho chục con bò này, gia đình tôi trồng trên 4 sào cỏ, khai thác quay vòng…”. Anh Lê Quang Tâm chia sẻ. Nhìn những con bò vàng mượt, béo khỏe, chúng tôi nhận biết rằng, sự chăm sóc đàn bò của gia đình anh Tâm rất công phu. Bởi đó chính là nguồn thu nhập của gia đình.
Với quan điểm phát triển sản xuất và chăn nuôi toàn diện, tăng cả số lượng và chất lượng; ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải thiện giống, đầu tư tăng năng suất, sản lượng chăn nuôi, Đảng ủy, UBND xã Bồng Khê đã cụ thể hóa các chính sách và triển khai đến tận bà con nhân dân. Gần 3 năm triển khai chủ trương phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, đồng bào các thôn, bản đã có nguồn thu nhập đáng kể, góp phần rất lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Ngoài chăn nuôi bò sinh sản, nhân dân các thôn còn mua bò từ các nơi khác về vỗ béo để bán. Hoạt động này trở nên nhộn nhịp và đang trở thành nghề chính của nhiều gia đình. Giá trị của hoạt động chăn nuôi trâu, bò hàng hóa đã khích lệ nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn mua bò, chuyển một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Từ đây, bà con Bồng Khê đã tạo nên được những thay đổi lớn trong đời sống gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thôn Vĩnh Hoàn được đánh giá là một điển hình của mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa theo định hướng của Đảng ủy xã. Toàn thôn có 214 hộ thì có 170 hộ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa với số lượng trâu, bò dao động từ 700 đến 800 con. Các hộ dân nơi đây đã trồng trên 6 - 7 ha cỏ voi để phục vụ chăn nuôi, là một trong những địa phương có diện tích cỏ trồng lớn nhất cả tỉnh. Để giúp đỡ các gia đình chăn nuôi hiệu quả, Ban cán sự thôn phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y xã, huyện tăng cường phổ biến cho người dân những kiến thức phòng, chống dịch bệnh và các phương thức chăn nuôi hiệu quả. Vì vậy nhiều năm qua, đàn trâu, bò ở Vĩnh Hoàn phát triển tốt. Từ thành công đó, nhân dân các thôn khác như thôn 2-9, thôn Tân Hòa cũng đẩy mạnh chăn nuôi gắn với trồng cỏ, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Người dân Vĩnh Hoàn (Bồng Khê, Con Cuông) thu hoạch đỗ vụ hè thu.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê khẳng định: “Việc trồng cỏ, chăn nuôi nhốt ở các thôn của xã trở thành phong trào phát triển mạnh. Hình thức này vừa tận dụng được những khoảng đất dọc sông không thể canh tác hoa màu để trồng cỏ, đồng thời nuôi nhốt đã hạn chế được trâu, bò làm ảnh hưởng mùa vụ và phòng, chống bệnh dịch tốt. Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, thú y tăng cường phối hợp với Trạm Thú y huyện thường xuyên đến các thôn bản hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi. Chúng tôi chủ trương đẩy mạnh sự đồng hành của cán bộ xã chính là động lực quan trọng cùng người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, chăm lo cuộc sống…”.
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, xã Bồng Khê còn tập trung chăm lo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các giống mới cho năng suất được đưa vào thay cho những giống cũ đã bị thoái hóa, đồng thời, đưa các loại cây màu trồng xen canh trên đất 2 vụ lúa và đất chuyên màu, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, từng bước làm thay đổi, nâng cao mức sống.
Cụ thể, Đảng ủy chỉ đạo thành lập một tổ kỹ thuật gồm 6 người đứng ra phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp huyện kịp thời bổ cứu các phương án chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt trên diện tích 215 ha đất bãi, xã chủ trương chuyển dịch mạnh mẽ, trồng các loại cây màu hiệu quả kinh tế cao. Hai năm gần đây, xã chỉ đạo đẩy mạnh trồng lạc, đỗ và chuyển 25 ha sang trồng ớt xuất khẩu, giá trị thu nhập đem lại cao gấp 3 lần so với trồng ngô.
Từ mô hình này, trong năm tới xã dự kiến nâng diện tích lên 50 ha, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Từ những nỗ lực của nhân dân và sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền, sau nửa nhiệm kỳ đại hội khóa XX (nhiệm kỳ 2010-2015), số hộ nghèo toàn xã đã giảm từ 24% xuống 17%, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Bà con nhân dân của xã đang phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa phong phú và đa dạng nhưng vẫn giữ gìn được cảnh quan, bản sắc văn hóa.
Bài học kinh nghiệm sau nửa nhiệm kỳ thực hiện các mục tiêu đại hội được Đảng ủy xã Bồng Khê rút ra là nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy đảng, chính quyền các đoàn thể tổ chức thông tin kịp thời đến nhân dân các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tăng cường phối hợp giữa tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ xã với các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn bản, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dành thời gian đi sâu, đi sát các thôn bản để tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu kế hoạch đã được giao.
Từ ý Đảng lòng dân, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, nhân dân xã Bồng Khê thêm niềm tin, đây sẽ là bước phát triển mới trong xoá đói, giảm nghèo bằng sản xuất nông nghiệp, từ đó đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, ổn định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Nguyên Sơn