Tư duy "chụp giật"
(Baonghean) - Trong những năm qua, việc hàng nông sản, rau, củ, quả, thủy, hải sản Việt Nam xuất khẩu bị đối tác nước ngoài từ chối, trả lại không phải là chuyện hiếm gặp. Cứ mỗi lần như vậy là lại rút kinh nghiệm, bố trí lại phương án sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đặc biệt là “chiến dịch” cải cách hệ thống phân phối... Nhưng trên thực tế, người nông dân và doanh nghiệp vẫn đang có kiểu làm ăn “bóc ngắn, cắn dài”.
Cách đây không lâu hàng trăm ngàn m3 gỗ rừng trồng của nông dân chất thành đống gỗ mục vì phá vỡ quy hoạch trồng rừng ở các địa phương. Thấy cái lợi trước mắt sau khi có chủ trương giao đất khoán rừng nông dân đã ồ ạt trồng cây nguyên liệu giấy không theo quy hoạch, dẫn tới cung vượt quá cầu. Doanh nghiệp thì dù không đủ năng lực tài chính vẫn đăng ký, vẫn “chạy” để được ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến, khánh thành rồi sau đó đắp chiếu, trong lúc vùng nguyên liệu liên tục được tuyên truyền mở rộng. Cuối cùng, nông dân lại khóc với những cánh rừng trồng đến tuổi thu hoạch mà doanh nghiệp thì không thấy đâu.
Việc hàng ngàn xe tải, công-ten-nơ xếp hàng dài đến cả mấy chục km tại Cửa khẩu Lạng Sơn chờ làm thủ tục hải quan sang Trung Quốc với hàng hóa chủ yếu là rau, củ, quả bây giờ đã trở thành chuyện thường niên. Đây không phải là lần một, lần hai mà hàng năm cứ vào rộ mùa dưa hấu ở Việt Nam thì tình trạng này lại tái diễn. Chậm trễ thông quan ở đây không phải là chuyện thủ tục hải quan mà đằng sau đó là chuyện của người nông dân bắt tay làm ăn với các đầu nậu người “Tàu”. Sự liên kết quá lỏng lẻo chỉ dựa vào niềm tin thì việc phải trả giá cho những chuyến hàng rau, củ, quả, ế ẩm, thối nát là chuyện đương nhiên… Trong khi đó, vai trò của chính quyền địa phương, liên minh các hợp tác xã, các doanh nghiệp Việt quá mờ nhạt. Nông dân tự phát mở rộng vùng nguyên liệu theo kiểu mạnh ai nấy làm. Đầu vụ được thu mua với giá cao, với những hợp đồng “niềm tin” không cần ai vận động, không cần biết đến quy hoạch là gì, cứ thế trồng và rồi cuối vụ nhận trái đắng.
Chính sách của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất rõ ràng thông qua Nghị quyết số 26, Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa X. Tuy nhiên, để cụ thể hóa vấn đề là ở cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương. Việc nuôi trồng, cây, con không thể là Chính phủ xuống làm thay các địa phương. Khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với loại cây, con nào cho thu nhập cao đối với người nông dân thì việc đó chính quyền địa phương phải tính toán lo liệu, định hướng cho nông dân. Chính quyền, nông dân phải liên kết với các doanh nghiệp một cách bền vững, phải có người đứng ra chịu trách nhiệm nếu một trong các bên tham gia chuỗi liên kết phá vỡ hợp đồng. Đừng để nông dân trắng tay khi mùa màng thất bát và đặc biệt hơn là không “làm phiền” doanh nghiệp khi đến địa phương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Liên kết, quy hoạch lại sản xuất và định hướng cho nông dân là một việc làm không thể chậm trễ. Doanh nghiệp phải bỏ ngay kiểu tư duy thiếu lành mạnh như tìm cách giảm giá bán, giành giật khách hàng, giam hàng, tạo cơn sốt giả tạo, cấu kết với nhà sản xuất khống chế thị trường. Bản thân người nông dân không chỉ cần cù, chăm chỉ “một nắng hai sương” mà cần phải năng động trong sản xuất, phải có ý thức xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm do mình làm ra. Nếu không chấn chỉnh những hiện tượng trên, không sớm thì muộn người nông dân và doanh nghiệp Việt sẽ “chết” ngay trên mảnh đất của mình chưa nói đến chuyện vươn xa ra thế giới.
Lê Văn Trí (Ủy ban MTTQ Anh Sơn)