Từ đề tài khoa học tới ứng dụng thực tiễn

03/06/2012 16:51

(Baonghean) - Mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động trên mọi lĩnh vực khác nhau, nhưng ở họ đều toát lên ý tưởng tìm tòi nghiên cứu những đề tài khoa học kỹ thuật sáng tạo, nhằm mang lại lợi ích vật chất cho xã hội. Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được từ Liên hiệp các Hội KH-KT huyện Tân Kỳ, một mô hình duy nhất trong hệ thống các thành viên thuộc Liên Hiệp các Hội KH-KT tỉnh Nghệ An.

(Baonghean) - Mỗi tổ chức, cá nhân hoạt động trên mọi lĩnh vực khác nhau, nhưng ở họ đều toát lên ý tưởng tìm tòi nghiên cứu những đề tài khoa học kỹ thuật sáng tạo, nhằm mang lại lợi ích vật chất cho xã hội. Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được từ Liên hiệp các Hội KH-KT huyện Tân Kỳ, một mô hình duy nhất trong hệ thống các thành viên thuộc Liên Hiệp các Hội KH-KT tỉnh Nghệ An.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Hoàng, kỹ sư kỹ thuật của Công ty Cổ phần mía đường Sông Con- người vừa thực hiện xong đề tài KHKT “Chế tạo nồi bốc hơi 1.200 m2 và cải tạo hệ thống thiết bị để các nồi bốc hơi có thể thay thế được cho nhau”, nhằm cải tiến nâng cấp chất lượng sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn Việt Nam. Dẫn chúng tôi đi sâu vào khu vực sản xuất của nhà máy, đứng trước 6 nồi hơi khổng lồ, Nguyễn Hoàng phân tích: Trước đây, nhà máy chỉ có 5 nồi 5 hiệu, do Cu Ba thiết kế, với công suất 1.250 tấn mía/ngày. Thiết kế như thế này hoạt động hiệu quả không cao, vì trong quá trình vận hành, thiết bị bốc hơi bị đóng cặn phải dừng dây chuyền để vệ sinh. Thông thường, cứ ép 10 – 12 ngày phải dừng dây chuyền để vệ sinh hệ thống bốc hơi, do vậy làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Đây là trăn trở cho toàn bộ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên công ty.




Kỹ sư Nguyễn Hoàng bên đề tài khoa học công nghệ đã được áp dụng có hiệu quả tại Công ty Cổ phần mía đường Sông Con.

Phải có trách nhiệm trước tấm bằng kỹ sư, Nguyễn Hoàng đã đề xuất với Phòng Kỹ thuật, Ban Giám đốc công ty tìm tòi, khai thác tài liệu để nghiên cứu phương án thiết kế chế tạo thêm một thiết bị bốc hơi nữa, đồng thời cải tạo hệ thống bốc hơi 6 nồi (5 nồi làm việc, 1 nồi dự phòng) để các nồi bốc hơi có thể thay thế nhau trong quá trình sản xuất. Thêm 1 nồi bốc hơi là đồng nghĩa cần phải lắp thêm van đóng mở điều chỉnh lưu lượng hơi bốc ra. Cái khó đặt ra là hiện tại, van hơi DN750 không có bán trên thị trường, chỉ có loại van hơi DN800, DN700, giá bán của DN700 trên thị trường là 250 triệu đồng. Như vậy, vấn đề cần thiết lúc này là phải có van hơi DN750 mới vận hành được hệ thống nồi hơi mới. Trên cơ sở van hơi DN700, Nguyễn Hoàng cùng với phòng kỹ thuật đã thiết kế chế tạo được van hơi DN750, tổng kinh phí chỉ hơn 36 triệu đồng, thấp hơn van hơi DN700 hơn 200 triệu đồng. Sau khi thiết kế chế tạo được thêm 1 nồi hơi và van hơi DN750, Công ty đã đưa vào hoạt động và thấy hiệu quả rõ ràng. Vụ ép năm 2010 cho thấy, chu kỳ vệ sinh nồi hơi kéo dài lên 25 – 30 ngày, thay cho trước đây 10 – 12 ngày. Từ đó, nhà máy tăng công suất lên 2.800 tấn mía/ngày; giảm thời gian thu hoạch cho người trồng mía; nâng cao chất lượng sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn Việt Nam cho đường loại 1 ngang tầm với các nhà máy lớn trong nước; tăng hiệu suất thu hồi và hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty; giảm tổn thất vô hình và các loại tổn thất khác…

Không chỉ có đề tài khoa học đó, mà trên địa bàn huyện Tân Kỳ những năm qua, đã có nhiều đề tài KHKT được ứng dụng có hiệu quả trong đời sống xã hội. Ông Nguyễn Duy Thủy – Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT huyện Tân Kỳ), cho biết: Từ khi thành lập Liên hiệp các hội KHKT huyện đến nay (từ năm 2007 đến nay) đã quy tụ được nhiều tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tính KHKT, tập hợp đội ngũ trí thức đông đảo hoạt động trong các ngành khác nhau. 5 năm qua, các thành viên của các hội, chi hội đã có rất nhiều đề tài khoa học được ứng dụng có hiệu quả trong cuộc sống xã hội, được Liên hiệp các hội KHKT tỉnh công nhận. Nổi bật như, năm 2007 Công ty Cổ phần mía đường Sông Con thực hiện đề tài nhân nhanh giống mía mới, áp dụng có hiệu quả khẳng định tính vượt trội về nhiều mặt, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho công ty, góp phần tích cực tăng thu nhập đáng kể cho người trồng mía. Năm 2008, phòng Công thương phối hợp với HTX Ngói Cừa đã thực hiện thành công đề tài ứng dụng công nghệ cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, tiết kiệm nhiên liệu, hạ giá thành sản phẩm, mở ra hướng phát triển bền vững cho làng nghề. Năm 2009 – 2010, đề tài “chế biến phân hữu cơ vi sinh quy mô gia đình” đã được UBND tỉnh phê duyệt, do phòng Nông nghiệp lầm chủ đề tài. Đến nay, đề tài này đã phát triển rộng khắp trên dịa bàn huyện, được bà con nông dân chấp nhận và thực hiện có hiệu quả trên diện rộng. Hàng năm, lượng phân bón hữu cơ vi sinh tăng lên, góp phần tăng năng suất cây trồng lên 20%, giảm chi phí cho đầu tư nông nghiệp.

Ông Trần Công Dương – Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh, đánh giá: Liên hiệp các hội KHKT huyện Tân Kỳ là mô hình duy nhất trong hệ thống các thành viên thuộc Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh. Sau 5 năm đi vào hoạt động cho thấy Liên hiệp đã phát triển được 8 hội và chi hội thành viên, hoạt động có hiệu quả. Mỗi hội và chi hội hoạt động trên một lĩnh vực khác nhau, nhưng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học công nghệ của địa phương đã tham gia tích cực vào tuyên truyền, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy quá trình CNH – HĐH nông thôn, tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội huyện miền núi. Hoạt động đa dạng của các thành viên hội trong tổ chức hội đã góp phần phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước vào các tầng lớp nhân dân. Vai trò của Liên hiệp đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển … Đội ngũ trí thức của hội đã thực hiện các tôn chỉ mục đích của hội, phát huy trí tuệ, vai trò của đội ngũ trí thức, những người làm công tác khoa học công nghệ. Các nội dung đó thể hiện trong nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng các tiến bộ khoa học, mang tính phản biện cao, đặc biệt trong các đề án mang tính bảo vệ môi trường...

Tân Kỳ là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm và công nghiệp, bởi thế những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tấm đến lĩnh vực khuyến khích các cá nhân, tập thể nghiên cứu các đề tài KH-KT phù hợp với thực tế. Không thỏa mãn với những gì mà Liên hiệp các hội KH-KT huyện đã đạt được, các hội và chi hội đang tiếp tục cống hiến những đề tài có giá trị thực tiễn cao mà địa phương đang cần.


Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Từ đề tài khoa học tới ứng dụng thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO