(Baonghean) - 50 năm trước, mang theo sự háo hức, hoài bão và cả những khát vọng, họ lên đường và trở thành những người chiến sỹ hải quân đầu tiên của lực lượng Hải quân Việt Nam. 50 năm sau, tuổi đã già, tóc đã bạc, da đã mồi nhưng tinh thần và ý chí quật cường của những người lính biển vẫn vẹn nguyên,…
Năm nay đã gần 80 tuổi, ông Nguyễn Quang Trung không còn minh mẫn như trước nữa, nhất là sau lần tai nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến não 10 năm trước. Dù nhớ, quên thất thường và đã chuyển gia đình lên khu kinh tế mới ở huyện Con Cuông nhiều năm, nhưng khi có thời gian, sức khỏe cho phép ông lại tìm về xóm Yên Đồng, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, nơi ông sinh ra, lớn lên, nuôi dưỡng ông trở thành người lính biển và che chở ông sau những ngày bị thương trở về.
 |
Ông Võ Văn Dinh và những hồi ức về chiếc tàu phóng lôi đầu tiên. |
Ấn tượng đầu tiên về ông là nụ cười hiền lành và sự rắn rỏi của người miền biển. Vì tai không còn nghe rõ nên chị Lương, con gái ông phải là người làm “liên lạc”, muốn hỏi câu nào phải áp sát vào tai, nói to lên ông mới nghe được. Cũng lạ, tuy trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng ông lại nhớ rất rõ về những ngày ông tham gia lực lượng Hải quân, về sông Gianh, về cầu Bến Thủy, về khu Tuần Phòng và về những người bạn chiến đấu. Mắt nheo nheo, ông đọc cho chúng tôi nghe bức thư mà một người bạn cũ ở Ân Thi (Hưng Yên) vừa gửi cho ông: “Trung ơi! Người bạn yêu quý của tôi ơi! Giờ ông thế nào rồi? Có khoẻ không, cuộc sống thế nào, có nhớ đến người đồng chí này không?...”. Rồi ông kể: “Nó là thằng bạn thân của tôi, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu. Khi về nghỉ phép, nó còn nhờ tôi đưa tiền về cho vợ nữa đấy, tình nghĩa lắm”.
Người đồng đội ấy là ông Nguyễn Duy Phác. Ngày trước, cả hai ông đều là lính của Phân đội 6, khu Tuần Phòng, thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân, đóng chốt ở Bến Thủy. Đội tàu của hai ông khi đó được điều vào Sông Gianh, ông Trung giữ ở vị trí số 5, pháo thủ, còn ông Phác giữ ở vị trí số 1, hàng hải (lái tàu). Quần nhau với kẻ địch 1 ngày 2 trận đánh. Mặc dù lực lượng, phương tiện còn rất hạn chế, nhưng với ý chí, quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng, các ông cùng với các đơn vị khác thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, mưu trí, sáng tạo đánh đuổi tàu khu trục Madox, bắn rơi 8 máy bay phản lực, bắn bị thương nhiều chiếc khác và bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc - Trung uý An - vơ - ret. Cũng tại trận quyết đấu này, ông Nguyễn Quang Trung bị bắn trúng vào ổ bụng, một viên bom bi hiện giờ vẫn còn nằm ở chân trái. Trong trận này, nhiều đồng đội của ông bị thương và hy sinh. Đến cuối năm 1964, cả hai ông tiếp tục được cử về Quảng Yên, học Trường Sỹ quan Hải Quân. Cuối năm 1967, đang học dở, ông Trung được lệnh vào Nam nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng đường sông. Cả hai mất liên lạc từ đó.
Ký ức về chiến thắng trận đầu ngày 2/8/1964 cũng là những kỷ niệm mà mãi mãi ông Võ Văn Dinh, ở khối 2, phường Lê Lợi (Thành phố Vinh) không thể nào quên. Ông giới thiệu cho chúng tôi bức ảnh về Tàu 333, con tàu phóng lôi của lực lượng Hải quân Việt Nam đã tham gia vào trận đánh lịch sử này ở Hòn Mê, Thanh Hóa. Cuộc đời ông dường như cũng gắn với những con tàu phóng lôi này. Từ khi ông đang là cậu học trò vừa tốt nghiệp cấp III nhập ngũ, rồi được Nhà nước cử sang Trung Quốc, sau đó sang Liên Xô học ngành Điện công khí vụ (các loại điện nằm dưới nước). Học xong, ông được điều về Đoàn 135, nhận nhiệm vụ tiếp nhận các con tàu phóng lôi do Liên Xô chuyển về. Ông rất tự hào và vinh dự khi mình là một trong những thanh niên đầu tiên được lựa chọn cử đi nước ngoài để xây dựng lực lượng Bộ đội Hải quân vừa mạnh về thể lực, giỏi về trí tuệ và có đầy đủ trình độ để có thể tiếp nhận những phương tiện, kỹ thuật hiện đại.
Cảng Vạn Hoa (Vân Đồn) là địa điểm đầu tiên đóng quân của đội tàu phóng lôi với các mã hiệu 333, 336, 339… Một tàu khi đó chưa đến 10 người, nhưng cùng một lúc các ông phải đảm nhiệm nhiều vị trí như phụ trách ngư lôi, đứng máy, lái tàu… Bao nhiêu nhiệm vụ cần phải thực hiện, nhưng vì đây là những con tàu mới, hiện đại nên ngoài việc vừa tự học, vừa vận dụng những kiến thức đã được đào tạo ở nước ngoài, các ông còn đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn lại cho lực lượng trẻ mới gia nhập. Khí thế chiến đấu ngày đó luôn hừng hực, sôi sục cả ngày lẫn đêm, đặc biệt là từ, khi Giôn-Xơn quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc sau nguy cơ thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đến tháng 6/1964, chấp hành mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân đã chuyển toàn bộ lực lượng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Ông Dinh kể: Chưa bao giờ chúng tôi mong mỏi được ra trận như thế, dẫu biết rằng, một phân đội của ta chỉ có 3 tàu nhỏ với 6 quả ngư lôi, 3 súng 14,5 ly, yếu hơn rất nhiều so với tàu khu trục Madox được trang bị 6 đại bác 127 ly, 12 bệ pháo 40 ly, 5 dàn ngư lôi và bom chìm, lại được không quân yểm trợ. Con tàu này được mệnh danh là sức mạnh của Hạm đội 7 Mỹ. Lệnh xuất quân đầu tiên, bắt đầu được triển khai từ đêm 31/7/1964, khi Mỹ bắt đầu cho tàu Madox ký hiệu 731 thuộc Hạm đội 7 xâm phạm vùng biển miền Bắc nước ta. Phân đội 3 gồm 3 tàu T333, T336, T339 do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Lê Duy Khoái và đồng chí Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột trực tiếp chỉ là phân đội được lệnh đầu tiên, Phân đội 3 đã nhanh chóng, xây dựng kế hoạch, phương án chiến đấu và bí mật xuất kích vào vùng biển Thanh Hoá sẵn sàng đánh địch. Cùng đi trong đoàn tàu đầu tiên ấy có rất nhiều người là lính quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Sau 12 giờ hành quân từ Vạn Hoa đến 13 giờ ngày 2/8/1964, tàu Madox đã đến phía Nam Hòn Nẹ 10 hải lý. Tại trận đối đầu, tàu T339 đã vượt qua màn hoả lực dày đặc của tàu Madox và 4 máy bay hỗ trợ của địch để chiếm lĩnh vị trí hoả lực, sử dụng ngư lôi đánh địch. Tiếp đó, tàu T336 phối hợp cùng với tàu T339 nhanh chóng tiếp cận và phóng ngư lôi vào tàu Madox. Hòng cứu vãn thất bại, địch phóng bom chìm để phá ngư lôi của ta, đồng thời cho 4 máy bay điên cuồng bắn phá vào 2 tàu T333, T336. Khi lửa bốc cháy ở khoang máy, các chiến trên tàu đã đưa ra phương án bịt dò, bó ống hút khô, hạn chế không cho nước vào khoang, tiến hành sửa chữa từng bộ phận một, khó làm trước, dễ làm sau, thậm chí không có phụ tùng thay thế, các đồng chí phải tháo từ máy nọ lắp cho máy kia. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, ông đã cùng đồng đội khắc phục, sửa chữa được một máy, tiếp tục cơ động đưa tàu về đất liền an toàn.
Trong trận đánh đầu tiên, mặc dù bị tổn thất không nhỏ, nhiều chiến sỹ đã hy sinh nhưng đội tàu của Phân đội 3 thuộc Đoàn 135 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết thúc trận đánh, cả 3 tàu đã hành quân về vị trí tập kết an toàn, đánh đuổi tàu khu trục Madox ra khỏi hải phận, bắn rơi 1 máy bay, bắn gây hư hỏng 1 máy bay khác và đồng thời viết nên một trang sự hào hùng trong lịch sử của bộ đội Hải quân Việt Nam.
Gặp lại những người lính Hải quân năm xưa, chúng tôi biết chiến thắng đó còn mang theo niềm tự hào khi họ đã được đóng góp một phần công sức vào thành công chung của toàn lực lượng. Và đó cũng chính là động lực, là niềm tin để họ gắn bó với lực lượng Hải quân Việt Nam cho đến ngày toàn thắng, tiếp lửa cho thế hệ sau...
Bài, ảnh: Mỹ Hà