Tự hào những tướng lĩnh quê hương Bác

(Baonghean) - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014) và 25 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An có bài viết thể hiện tình cảm trân trọng, biết ơn sâu sắc các vị tướng đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Báo Nghệ An xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bí thư. 
Các tướng lĩnh ngày gặp mặt trên quê hương Nghệ An năm 2012. Ảnh: Sỹ Minh
Các tướng lĩnh ngày gặp mặt trên quê hương Nghệ An năm 2012. Ảnh: Sỹ Minh
Nghệ An nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, là "thành đồng ao nóng". Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Nghệ An hòa mình vào dòng người Việt, anh dũng chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, người Nghệ An cũng đã có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho sự trường tồn của dân tộc.
Ngược dòng thời gian, hơn 1.300 năm trước, cuộc khởi nghĩa của anh hùng Mai Thúc Loan (Nam Đàn) đã giành thắng lợi vang dội, đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho dân tộc ta. Sử sách còn mãi ghi: Bốn phương Mai Đế lừng uy đức/Trăm trận Lý Đường phục võ công. Trong cuộc kháng chiến 3 lần chống Nguyên Mông thắng lợi, Nghệ An luôn là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của và là chỗ dựa của mọi triều đại. Những lúc xung trận trên mạn thuyền của quân Đại Việt ta có ghi "Chuyện cũ cối kê ngươi nên nhớ. Hoan Diễn còn kia 10 vạn quân". Cương Quốc công Nguyễn Xí (Nghi Hợp, Nghi Lộc) đã cùng Lê Lợi làm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh giành độc lập cho dân tộc. Thành lũy, bãi tập trận thời đấy nằm trên đất Nghệ An như "Lam thành" ven sông Lam, bãi tập 1,2,3 ở huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, những chiến thắng mang tính chất quyết định chiến lược "Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay" đã từng diễn ra trên vùng đất huyện Quỳ Châu và huyện Con Cuông. Nghệ An cũng là quê hương của tổ tiên Vua Quang Trung- Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) và là kinh đô Phượng Hoàng Trung Đô. Trong cuộc đại thắng quân Thanh đã có khoảng 2 vạn thanh niên Nghệ An nằm trong đội quân bách chiến, bách thắng của Quang Trung Hoàng đế. 
Những khí phách kiên cường của các bậc tiền bối được các thế hệ sau tiếp nối viết thêm những trang sử hào hùng trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc. Đó là những người con của quê hương Nghệ An làm nên niềm tự hào, vẻ vang cho dân tộc Việt Nam như Cụ Phan Bội Châu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong... và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng vạn người con ưu tú của Nghệ An, lớp cha trước, lớp con sau nối tiếp nhau lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu; toàn tỉnh có trên 596 nghìn người tham gia quân đội; hơn 45 nghìn người tham gia thanh niên xung phong; gần 150 nghìn người tham gia dân công hoả tuyến, dân quân du kích; gần 6 nghìn lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; trên 900 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Trong đó, có biết bao người mãi mãi không về; toàn tỉnh có trên 45 ngàn liệt sỹ; hơn 40 nghìn thương binh; gần 1.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 11 nghìn bệnh binh…Trong lửa đạn chiến tranh, người Nghệ An đã thể hiện tinh thần dũng cảm, sáng tạo, bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách gian nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như trên những trận tuyến đánh giặc, người Nghệ An thể hiện chí khí anh hùng, cùng quân và dân cả nước đánh bại kè thù thì ngay trên quê hương, các thế hệ dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã vượt qua “mưa bom, bão đạn”, mở đường, tải đạn, tiếp sức cho tiền tuyến đánh giặc. Những chiến tích đó còn ghi dấu nơi tuyến lửa Truông Bồn (Đô Lương) và trên cả tuyến đường trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong gian khó, lửa đạn, tinh thần người Nghệ càng được tôi luyện, tỏa sáng. Thể hiện qua danh sách tướng lĩnh người Nghệ An được Nhà nước phong tặng trong hàng chục năm qua với số lượng khoảng 130 người. Nhiều tướng lĩnh lừng danh như Tướng Phùng Chí Kiên (Diễn Yên, Diễn Châu ), chỉ huy lực lượng vũ trang đầu tiên của cách mạng; Đại tướng Chu Huy Mân (Hưng Hòa, TP. Vinh), văn võ song toàn, được Bác Hồ gọi trìu mến là anh "hai Mạnh", tức là mạnh cả quân sự và chính trị; Thượng tướng Trần Văn Quang (Nghi Lộc), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Anh hùng lực lượng vũ trang, Tướng Hoàng Đan (Nghi Lộc) đã được mệnh danh là "hổ tướng" làm quân thù khiếp đảm; Tướng Lê Thiết Hùng, Tướng Nam Phong ... Thời đánh Mỹ, những năm quyết liệt nhất ở Mặt trận Tây Nguyên có: Tư lệnh Chu Huy Mân, Phó Tư lệnh Phạm Hồng Sơn; cơ quan Chính trị Mặt trận có Cao Tiến Phiếm… Toàn Mặt trận Tây Nguyên có 4 trung đoàn chủ lực thì cả 4 trung đoàn trưởng đều là người Nghệ An gồm: Phùng Bá Thường, Hồ Đệ, Hoàng Nhiên… Và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân năm 1975. Đặc biệt, sau này với tư cách đại biểu Quốc hội trong nhiều khóa, bằng trí tuệ, bản lĩnh và nhiệt huyết của mình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã hâm nóng nghị trường trong nhiều phiên họp Quốc hội, để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng dân.
Các tướng lĩnh trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Bộ CHQS tỉnh năm 2012. Ảnh: S.M
Các tướng lĩnh trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Bộ CHQS tỉnh năm 2012. Ảnh: S.M
Ngoài những tướng lĩnh được Nhà nước phong, có nhiều đồng chí mặc dù không mang quân hàm tướng, nhưng trong tâm khảm của mọi người là tướng lĩnh và trên thực tế các đồng chí đã giữ những cương vị, trọng trách to lớn, được Đảng và Nhà nước giao lãnh đạo lực lượng vũ trang như: Bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an 28 năm, từ 1953 - 1981; Hồ Tùng Mậu (Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu), nhà tiền bối cách mạng, Chính ủy Quân khu 4 đầu tiên; Trương Văn Lĩnh (Nghi Lộc), cán bộ tiền bối cách mạng, Hiệu trưởng Trường Quân chính Trung ương; Tạ Quang Bửu đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 10 năm. 
Chúng ta có thể tự hào rằng, tướng lĩnh trên quê hương Nghệ An đã tô thắm thêm truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của quê hương Xô viết anh hùng. Tướng lĩnh Nghệ An luôn tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần dũng cảm, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân. Điều đặc biệt là xuất thân của các tướng lĩnh người Nghệ An là những người nông dân, trí thức thật thà, chất phác, thông minh, nhưng khi đất nước có giặc ngoại xâm thì họ là những người lính tiên phong trên tuyến đầu để bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc đã từng khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước". 
Một đặc trưng rất riêng biệt của tướng lĩnh người Nghệ An là tinh thần ham học, học mọi lúc, mọi nơi có thể. Trong số các tướng lĩnh Nghệ An, có 26 tướng là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú như: GS.TS.Trung tướng Phạm Hồng Sơn (Hưng Nhân, Hưng nguyên); GS.TS Trung tướng Đỗ Trinh (Tân Kỳ); PGS.TS Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh (Nam Đàn); PGS.TS. Anh hùng LLVTND Trung tướng Hoàng Kông Tư (Diễn Kỷ, Diễn Châu)... Đặc biệt, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nghiên cứu, sáng tạo lý luận, nghiệp vụ và huấn luyện nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân lập nên nhiều chiến công vẻ vang. Trong số 12 Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam thì Nghệ An có một người, các Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang, Nghệ An có 2 người; Một Bộ trưởng Công an giữ chức vụ dài nhất gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc và cả thời bình; còn Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được Nhà nước phong tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 24/9/1946 tại Sắc lệnh 185. Bằng lòng yêu nước nồng nàn và tài năng thao lược, các tướng lĩnh Nghệ An đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương Xô viết anh hùng. 
Đến nay, các tướng lĩnh người Nghệ An có 90 người còn sống ở khắp mọi miền đất nước, dù ở đâu, các vị luôn hướng tình cảm về quê hương yêu dấu, dõi theo những bước phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Ở “đỉnh cao” được cả nước nể phục, nhưng trong mọi diễn đàn, các tướng lĩnh người Nghệ An luôn thể hiện sự tri ân đối với các liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các thương binh, bệnh binh… Đi qua chiến tranh, tiếp tục cống hiến trong thời bình, các tướng lĩnh Nghệ An đã đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới, phát triển quê hương, đất nước. Mỗi cuộc đời hào hùng, anh dũng của các vị tướng là những tấm gương lớn lan tỏa cho các thế hệ noi theo, tiếp bước.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta càng tự hào và tri ân các tướng lĩnh quê hương Bác Hồ, các đồng chí dù ở cương vị nào cũng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An luôn tự hào và biết ơn các tướng lĩnh đã làm rạng rỡ quê hương, đất nước, đồng thời tiếp tục kế thừa tinh thần đó, đoàn kết xây dựng Nghệ An ngày một giàu mạnh, trở thành trung tâm kinh tế khu vực Bắc Trung bộ, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
HĐP

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.

Biên giới

Những lá đơn tình nguyện 'lên đường đi giữ biên cương'

(Baonghean.vn) - Ngót 45 năm đã trôi qua, các thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ không khí sục sôi của những tháng ngày lịch sử. Hiện, ở Bảo tàng Quân khu 4 còn lưu giữ những lá đơn tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên cương của những thanh niên đất Nghệ.